Cổ phiếu cần quan tâm ngày 12/12

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 12/12

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 12/12 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu BID

CTCK MB (MBS)

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán BID – sàn HOSE) ghi nhận tổng thu nhập hoạt động 9 tháng đầu năm tăng 10% so với 9 tháng đầu năm ngoái, với động lực chính đến từ khoản thu nhập lãi thuần tăng 15,5% so với cùng kỳ. Ngoài ra, trước diễn biến phức tạp trên thị trường chứng khoán năm 2022, thu nhập ngoài lãi giảm 7% so với 9 tháng năm 2021, chủ yếu do khoản lỗ ghi nhận ở mảng hoạt động đầu tư và kinh doanh chứng khoán.

Chất lượng tài sản cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 1,35%. Tỷ lệ nợ nhóm 2 đạt 1,25%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 214%.

NIM duy trì ở mức ổn định nhờ giảm chi phí vốn cũng như đẩy mạnh cho vay bán lẻ.

Ngân hàng có tổng tài sản vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, tăng 16,3% so với đầu năm, và cũng là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam đạt quy mô này. Tổng dư nợ tín dụng tăng 10,1% trong năm nay, đạt 1.507 nghìn tỷ đồng (đã bao gồm khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp)

Định giá cổ phiếu: Tại mức giá hiện tại 39.000 đồng/ cổ phiếu, chúng tôi khuyến nghị giữ với cổ phiếu BID, với giá mục tiêu sau 12 tháng là 40.900 đồng/ cổ phiếu theo phương pháp kết hợp R/I và P/B.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua cổ phiếu IDC, với giá mục tiêu 50.300 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Doanh thu thuần quý III/2022 của Tổng công ty IDICO (IDC – sàn HNX) đạt 2.053 tỷ đồng (tăng 128% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó (1) doanh thu cho thuê đất KCN tăng trưởng mạnh đạt 1.032 tỷ đồng (tăng 473%) nhờ ghi nhận 456 tỷ đồng từ doanh thu chưa thực hiện của KCN Mỹ Xuân B1 và doanh thu cho thuê đất từ các KCN Phú Mỹ II và Hựu Thạnh (2) Doanh thu kinh doanh điện đạt 714 tỷ đồng (tăng 21%). Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 422 tỷ đồng (tăng 150%). Biên lợi nhuận gộp đạt 39%, tăng 19 điểm % so với cùng kỳ do tỷ trọng đóng góp cao hơn của mảng KCN với biên lợi nhuận gộp cao nhờ giá cho thuê tăng trưởng tốt.

Trong quý III/2022, IDC đã cho thuê được 38,3 ha phần lớn tại KCN Hựu Thạnh và KCN Phú Mỹ mở rộng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, IDC đã cho thuê được 129,7 ha. Ban lãnh đạo tự tin rằng IDC sẽ đạt kế hoạch cho thuê cả năm là 160 ha nhờ nhu cầu thuê đất duy trì tích cực.

Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ của IDC năm 2022 đạt lần lượt 8.123 tỷ đồng (tăng 89% so với năm trước) và 2.267 tỷ đồng (tăng 399%). Cho năm 2023, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ của IDC năm 2023 đạt lần lượt 8.589 tỷ đồng (tăng trưởng 6%) và 2.433 tỷ đồng (tăng trưởng 7%).

Dựa trên triển vọng kinh doanh và kết quả định giá, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu IDC với giá mục tiêu là 50.300 đồng/CP, tương đương với upside 37% so với giá đóng cửa ngày 05/11/2022.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PVS

CTCK VNDirect (VND)

Chúng tôi ưa thích cổ phiếu PVS của Tổng CTCP DỊch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam vì: Vị thế hàng đầu trong ngành dịch vụ kỹ thuật Dầu khí tại Việt Nam có thể giúp công ty hưởng lợi từ một chu kỳ đầu tư tiềm năng vào ngành năng lượng, đặc biệt là các dự án phát triển mỏ khí lớn như Lô B – Ô Môn và xu hướng đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh vững chắc của các liên doanh FSO/FPSO đóng góp vào kết quả của PVS trong các năm tới, chiếm 89%/77%/68% lợi nhuận ròng của PVS trong giai đoạn 2022-2024, theo ước tính của chúng tôi.

Thêm vào đó, Công ty có số dư tiền mặt ròng dồi dào 18.000 đồng/cp (theo Báo cáo tài chính cuối quý III/2022) giúp công ty hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu theo phương pháp DCF thấp hơn là 31.700 đồng/cp do: (1) điều chỉnh giảm dự phòng EPS năm 2022-2023 xuống 15,7%/8,9%, (2) nâng mức lãi suất phi rủi ro từ 3% lên 4% để phản ánh môi trường lãi suất tăng, và (3) chuyển mô hình định giá DCF sang cuối năm 2022.

Tiềm năng tăng giá và rủi ro giảm giá: Tiềm năng tăng giá đến từ giá dầu cao hơn kỳ vọng và sự khởi công của dự án Lô B – Ô Môn. Rủi ro giảm giá gồm việc giá dầu giảm mạnh và sự chậm trễ hơn nữa trong việc trao thầu các dự án lớn.

Tin bài liên quan