Cơ hội mới cho bất động sản Bình Thuận

Cơ hội mới cho bất động sản Bình Thuận

(ĐTCK) Việc UBND tỉnh Bình Thuận ban hành kế hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia Mũ Né đến năm 2025, tầm nhìn 2030 được cho là cơ hội lớn để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Bình Thuận phát triển.

Cửa phát triển đã mở

Bình Thuận có lợi thế lớn về du lịch với bờ biển dài và đẹp, lại chỉ cách TP.HCM 160 km, được kết nối thuận lợi với nhiều loại hình giao thông như đường bộ có Quốc lộ 1A vừa mở rộng, sắp tới là cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, có nhà ga tàu lửa hiện đại và Sân bay Phan Thiết đang xây dựng.

Đặc biệt, mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Văn bản số 785/KH-UBND ngày 6/3 về việc tổ chức thực hiện Quyết định số 1772/QĐ-TTg ngày 18/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìm đến 2030.

Mục tiêu là đến năm 2025, Bình Thuận sẽ có 21.000 buồng lưu trú, đón khoảng 9 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch là 24.000 tỷ đồng. Đến năm 2030, sẽ có 45.000 buồng lưu trú, đón 14 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2,5 triệu khách quốc tế, tổng thu từ du lịch là 50.000 tỷ đồng.

Để đạt được kế hoạch này, tỉnh Bình Thuận đã giao Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì thẩm định, trình duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của TP. Phan Thiết, huyện Bắc Bình, huyện Tuy Phong, trong đó có xác định quỹ đất các dự án du lịch - thể thao biển theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia Mũi Né. Phối hợp với các địa phương để xác định ranh giới khu du lịch quốc gia.

Tiếp tục nghiên cứu rút ngắn thời gian và rút ngọn thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai, cải cách thủ tục theo hướng nhà đầu tư chỉ cần nộp hồ sơ 1 lần tại Trung tâm hành chính công tỉnh thì được giải quyết tất cả các thủ tục về đất đai (từ việc cho thuê đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…) với thời gian rút ngắn đáng kể.

 Bình Thuận có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.

Đối với Sở Xây dựng, UBND tỉnh Bình Thuận giao sở này chủ trì, phối hợp với UBND TP. Phan Thiết, UBND huyện Bắc Bình, UBND huyện Tuy Phong lập và điều chỉnh quy hoạch các khu chức năng du lịch - thể thao biển theo phân cấp quy định.

Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận được giao làm việc, huy động các doanh nghiệp du lịch đóng góp kinh phí để đầu tư hạ tầng phát triển du lịch, trước hết là tự lát đá granite vỉa hè phía trước khu du lịch của mình theo thiết kế mẫu và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông thuê lại một số vị trí để đầu tư hạ tầng mạng 4G, 5G.

Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố lập dự án đầu tư chỉnh trang, xây dựng các tuyến đường nội thành nhất là các tuyến đường lưu thông dẫn đến khu du lịch quốc gia Mũi Né. Phối hợp với các sở ban ngành của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch…

Nguồn kinh phí thực hiện sẽ huy động từ các nguồn tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn kinh phí hợp pháp theo quy định pháp luât.

Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, lập danh sách xử lý, thu hồi các dự án bất động sản chậm triển khai không lý do chính đáng. Các dự án không tích cực triển khai đền bù hoặc không thỏa thuận được, không tích cực phối hợp với địa phương trong việc đền bù, giải tỏa để đề xuất UBND tỉnh thu hồi dự án.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, thời gian tới, Sở sẽ mời chủ đầu tư các dự án nêu trên để quán triệt nội dung liên quan. Hướng dẫn các chủ đầu tư có văn bản cam kết cụ thể tiến độ triển khai dự án trong thời gian được gia hạn, trường hợp dự án không thực hiện đúng theo nội dung cam kết thì sở sẽ trình UBND tỉnh thu hồi dự án và sẽ không giải quyết bất kỳ kiến nghị nào của chủ đầu tư.

Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thu hồi 20 dự án, trong đó có 8 dự án tại khu Mũi Né, TP. Phan Thiết; 12 dự án tại huyện Hàm Thuận Nam.

Cửa mở, doanh nghiệp địa ốc đua nhau đổ bộ

Tập đoàn Novaland vừa ra mắt Dự án NovaWorld Phan Thiết. Dự án tọa lạc tại xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, có quy mô gần 1.000 ha.

Ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Novaland cho biết, dự án có đa dạng các sản phẩm để đầu tư như nhà phố, biệt thự nghỉ dưỡng (second-home), nhà phố thương mại (shophouse) với tầm nhìn hướng ra khung cảnh biển. Đặc biệt, dự án hội tụ chuỗi tiện ích giải trí đẳng cấp lần đầu tiên xuất hiện tại khu vực Phan Thiết như 2 sân gôn 18 lỗ tiêu chuẩn quốc tế, được thiết kế và quản lý thi công bởi huyền thoại gôn thế giới Greg Norman; cụm công viên chủ đề, công viên nước, vườn thú petting zoo; khu công viên biển (Beach club) 16 ha…

Trước đó, đầu năm 2018, Novaland cũng đưa ra thị trường này Dự án Nova Hills có quy mô hơn 40 ha với hơn 600 biệt thự 5 sao được vận hành bởi các thương hiệu quốc tế.

Công ty Lộc Tú cũng vừa công bố khởi công Dự án Goldsand Hill Villa có quy mô hơn 9 ha tại mặt biển Mũi Né. Khi hoàn thành, Goldsand Hill Villa sẽ cung ứng ra thị trường gần 300 Villa hướng biển.

Dự án sở hữu hàng loạt tiện ích nội khu như bể bơi, siêu thị, F&B Lounge, phố đi bộ, các nhà hàng chủ đề, các cửa hàng bán đồ thời trang và mỹ nghệ, các quán bar, pub, beer club, pool party… theo phong cách street style tại Phan Thiết.

Tập đoàn TTC cũng đã tiến hành thâu tóm các dự án bất động sản nghỉ dưỡng và khách sạn tại Phan Thiết từ năm 2017 tới nay, trong đó cuối năm 2018, tập đoàn này đã ra mắt thị trường Dự án Dubai tại Phan Thiết với quy mô diện tích gần 1.000 ha. Tập đoàn FLC cũng gia nhập thị trường bất động sản đầy tiền năng này với Dự án FLC Mũi Né & Beach Resrot, APEC Group cũng góp mặt tại thị trường Bình Thuận với Dự án Apec Mandala Wyndham Mui Ne, hay TMS Group cũng chào sân thị trường Bình Thuận bằng một dự án gần 30 ha.

Ngoài ra, thị trường cũng vừa đón nhận 4 dự án lớn với tổng vốn lên đến 385 triệu USD, dự kiến sẽ ra mắt thị trường trong thời gian tới, đó là Dự án Khu du lịch thương mại dịch vụ cao cấp Hàm Tiến - Mũi Né (200 ha với tổng mức đầu tư 200 triệu USD); Dự án Khu du lịch cao cấp Hòn Rơm - Mũi Né (86 ha với số vốn dự kiến 92 triệu USD); Dự án Khu du lịch Hàm Thuận Đa Mi (330 ha với số vốn khoảng 42 triệu USD); Dự án khu du lịch suối nước nóng Bưng Thị (310 ha với số vốn 50 triệu USD).

Ngoài ra, còn phải kể đến sự đổ bộ của nhiều ông lớn địa ốc khác vào thị trường bất động sản Bình Thuận như Hưng Thịnh Corp, Phú Long, Him Lam Land, Danh Khôi Việt, DRH…

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, từ một điểm đến mang tính trải nghiệm với ít lựa chọn về lưu trú và giải trí, thị trường nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang chuyển mình trở thành một điểm đến nghỉ dưỡng với sức hấp dẫn và khả năng thu hút khách du lịch quay trở lại. Trong đó, Bình Thuận đang là thỏi nam châm lớn hút dòng vốn đầu tư của ngành bất động sản.

Còn ông Nguyễn Nam Hiền, Phó tổng giám đốc Hưng Thịnh Corp cho biết, chọn Bình Thuận để phát triển là hướng đi dài mà doanh nghiệp này đã chuyển bị từ khá lâu, nhưng chưa thực hiện bởi thời cơ chưa tới. Tuy nhiên hiện nay, thời điểm để phát triển đã đến, nên Hưng Thịnh quyết định ra mắt dự án tại Bình Thuận trong năm 2019 này.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan