Cổ phiếu cần quan tâm ngày 1/7

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 1/7

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 1/7 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua MSN với giá mục tiêu 165.900 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Theo quan điểm của chúng tôi, MCH có lợi thế cạnh tranh đặc biệt so với các doanh nghiệp hoạt động cùng ngành khi tận dụng được chuỗi bán lẻ WinCommerce từ tập đoàn. Cho giai đoạn 2022-2024, dự phóng lợi nhuận sau thuế của MCH tăng trưởng 2 chữ số lần lượt 10,03%/12,21%/11%.

WCM sẽ tiếp tục cải thiện doanh thu cũng như biên lợi nhuận trong giai đoạn tới. Biên EBITDA ở thời điểm đầu MSN bắt đầu nắm giữ chỉ đạt -5,1% trong quý I/2020 đã cải thiện đáng kể lên 2,2% trong quý I/2022.

Biên EBITDA sẽ tiếp tục cải thiện nhờ (1) tận dụng được công nghệ AI và ML từ đối tác chiến lược Trusting Social sẽ giúp WCM tối ưu việc mở thêm cửa hàng, (2) năng lực đàm phán tốt với các nhà cung cấp tiếp tục đem lại tín hiệu khả quan, (3) kế hoạch mở rộng loại hình cửa hàng mini-mall, loại hình tích hợp kiosk nhỏ trong siêu thị WinMart+.

Nhìn chung, cho giai đoạn 2022 - 2026, chúng tôi dự phóng NPAT-MI của MHT sẽ tăng trưởng với 13,5% CAGR nhờ vào các điểm tích cực như (1) giá bán của các sản phẩm chính như Tungsten, Flourspar tiếp tục ở mức tốt, (2) nhu cầu ngày càng cao đối với hai sản phẩm này nhờ tính áp dụng tốt ở nhiều lĩnh vực như: quốc phòng, năng lượng và hoá dầu.

KBSV ra báo cáo lần đầu MSN của CTCP Tập đoàn Masan với khuyến nghị mua và giá mục tiêu là 165.900 đồng/CP, cao hơn 45,5% so với giá đóng cửa ngày 29/06/2022.

Trong năm 2022, chúng tôi dự phóng doanh thu thuần MSN đạt 88.274 tỷ đồng (giảm 0,4% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 6.107 tỷ đồng (giảm 40%, do loại trừ mảng MNS Feed). Năm 2023, mức doanh thu thuần đạt 97.425 tỷ đồng (tăng 10,4% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế ở mức 7.755 tỷ đồng (tăng 27%).

Khuyến nghị mua REE với giá mục tiêu là 92.300 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Dòng tiền ổn định đến từ mảng cho thuê văn phòng và mảng xử lý và phân phối nước sẽ là nguồn lực để CTCP Cơ điện lạnh (REE – sàn HOSE) đầu tư thêm cho mảng năng lượng tái tạo. REE đặt mục tiêu mở rộng công suất điện gió lên tới 400 MW từ các dự án như Vĩnh Hảo, Ea H’Leo và Kông Chro, cũng đầu tư và mua lại thêm các dự án điện gió 100 - 200 MW và cả các dự án điện gió ngoài khơi công suất lớn hơn.

E.Town 6 đã được khởi công vào đầu năm 2021 và dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 4/2023. Theo dự phóng của chúng tôi, e.Town 6 có thể đóng góp trên 200 tỷ đồng vào doanh thu của REE mỗi năm.

Dự án Thượng Kon Tum và điện mặt trời sẽ được nhận mức ưu đãi về thuế 10% trong 15 năm. 3 dự án phong điện mới được miễn thuế trong 4 năm hoạt động đầu tiên và chịu thuế 5% trong 9 năm tiếp theo. Giá CGM của Thượng Kon Tum đã lên tới 1.400 đồng/kWh vào quý I/2022 so với mức 1.100 đồng/kWh của năm 2021.

Mảng sản xuất và cấp nước của REE có lợi nhuận ổn định qua các năm và dự kiến sẽ tăng trưởng cả về sản lượng lẫn doanh thu trong năm 2022. Theo lộ trình cho UBND TP.HCM ban hành, giá nước sẽ tăng từ 400 đồng lên 1.200 đồng/m3 trong năm 2022, đồng thời giá dịch vụ thoát nước cũng sẽ tăng khoảng 5%/năm cho tới 2025.

Việc đa dạng danh mục đầu tư vào các công ty/dự án ở mảng năng lượng: thủy điện, nhiệt điện, phong điện và điện mặt trời giúp duy trì lợi nhuận trong những thời kỳ thời tiết không thuận lợi cho thủy điện và điện mặt trời, cũng như hưởng ưu đãi dài hạn từ Quy hoạch Điện 8.

Chúng tôi khuyến nghị mua với REE với giá mục tiêu là 92.300 đồng/CP (tăng 8% so với mức tham chiếu ngày 23/05/2022) bằng phương pháp định giá từng phần SOTP, phản ánh kỳ vọng về triển vọng tăng trưởng cao và bền vững với danh mục đầu tư các ngành tiện tích đa dạng và dòng tiền lớn về dài hạn đến từ cho thuê văn phòng e.Town 6, dự kiến hoàn thành vào 04/2023.

Thêm vào đó, mảng năng lượng tái tạo đang được tập trung phát triển với tổng công suất tăng thêm dự kiến năm 2022 lên đến 200 MW sẽ là mũi nhọn của REE trong những năm tới.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua PDR với giá mục tiêu là 68.300 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, với giá mục tiêu 68.300 đồng/CP (tăng 30%), dựa trên 4 luận điểm chính.

Thứ nhất, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng khả quan từ 2022, trong đó lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2022-2025 dự kiến đạt 36.000 - 37.000 tỷ đồng, chủ yếu với đóng góp từ dự án Nhơn Hội (Quảng Ngãi), Astral City, NTMK (Bình Dương) và Hồ Tràm (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Thứ 2, PDR hiện đang tập trung vào năng lực cốt lõi là phát triển dự án, tập trung vào vị trí tiềm năng với tính pháp lý rõ ràng. Chiến lược này giúp PDR tạo ra được dòng tiền nhanh cho các dự án, là nền tảng cho kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Với chiến lược trên, PDR không bị phụ thuộc vào thị trường Tp. HCM mà có thể phát triển năng lực khai thác các dự án ở các tỉnh thành như Bình Dương, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng và Quảng Ngãi.

Thứ 3, các chỉ số đòn bẩy được duy trì ở mức khỏe mạnh (so với ngành) để kiểm soát rủi ro, nhưng khả năng sinh lời và tích lũy qua các năm vẫn ấn tượng.

Thứ 4, PDR hiện đang có quỹ đất đang phát triển khá lớn (7.493 ha) phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Trong giai đoạn 2022 - 2026 kế hoạch kinh doanh của PDR dựa trên 3 trụ cột chính trong đó ngoài bất động sản dân dụng PDR sẽ tận dụng những lợi thế đang có sẵn để tiếp tục phát triển bất động sản khu công nghiệp (sẽ triển khai sau khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý) và lấn sân sang mảng năng lượng.

Rủi ro đầu tư: Với việc Chính phủ tuyên bố chiến lược thích ứng với dịch Covid-19, chúng tôi đánh giá rủi ro từ các đợt giãn cách xã hội là khó xảy ra. Do đó, hiện tại chúng tôi nhận định các rủi ro sau đang hiện hữu: Lãi suất tăng mạnh hơn dự kiến: Việc thay đổi điều hành chính sách tiền tệ sẽ ảnh hưởng tới kênh tín dụng dẫn vốn vào thị trường BĐS. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng chính sách tiền tệ hiện tại tương đối ổn định, không gian chính sách tiền tệ vẫn còn dư địa để nới lỏng tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế;

Với việc thị trường vốn bị siết chặt hơn, rủi ro liên quan khả năng huy động vốn để tài trợ các dự án đang dần hiện hữu. Tuy nhiên, cũng chính vì thế dòng vốn sẽ mang tính chọn lọc cao hơn, ưu tiên những công ty hàng đầu, minh bạch và chuyên nghiệp và/ hoặc đã có khoản vay vốn từ nước ngoài như PDR.

Rủi ro pháp lý: Các văn bản pháp lý còn chồng chéo, ví dụ Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản chưa đồng bộ làm chậm trễ quá trình phê duyệt dự án và ảnh hưởng hiệu quả các dự án. Tuy nhiên các quy định mới được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn trong phê duyệt giúp thị trường sôi động trở lại.

>> Tải báo cáo

Tin bài liên quan