Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Duy Đông

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Duy Đông

Cơ hội đón vốn đầu tư từ Việt kiều

0:00 / 0:00
0:00

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Duy Đông trao đổi về chính sách thu hút đầu tư đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài là những doanh nhân thành đạt và sẵn sàng đầu tư về quê hương. Thưa ông, việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ kiều bào hiện nay có những thuận lợi, khó khăn gì?

Những năm gần đây, người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng quan tâm đến đầu tư về nước, xây dựng quê hương. Cộng động người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng phát triển có tiềm lực mạnh về kinh tế, công nghệ, năng lực quản lý và nhiều người trong số họ muốn trở về quê hương đầu tư. Trong khi rất nhiều nước trên thế giới vẫn đang phải đối phó với đại dịch Covid-19 ngày càng lan rộng thì việc thành công trong kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam góp phần làm gia tăng uy tín, sự an toàn của môi trường đầu tư Việt Nam, khuyến khích Việt kiều về nước sinh sống và đầu tư, kinh doanh.

Đây là những thuận lợi, tuy nhiên bên cạnh đó chúng ta vẫn còn gặp một số khó khăn, trở ngại đó là công tác tuyên truyền, vận động và kết nối người Việt Nam ở nước ngoài tại các nước chưa thực sự hiệu quả do thiếu nguồn lực. Và nhiều Việt kiều còn chưa nắm rõ chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Mặc dù vậy, kết quả đạt được trong việc thu hút vốn đầu tư từ kiều bào có thể nói là khá thành công. Cụ thể, tính đến tháng 10/2020, kiều bào ở 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 362 dự án theo hình thức FDI tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 1,6 tỷ USD. Và đáng mừng nữa là các dự án đầu tư của kiều bào chủ yếu tập trung vào lĩnh vực mà Việt Nam khuyến khích đó là công nghiệp chế biến, chế tạo với 143 dự án, vốn đăng ký 725,14 triệu USD, chiếm 39,5% số dự án và 45,2% vốn đăng ký.

Đại dịch Covid-19 khiến nguồn vốn FDI bị ngưng trệ, nguồn vốn FDI từ Việt kiều chắc chắn cũng bị tác động tiêu cực?

Đại dịch Covid-19 khiến mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, trong đó hoạt động đầu tư FDI gặp khó khăn rất lớn vì vừa bị đứt gẫy chuỗi cung ứng đầu vào vừa bị đứt gẫy chuỗi cung ứng đầu ra. Đầu tư FDI còn gặp khó khăn ở chỗ nhiều nhà đầu tư do bị giãn cách xã hội, hoạt động hàng không quốc tế ngưng trệ nên không thể nhập cảnh vào Việt Nam khiến không ít dự án đã có kế hoạch đầu tư buộc phải tạm dừng. Hoạt động đầu tư FDI của khu vực Việt kiều cũng không nằm ngoại lệ trong bối cảnh khó khăn chung này.

Nhưng trong khó khăn, Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh qua việc đẩy lùi và kiểm soát được đại dịch, chúng ta đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận là điểm đến an toàn và bây giờ là lúc chúng ta tận dụng cơ hội đó là việc các bộ ngành, địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng về đất đai, lao động và các điều kiện khác để đón nguồn vốn FDI dự kiến sẽ tăng mạnh sau khi có vaccine phòng ngừa nCoV-2.

Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, ngay trong thời gian dịch bệnh hoành hành trên toàn thế giới, Việt Nam đã đón trên 20.000 người nhập cảnh, trong đó có cả nhà đầu tư, chuyên gia, Việt kiều, người Việt Nam học tập, sinh sống tại nước ngoài trở về quê hương. Sự phối hợp giữa các cơ quan hải quan, biên phòng, y tế, giao thông, an ninh rất hiệu quả nên chúng ta vừa đưa được người Việt Nam ở nước ngoài về nước, đưa nhà đầu tư, chuyên gia quay trở lại Việt Nam làm việc để lấy lại đà tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát chặt chẽ được dịch bệnh.

Và ngay trong thời gian dịch bệnh, Việt Nam cũng đã có định hướng thu hút FDI, thưa ông?

Về định hướng dài hạn, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW (ngày 20/8/2019) về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phải bám sát vào quan điểm chỉ đạo, mục tiêu cụ thể trong Nghị quyết 50-NQ/TW, tuy nhiên cách thực hiện được thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế như thực hiện xúc tiến đầu tư trực tuyến, kết nối với nhà đầu tư qua nhiều kênh thông tin, khuyến kích đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ y tế; nghiên cứu, sản xuất dược phẩm; khuyến khích đầu tư vào kinh tế số…

Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Thưa ông, cần phải làm gì để phát huy nguồn lực này?

Chúng ta đã thực hiện rất nhiều giải pháp, chính sách, cơ chế để phát huy nguồn lực từ Việt kiều, nhất là những người có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm, các nhà khoa học, trí thức trẻ tâm huyết mong muốn cống hiến, đóng góp cho quê hương. Gần đây nhất, vào tháng 8/2018, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã chính thức ra mắt tại Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị được giao nhiệm vụ vận hành, phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam. Hiện tại, Mạng lưới đã tập hợp được hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học, trí thức trẻ đang làm việc, nghiên cứu cho các cơ quan, tổ chức, tập đoàn hàng đầu thế giới.

Tính đến nay, Mạng lưới đã kết nối được hơn 300 thành viên ở 14 quốc gia để triển khai xây dựng các mạng lưới thành phần ở Đức, Australia, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Rất mừng là cộng đồng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về cơ bản rất quan tâm và mong muốn đóng góp cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, có nhu cầu kết nối và có khả năng thúc đẩy những hợp tác hai chiều giữa Việt Nam và nước sở tại. Đây là nguồn lực vô cùng quý giá góp phần giúp Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội.

Kết quả đạt được thế nào, thưa ông?

Nhìn chung các hoạt động của Mạng lưới được triển khai hướng đến nhiều mục tiêu trong đó có việc thực hiện Chương trình Vietnam Venture Summit (VVS) - kết nối quỹ đầu tư với doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. VVS là diễn đàn đối thoại thường niên giữa các quỹ đầu tư trong và ngoài nước với cơ quan tham mưu cho Chính phủ và cộng đồng start-up, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì lần đầu tiền vào năm 2019 đã thu hút hơn 130 quỹ đầu tư quốc tế và hơn 70 quỹ đầu tư trong nước tham dự, hơn 600 lượt doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia và hơn 40 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp tại Việt Nam tham dự. Tại diễn đàn VVS 2019, 18 quỹ đầu tư trong nước và quốc tế đã cam kết đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong giai đoạn 2019-2021 đạt 425 triệu USD, đến thời điểm này trên 50% giá tri cam kết đã được thực hiện.

VVS năm 2020 dự kiến được tổ chức vào ngày 25/11 tới đây dự kiến sẽ có sự tham gia của khoảng 130 quỹ đầu tư trong và ngoài nước cùng với sự tham dự của khoảng 800-1.000 đại biểu là lãnh đạo một số bộ, ngành cùng gần 50 diễn giả quốc tế và trong nước, lãnh đạo các tập đoàn công nghệ, nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp trong và ngoài nước.

Tin bài liên quan