Chuyển đổi nền kinh tế để tiếp tục phát triển

Chuyển đổi nền kinh tế để tiếp tục phát triển

(ĐTCK) Quan điểm chung được thống nhất tại diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển 2019 khai mạc sáng 19/9 là Việt Nam cần tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo, công nghiệp chế biến chế tạo, tăng năng suất lao động. Đây cũng là những định hướng chính sách lớn để khu vực doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi cách thức phát triển trong giai đoạn mới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đã mau chóng thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo; đón bắt, tiếp thu và ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2019 đã tăng 3 bậc so với năm 2018, xếp thứ 42/129 quốc gia; đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và thứ 3 trong ASEAN (sau Singapore và Malaysia).

Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức: mức thu nhập trung bình thấp, năng suất lao động của nền kinh tế chưa cao; năng lực cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế nói chung và nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu chưa mạnh; nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường vẫn còn những khiếm khuyết cần phải hoàn thiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn lực và tính bền vững của phát triển.

Ông David Dollar, nguyên Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc cho rằng, Việt Nam cần tăng dịch vụ trong chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như ưu tiên cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ðây cũng là quan điểm của bà Mari Elka Pangestu, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo của Indonesia.

Hiện những tác động của chiến tranh thương mại trên thế giới, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững... rất khó lường, vì thế ở mức độ vi mô, doanh nghiệp cần phải thay đổi mô hình kinh doanh, mô hình phát triển.

Chẳng hạn, những thay đổi trong lĩnh vực giao thông vận tải, rồi cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm giảm khoảng cách trong giao tiếp trực tiếp, cho phép thuê ngoài nhiều hơn, mở rộng các dịch vụ xuyên biên giới.

“Với Việt Nam, công nghiệp chế tạo rất quan trọng để gia nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, phải tăng năng suất ở những doanh nghiệp cận thấp, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ðặc biệt, áp dụng chuyển đổi công nghệ, ứng dụng số hóa ngày càng nhiều hơn. Ðây cũng là xu hướng ở các nước trong khu vực”, bà Mari Elka Pangestu khuyến nghị.

Trong xu hướng chuyển đổi của nền kinh tế và các doanh nghiệp, câu chuyện nguồn vốn tài chính và nguồn nhân lực được quan tâm đặc biệt.

Theo các chuyên gia Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần thêm nguồn vốn đầu tư bên ngoài, mặc dù luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện tại lớn nhưng không phải lúc nào cũng luôn ổn định.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, Việt Nam cần có chính sách để thúc đẩy đầu tư tư nhân trong nước, bởi tỷ lệ này hiện còn rất thấp so với các nền kinh tế khác trong khu vực.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam định hướng phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo nhấn mạnh việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm, cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, chấp nhận rủi ro cho việc triển khai và ứng dụng công nghệ mới...

Dự thảo chiến lược cũng đưa ra định hướng đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ số; xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh, tạo nền tảng để tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển; hình thành và phát triển hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, lấy doanh nghiệp là trung tâm nghiên cứu - phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng cao, nhất là công nghệ số, thông tin, sinh học, trí tuệ nhân tạo, cơ điện tử, tự động hóa, điện tử y sinh, năng lượng, môi trường; khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân được phát huy các năng lực, tự do sáng tạo trong đời sống kinh tế - xã hội.

Đến hết năm 2018, quy mô GDP của Việt Nam đạt trên 250 tỷ USD, thuộc nhóm 45 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới; GDP bình quân đầu người đạt xấp xỉ 2.600 USD (nếu tính theo sức mua tương đường - PPP, quy mô GDP đạt trên 720 tỷ USD, bình quân đầu người đạt trên 7.600 USD).

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế với số vốn FDI đăng ký mới liên tục tăng qua các giai đoạn, trong đó giai đoạn 2011- 2018 đạt hơn 200 tỷ USD. Độ mở của nền kinh tế liên tục tăng, đến năm 2018 bằng 200% GDP.

Tin bài liên quan