Cơ chế thả nổi giá xăng dầu: “Thả” theo thị trường nhưng có sự giám sát chặt chẽ

Ngày 17/9, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú để tìm hiểu rõ hơn về cơ chế thả nổi giá xăng dầu.

Thưa Thứ trưởng, việc giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp định giá bán lẻ có khiến cho thị trường xăng dầu luôn biến động và làm thế nào để quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ?

 

Khi Chính phủ ban hành Nghị định 55/CP, trong đó có nội dung quan trọng là giao cho doanh nghiệp tự định giá xăng, Chính phủ không bù lỗ, hướng đúng là phải đưa giá xăng vận hành theo cơ chế thị trường, đưa giá xăng trở về với vị trí thực của nó; nhưng khi giao cho doanh nghiệp, liệu họ có nâng giá tùy tiện, có liên minh độc quyền hay không… Mấu chốt vấn đề ở đây là dù có giao cho doanh nghiệp tự định giá nhưng xăng dầu vẫn là mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước bình ổn giá vì vậy, nó vẫn phải vận hành theo sự điều hành của Nhà nước. Như vậy, Nhà nước là người bảo vệ lợi ích của toàn xã hội, trong đó có bộ phận người tiêu dùng.

 

Như vậy, cơ chế điều hành xăng dầu trong thời gian tới sẽ thay đổi như thế nào, thưa Thứ trưởng?

 

Thực tế, dù cơ chế thị trường đối với kinh doanh xăng dầu đã được quy định tại Nghị định 55 từ tháng 4/2007 nhưng do những biến động tăng liên tục của giá xăng dầu, lạm phát trong nước tăng cao nên lộ trình thực hiện giá thị trường đã được gác lại đối với các mặt hàng dầu. Nhìn chung là do tình hình khó khăn quá nên chúng ta phải “giật lùi”. Với việc giao quyền tự định giá, doanh nghiệp sẽ căn cứ trên giá mua, chi phí, lợi nhuận… để xác định giá bán nhưng giá bán này phải được đăng ký với các cơ quan quản lý để giám sát và đảm bảo rằng, mức giá đó không bất hợp lý.

 

Để chuyển sang cơ chế điều hành kinh doanh mới, Liên bộ Công thương-Tài chính đã thành lập Tổ giám sát liên bộ về giá xăng dầu. Tổ này có nhiệm vụ theo dõi việc điều chỉnh giá xăng, dầu do các doanh nghiệp đầu mối quy định, xem xét, đề xuất báo cáo liên bộ về điều chỉnh giá bán xăng, dầu theo quy định; tiếp nhận đăng ký giá bán xăng, dầu của các doanh nghiệp đầu mối theo quy định trước thời điểm điều chỉnh giá 3 ngày, xem xét, phát hiện các yếu tố hợp lý hoặc bất hợp lý trong việc điều chỉnh giá để kiến nghị với hai bộ chấp thuận hay không chấp thuận việc điều chỉnh giá. Trong trường hợp không có ý kiến phản hồi doanh nghiệp được quyền triển khai giá bán theo đăng ký. Đây là việc cụ thể hóa chủ trương doanh nghiệp tự định giá nhưng có sự giám sát chặt chẽ Chính phủ.

 

Việc thay đổi cơ chế điều hành có ảnh hưởng đến kế hoạch thành lậpï Quỹ bình ổn giá xăng dầu mà Liên bộ Công thương-Tài chính đã “ấp ủ” từ lâu?

 

Trước đây, quỹ bình ổn giá là một yếu tố hết sức cần thiết trong tình hình giá thế giới biến động, trong khi giá bán lẻ trong nước phải được bình ổn. Tuy nhiên, với cơ chế điều hành theo giá thị trường thì Nhà nước không phải “lo” cho doanh nghiệp nữa. Bộ Công thương cũng khuyến khích các doanh nghiệp tự lập quỹ bình ổn giá.

 

Nhưng người tiêu dùng cũng hết sức lo ngại nếu như các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bắt tay liên minh “làm giá”?

 

Với cơ chế giao cho doanh nghiệp tự định giá, có thể có tình trạng doanh nghiệp nhập giá cao hơn phải bán với giá hơn, về mặt nguyên tắc, doanh nghiệp có quyền nhưng trên thực tế khó hơn, không ai dại gì làm điều này vì khách hàng sẽ đi chỗ khác rẻ hơn. Trừ trường hợp Petrolimex vì doanh nghiệp này có hệ thống đại lý ở khắp mọi nơi, đặc biệt ở những nơi khó khăn chỉ có Petrolimex, nếu anh bán giá cao người ta vẫn phải mua. Nhưng đây là doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo, và Nhà nước sẽ có điều chỉnh làm định hướng cho các doanh nghiệp khác nên tôi cho rằng, không có vấn đề gì đáng lo cả. Mặt khác, nếu các các doanh nghiệp liên minh làm giá thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Luật Cạnh tranh.

 

Hiện nay, giá dầu thế giới có xu hướng giảm nhưng các doanh nghiệp đã nhập khẩu về nhiều trong thời điểm giá cao nên không giảm giá bán. Với những trường hợp này, Nhà nước có can thiệp không, thưa Thứ trưởng?

 

Như tôi đã nói ở trên, sức ép thị trường rất lớn, sẽ buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh bởi doanh nghiệp xăng dầu cạnh tranh bằng hệ thống phân phối. Mặt khác, vẫn không thể không nhắc đến vai trò của Nhà nước ở đây, bên cạnh việc giám sát các doanh nghiệp liên minh “làm giá”, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ cảnh cáo các doanh nghiệp không chịu giảm giá, thông tin cho thị trường biết mức giá như thế nào là hợp lý.