Vị trí nhà máy điện khí LNG Công Thanh sẽ đặt trên địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn tại xã Hải Yến, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá (vị trí hiện trạng của dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh) (Ảnh: Mai Hoa, TTXVN)

Vị trí nhà máy điện khí LNG Công Thanh sẽ đặt trên địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn tại xã Hải Yến, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá (vị trí hiện trạng của dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh) (Ảnh: Mai Hoa, TTXVN)

Chuyển dự án điện than sang điện khí LNG: Cơ hội dần trôi qua, nhà đầu tư sốt ruột

Đã hết tháng 9/2023 - thời hạn để Bộ Công thương báo cáo kết quả làm việc với các chủ đầu tư nhiệt điện than chậm tiến độ để lắng nghe các đề xuất từ nhà đầu tư, nhưng chưa có cuộc làm việc nào được tiến hành.

Nhà đầu tư sốt ruột

Chiều 6/10/2023, trao đổi với Báo điện tử Đầu tư, đại diện nhà đầu tư Dự án nhiệt điện Công Thanh (đang đề xuất chuyển sang điện khí LNG) cho biết, vẫn chưa nhận được thông tin, lịch làm việc với Bộ Công thương về đề xuất chuyển dự án điện than Công Thanh sang điện khí LNG mà Tập đoàn này và tỉnh Thanh Hóa đã đề xuất.

Đây là một nội dung được nêu trong Kết luận cuộc họp về dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Theo đó, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Công thương bổ sung báo cáo về việc làm việc với các nhà đầu tư các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông; làm rõ tính khả thi và tiến độ triển khai của các dự án để đề xuất cụ thể trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Bản Dự thảo yêu cầu, “Bộ Công thương làm việc với các nhà đầu tư, cho phép kéo dài đến tháng 6/2024 mà không triển khai được thì phải xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật". Đồng thời, đối với các dự án điện than lớn, rủi ro chậm tiến độ do những khó khăn trong quá trình chuẩn bị đầu tư và tiến độ vận hành chưa xác định cụ thể được, Bộ Công thương sẽ làm việc với các chủ đầu tư dự án để làm rõ khả năng tiếp tục triển khai hoặc xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật.

Tại Kết luận, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công thương báo cáo lại những vấn đề liên quan dự thảo kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII trong tháng 9.

“Đến nay, chúng tôi chưa nhận thông tin nào về lịch làm việc với Bộ Công thương để xem xét cụ thể các đề xuất của dự án”, đại diện nhà đầu tư Dự án xác nhận.

Sự chậm trễ này khiến không chỉ các nhà đầu tư sốt ruột. Chia sẻ với báo chí, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật) cho rằng, việc chậm trễ từ cơ quan chức năng, ở đây là Bộ Công thương, có thể sẽ đánh mất cơ hội của những dự án cụ thể, có tiềm năng. Chúng ta đang nỗ lực kêu gọi nhà đầu tư vào các dự án năng lượng sạch, nhưng sự chậm trễ này có thể làm nản lòng nhà đầu tư. Ông Hòa cho rằng, Bộ Công thương cần sớm bàn bạc cùng nhà đầu tư để đưa kế hoạch chuyển đổi điện than sang điện khí sớm thành hiện thực, tránh lãng phí về nguồn lực, cơ hội.

Chậm trễ sẽ mất cơ hội

Theo báo cáo của Bộ Công thương, hiện có 5 dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn, với tổng công suất lên tới 7.220MW. Các dự án này gồm: Nhiệt điện Vĩnh Tân III 1.980MW, nhiệt điện Sông Hậu II 2.120MW; Nhiệt điện Quảng Trị (1.320MW); Nhiệt điện Công Thanh 600MW; Nhiệt điện Nam Định I 1.200MW.

Trong đó, đáng chú ý, có hai dự án được địa phương chính thức đề xuất dừng triển khai điện than và thay thế bằng điện khí LNG. Cụ thể, Dự án nhiệt điện Quảng Trị, nhà đầu tư là Tổng công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi) đã có văn bản thông báo dừng triển khai dự án và tỉnh Quảng Trị cũng đang đề xuất thay thế bằng nguồn điện LNG theo văn bản ngày 9/8/2023.

Tại Thanh Hóa, Dự án nhiệt điện Công Thanh, nhà đầu tư là Tập đoàn Công Thanh và tỉnh Thanh Hóa cũng đang xin chuyển thành dự án điện khí LNG (Văn bản số 9651/UBND-CN ngày 4/7/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh chuyển đổi nhiên liệu sử dụng than sang khí LNG nhập khẩu với công suất nhà máy 1.500MW).

Theo Theo lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ “phân bổ tối ưu hệ thống năng lượng quốc gia trong tất cả các lĩnh vực trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương”; đồng thời, Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 định hướng “đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp nặng, mà trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo”; tỉnh Thanh Hóa đang tập trung thu hút đầu tư các dự án năng lượng, đặc biệt là các dự án điện khí LNG nhằm tận dụng lợi thế của Cảng nước sâu Nghi Sơn và hạ tầng đồng bộ của Khu kinh tế Nghi Sơn, nhằm sớm hiện thực hóa chủ trương nêu trên của Bộ Chính trị, đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm về năng lượng của cả nước.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản chính thức gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà xem xét, thống nhất cho dự án Nhiệt điện Công Thanh chuyển đổi nhiên liệu sử dụng than sang khí LNG nhập khẩu và cập nhật dự án vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Về đề xuất này, ông Bùi Tuấn Tự, Phó trưởng ban, Ban quản lý KKT Nghi Sơn và KCN tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay, nhà đầu tư đã chuẩn bị đầy đủ thủ tục về pháp lý, hồ sơ. Nếu đề xuất của nhà đầu tư và tỉnh Thanh Hóa được Bộ Công thương chấp thuận thì dự án sẽ triển khai thuận lợi.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, việc chuyển các dự án điện than sang điện khí LNG là một đòi hỏi bắt buộc, là xu thế, vì các chi phí, vay vốn từ nước ngoài cho dự án năng lượng hiện nay đều có điều kiện chuyển sang kinh tế xanh, không có vốn cho dự án điện than nữa. Do vậy, các bộ, ngành cần khẩn trương, cần nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục cần thiết để chuyển các dự án điện than không có khả năng triển khai sang điện khí LNG, để vừa không đánh mất cơ hội của nhà đầu tư, cơ hội phát triển của địa phương, đồng thời cũng là để đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, nhất là trong bối cảnh tình trạng thiếu điện vẫn là nguy cơ lớn hiện nay.

Đại diện Dự án Nhiệt điện Công Thanh cho biết, đến nay đã cơ bản hoàn thành việc GPMB, san lấp, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo các điều kiện về mặt bằng để đầu tư nhà máy; Tập đoàn Công Thanh đã khảo sát, đánh giá năng lực các nhà đầu tư quốc tế và đã lựa chọn, đàm phán và ký Thỏa thuận Hợp tác đầu tư dự án điện khí LNG Công Thanh 1.500 MW với các nhà đầu tư hàng đầu, có năng lực tốt trên thế giới gồm BP (BP Gas & Power Investment - Anh Quốc), GE (GE Capital Limited - Hoa Kỳ) và Actis (Actis Ambergen 2 Ltd - Anh Quốc) và trên cơ sở kinh nghiệm, năng lực, sở trường mỗi bên, Tổ hợp đã thỏa thuận phân công nhiệm vụ mỗi thành viên

Vì vậy, dự án Nhiệt điện Công Thanh có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai dự án đầu tư và hoàn thành đưa dự án đi vào vận hành trước năm 2030 (dự kiến trong năm 2028) nếu chuyển sang nhiên liệu khí LNG, đảm bảo các mục tiêu theo Quy hoạch điện VIII của Thủ tướng Chính phủ.

Tin bài liên quan