Chuyên gia tài chính Phạm Xuân Hoè phát biểu tại Toạ đàm sáng 5/12 - Ảnh: M.M

Chuyên gia tài chính Phạm Xuân Hoè phát biểu tại Toạ đàm sáng 5/12 - Ảnh: M.M

Chuyên gia đề xuất xây dựng Quỹ bảo lãnh tín dụng, điều chuyển 20.000 tỷ đồng cho Quỹ từ gói hỗ trợ lãi suất 2%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chuyên gia tài chính Phạm Xuân Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam chia sẻ đề xuất này của ông khi cùng Viện Chính sách chiến lược - Bộ Tài chính nghiên cứu đề án về quỹ bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

4 chữ khiến doanh nghiệp SME không thể tiếp cận vốn rẻ

Chia sẻ tại Toạ đàm "Liên kết doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức sáng 5/12, chuyên gia Phạm Xuân Hoè cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang gặp khó khăn về tài chính khi muốn tham gia liên kết với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Ông Hoè lấy ví dụ về một doanh nghiệp xây khu công nghiệp ở Hà Nội (giáp Hà Nam) nhưng 10 năm nay vẫn chỉ "loe hoe" có vài ba doanh nghiệp phụ trợ của Việt Nam đến thuê.

Khi ông hỏi lý do thì chủ khu công nghiệp cho biết, chủ yếu do doanh nghiệp Việt thiếu vốn để phát triển công nghiệp phụ trợ.

Ví dụ, để đầu tư một dây chuyền công nghệ đủ sức làm sản phẩm đầu ra cho hãng Samsung, tối thiểu phải có 300 tỷ đồng. Doanh nghiệp phải có ít nhất 90 tỷ đồng (30%) thì mới được ngân hàng cho vay 70% còn lại. Ngoài ra, để được vay 70% đó cần phải có tài sản thế chấp.

Mặt khác, ngay cả vay được rồi, môi trường lãi suất cao làm giá thành tăng lên, sản phẩm cũng không thể cạnh tranh với sản phẩm của doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của Hàn Quốc.

"Như vậy có tham gia chuỗi liên kết với doanh nghiệp FDI được không?", ông Hoè nêu câu hỏi.

Thông tin thêm, vị chuyên gia cho biết, hiện chúng ta có một hệ thống quỹ tài chính ngoài ngân sách nhưng đa phần hoạt động chưa hiệu quả.

Ví dụ như Quỹ hỗ trợ khoa học công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Quỹ bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường...

"Mỗi quỹ nắm giữ khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng, cơ chế hoạt động là uỷ thác cho vay qua các ngân hàng thương mại, bởi vì họ rất sợ rủi ro và cũng không có nghiệp vụ đánh giá rủi ro. Họ bị vướng một cái "vòng kim cô" là phải bảo toàn và phát triển vốn. Không ông chủ tịch nào dám cho vay vì sợ mất vốn sẽ bị hình sự hoá", vị chuyên gia nêu thực trạng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB, đơn vị có thể cung cấp nguồn vốn rẻ) thì đến thời điểm này tổng dư nợ hơn 300.000 tỷ đồng nhưng chưa được phê duyệt đề án xử lý nợ xấu.

"Mức lãi suất trần cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa của VDB theo quyết định của Thống đốc là 4,5%/năm, tôi có hỏi rất nhiều doanh nghiệp là có tiếp cận được không thì không ai trả lời là tiếp cận được", chuyên gia Phạm Xuân Hoè thông tin.

Các chuyên gia thảo luận tại Toạ đàm

Các chuyên gia thảo luận tại Toạ đàm

Lý do, theo ông, là có 4 chữ trong quy định pháp luật hiện hành đã cản trở doanh nghiệp SME tiếp cận vốn rẻ. Đó là các chữ "lành mạnh" và "minh bạch" về tài chính mà ngân hàng yêu cầu ở doanh nghiệp trước khi giải ngân cho vay.

"Khó nhất là minh bạch vì doanh nghiệp muốn chứng minh sự minh bạch thì phải kiểm toán. Mấy trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa thì ai kiểm toán?", ông Hoè nhấn mạnh và nói vui: "Điều kiện thì ở trên trời còn cuộc đời ở dưới đất".

Xây dựng quỹ bảo lãnh tín dụng, điều chuyển 20.000 tỷ đồng từ gói hỗ trợ lãi suất 2%

Nói về giải pháp, chuyên gia Phạm Xuân Hoè cho biết, vừa qua ông đã tham gia nghiên cứu cùng Viện Chính sách chiến lược - Bộ Tài chính đề án về quỹ bảo lãnh tín dụng quy mô quốc gia để cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay; trên cơ sở học tập kinh nghiệm quốc tế từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản...

Khi góp ý cho quỹ này, ông đã đề nghị phải chắc chắn dùng tín chấp, không yêu cầu doanh nghiệp thế chấp như vay ngân hàng.

Đồng thời, ông kiến nghị điều chuyển 50% giá trị của gói hỗ trợ lãi suất 2% trị giá 40.000 tỷ đồng thuộc Chương trình phục hồi (hiện hoạt động không hiệu quả, sau 2 năm mới giải ngân được hơn 1%) sang quỹ này.

"Nếu chúng ta không làm theo thông lệ quốc tế thì không bao giờ phát triển được doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam để đủ khả năng tham gia vào chuỗi liên kết giá trị", vị chuyên gia nói.

Là Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam (Vietnam Leasing), tại Toạ đàm, ông Hoè đặt vấn đề với các đại diện doanh nghiệp nước ngoài và hỏi họ rằng, liệu họ có sẵn sàng cho doanh nghiệp Việt Nam (đủ tiêu chuẩn, đủ khả năng quản trị về mặt công nghệ, đủ khả năng sản xuất sản phẩm phụ trợ) thuê các dây chuyền công nghệ hay không?

Hình thức hợp tác là uỷ thác qua các công ty leasing để cho thuê tài sản. Theo ông Hoè, giải pháp này sẽ giải quyết được câu chuyện liên kết yếu giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp FDI trong bối cảnh doanh nghiệp Việt hạn chế về vốn.

Ngoài ra, vị chuyên gia cho rằng, cần phải tiếp tục giảm thuế cho doanh nghiệp, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam cũng phải được hỗ trợ bình đẳng như thuế ưu đãi để thu hút doanh nghiệp FDI.

Báo cáo "Liên kết chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt Nam tới chuỗi giá trị toàn cầu" của VEPR được trình bày tại Tọa đàm cho thấy, sau 35 năm thu hút FDI, Việt Nam đã hưởng lợi về tăng thu ngân sách, phát triển kinh tế (đặc biệt là xuất khẩu), tạo thêm việc làm, đạt được thứ hạng ngày càng cao về chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Tuy nhiên, việc xuất khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc phần lớn vào doanh nghiệp FDI tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế. Nguyên nhân là nhiều năm qua sự liên kết của doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội chưa nhiều (lý do phần lớn là nội lực của doanh nghiệp nội chưa cao).

So sánh với một số quốc gia thì giá trị gia tăng nội địa của Việt Nam chưa chiếm được ưu thế trong tổng giá trị xuất khẩu, nguồn nguyên liệu đầu vào của sản phẩm FDI có nguồn gốc từ Việt Nam chưa cao...

Tin bài liên quan