Cổ phiếu vận tải, cảng biển sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh?

Cổ phiếu vận tải, cảng biển sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi thị trường chạm đáy ngày 19/7 và liên tục tăng điểm, nhóm cổ phiếu cảng biển, vận tải liên tục tăng mạnh hơn so với thị trường và là điểm nhấn thu hút dòng tiền.

Theo thống kê từ 19/7 - 9/8, chỉ số VN-Index chỉ tăng 9,4%, chỉ số VN30 tăng 9% nhưng trung bình nhóm 6 cổ phiếu nhóm vận tải, cảng biển đã tăng tới 30,2% so với đáy ngày 19/7.

Trong đó, đà tăng mạnh nhất thuộc về cổ phiếu CTCP Vận tải Biển Việt Nam (VOS) tăng 47,6%, cổ phiếu CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) tăng 43,3%, cổ phiếu CTCP Cảng Đoạn Xá (DXP) tăng 35,3%, cổ phiếu CTCP Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng (TCL) tăng 32,7%, cổ phiếu CTCP Gemadept (GMD) tăng 17,7% ….

Biến động giá từ đáy ngày 19/7 tới nay
Biến động giá từ đáy ngày 19/7 tới nay

Nhìn chung, nhóm cổ phiếu vận tải biển như HAH, VOS có đà tăng mạnh hơn so với cổ phiếu cảng biển như DXP, GMD, TCL ...

Biểu đồ tương quan giá các cổ phiếu HAH, GMD, VSC và VOS so với VN-Index
Biểu đồ tương quan giá các cổ phiếu HAH, GMD, VSC và VOS so với VN-Index

Theo nhiều nhà đầu tư lý giải đà tăng của nhóm cổ phiếu cảng biển, vận tải chủ yếu do kỳ vọng hưởng lợi từ xu hướng phí vận tải biển tăng cao và nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao.

Chỉ số Composite Index (Nguồn: Theo Drewry World Container Index)

Chỉ số Composite Index (Nguồn: Theo Drewry World Container Index)

Theo Drewry World Container Index, tính tới ngày 5/8, chỉ số Composite Index (tổng hợp 8 tuyến vận tải chính đối kích thước container 40ft) đã tăng 370% so với 1 năm trước. Trong đó, nhiều tuyến vận tải chính giá cước liên tục lập đỉnh và có dấu hiệu tăng mạnh trong những tuần trở lại đây khi biến thể Delta lan rộng ở nhiều quốc gia và lo ngại chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Báo cáo lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 nhóm vận tải, cảng biển
Báo cáo lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 nhóm vận tải, cảng biển

Ngoài ra, báo cáo lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021, nhóm 6 doanh nghiệp vận tải, cảng biển tăng trưởng trung bình tới 93,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận VOS tăng 287,9% lên 222,1 tỷ đồng; lợi nhuận HAH tăng 160,6% lên 183,2 tỷ đồng; lợi nhuận TCL tăng 50,4% lên 61,45 tỷ đồng; lợi nhuận GMD tăng 39,5% lên 350,1 tỷ đồng.

Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với một số lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành.

Nguyên nhân giá cước vận chuyển container trên các tuyến liên lục địa đã, đang và sẽ tiếp tục tăng?

Ông Vũ Ngọc Sơn, Chủ tịch HĐQT CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các khu vực, các nền kinh tế lớn đều bị ảnh hưởng và phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội. Vì vậy tình trạng container bị tồn đọng, kéo dài thời gian luân chuyển đã xảy ra từ giữa năm 2020 đến nay, người ta ước tính thời gian luân chuyển bình quân một chu kỳ hay một chuyến của container đã tăng thêm từ 20 - 30%, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt vỏ container và tàu chở container trên toàn thế giới. Mà vỏ container và tàu container thì không thể sản xuất trong một thời gian ngắn để bù đắp ngay được.

Sau khi tạm khống chế được dịch từ cuối năm 2020, kinh tế Mỹ, Trung Quốc và châu Âu bùng nổ, nhập khẩu vào Mỹ, châu Âu tăng vọt gây tình trạng ùn tắc ở hầu hết các cảng bờ Tây nước Mỹ và Bắc Âu trong suốt quý I/2021.

Đến cuối quý I/2021 tình trạng ùn tắc vừa được cải thiện thì ngày 23/3/2021 xảy ra vụ tàu của hãng Evergreen mắc cạn gây tắc luồng qua kênh đào Suez. Tai nạn này làm đứt gãy chuỗi cung ứng trên tuyến Á - Âu, ảnh hưởng đến gần 20% lượng hàng lưu thông của thương mại toàn cầu.

Sau vụ tắc kênh đào được giải quyết lại xảy ra vụ các cảng Nam Trung Quốc (Yantian, Seikou, Hongkong…) phải hạn chế năng suất (đóng một phần cầu cảng) do dịch Covid-19, gây nên tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại khu vực này trong tháng 5 và 6. Nhiều tàu container phải chờ hoặc hủy chuyến. Đến nay, tàu của HAH vẫn còn phải chờ cầu 3 - 5 ngày tại Hongkong.

Mới đây nhất là tình trạng lũ lụt xảy ra tại Trung Quốc và các nước Bắc Âu cũng lại gây nên đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu…

Bên cạnh tác động của dịch bệnh, theo ông Sơn, việc liên tục xảy ra các hiểm họa khó lường của thiên nhiên sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động vận tải container toàn cầu, gây nên mất cân bằng giữa cung - cầu và dự đoán sẽ còn kéo dài cho đến khi thế giới khống chế được dịch (giữa 2022). Do vậy dự đoán giá cước vận tải vẫn sẽ ở mức cao đến cuối năm 2022.

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Gemadept cho rằng, thực tế, giá cước tại thời điểm tháng 7/2021 đã tăng gấp hơn 7 - 8 lần, thậm chí hơn 10 lần so với thời điểm tháng 1/2020, cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây và theo các chuyên gia dự báo, giá cước vận tải biển quốc tế sẽ tiếp tục leo thang trong thời gian tới.

Với sự gia tăng phi mã của giá cước, các hãng tàu, đặc biệt là hãng tàu ngoài đều có lợi nhuận rất lớn trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT margin) của các hãng tàu đã đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Nhiều chuyên gia trong ngành dự báo giá cước sẽ tiếp tục tăng cao cho đến khi thế giới khống chế được dịch. Giá cước có thể đạt đỉnh vào quý IV/2021, sau đó sẽ điều chỉnh nhẹ vào nửa đầu năm 2022 và hạ nhiệt đáng kể vào năm 2023.

"Ngay cả khi giá cước hạ nhiệt trở lại thì mặt bằng giá mới cũng sẽ cao hơn so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Do đó, vai trò của các doanh nghiệp khai thác cảng và logistics sẽ đặc biệt quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay", theo đại diện Gemadept.

Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp ngành cảng biển

Ông Sơn cho biết, theo các chuyên gia dự đoán, Việt Nam sẽ cơ bản khống chế được dịch trong tháng 8, vì vậy kinh tế sẽ hồi phục và phát triển mạnh từ tháng 9 trở đi, tất cả các doanh nghiệp sẽ tập trung hoàn tất Hợp đồng của năm 2021 và tiến hành ký, thực hiện Hợp đồng cho năm 2022. Do vậy lượng hàng thông qua các cảng biển sẽ liên tục tăng, các cảng có cơ sở để duy trì và đạt lợi nhuận cao trong năm 2021 và các tháng đầu năm 2022.

Trong khi đó, đại diện Gemadept cho biết, hiện nay Công ty sở hữu hệ sinh thái tích hợp Cảng - Logistics hàng đầu Việt Nam với chuỗi cung ứng toàn diện từ hệ thống kho bãi, trung tâm phân phối đến các depot, ICD, cảng biển, cảng hàng không và đội tàu, xe, tàu sông vận tải…

Mặc dù có nhiều khó khăn khi vừa phải đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh vừa chủ động ứng phó với dịch bệnh, GMD là doanh nghiệp tuyến đầu phục vụ hàng hóa thiết yếu và xuất nhập khẩu nên được đánh giá là doanh nghiệp sẽ phát huy được nhiều cơ hội.

Cụ thể, triển vọng tích cực từ phục hồi thương mại toàn cầu và nhu cầu giao thương hàng hóa tăng cao sau đại dịch sẽ góp phần tăng trưởng sản lượng thông quan cảng biển. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa của Việt Nam vẫn tăng 4,9%, kim ngạch xuất nhập khẩu ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, các hiệp định FTA mới có hiệu lực và kỳ vọng tăng trưởng dòng vốn FDI nhờ làn sóng đa dạng hóa chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Ngành kho bãi và khai thác tàu bắt đầu hưởng lợi từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng nhờ việc tăng cường năng lực đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa

Thêm nữa, xu hướng tăng kích cỡ tàu sẽ tiếp tục là điều kiện thuận lợi cho các cảng biển Việt Nam, đặc biệt là nước sâu sở hữu vị trí đắc địa như Gemalink tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Cảng Nam Đình Vũ tại Hải Phòng. Do đó, theo kế hoạch, Gemadept sẽ triển khai khởi công giai đoạn 2 của cả 2 dự án Gemalink và Nam Đình Vũ ngay trong năm nay để kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Về phía Chính phủ, khả năng tăng giá dịch vụ cảng khi Chính phủ điều chỉnh giá sàn xếp dỡ cảng biển trong thời gian tới cũng là một điểm nhấn đáng chú ý.

Ngoài ra, theo chu kỳ, hoạt động xuất khẩu bước vào giai đoạn đỉnh điểm trong nửa cuối năm. Gemalink kỳ vọng hoạt động tối đa công suất ngay trong năm đầu. Chiến lược phát triển tập trung và không ngừng bồi đắp, làm giàu thêm hệ sinh thái Cảng – Logistics của GMD trên nền tảng công nghệ kết nối hiện đại, mang đến những giá trị vượt trội cho khách hàng, đối tác đồng thời phát huy tối đa hiệu quả kinh doanh.

Về thách thức, đại diện Gemadept cho biết, việc Công ty vừa đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng vừa chủ động ứng phó với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước là thách thức lớn nhất, đòi hỏi GMD luôn trong tư thế sẵn sàng, chủ động, tích cực thực hiện “mục tiêu kép”. Ngoài ra, GMD cũng có một số khó khăn nhất định do tình trạng thiếu hụt container rỗng.

Kế hoạch giai đoạn cuối năm

Theo ông Sơn, nếu giá dầu được duy trì ở mức như hiện nay (75 – 80- USD/thùng) thì dự kiến năm 2021 HAH sẽ lãi khoảng 300 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo Gemadept cho biết, mục tiêu năm 2021, Công ty quyết tâm nỗ lực đạt được kế hoạch theo kịch bản đã đề ra tại Đại hội đồng Cổ đông 2021. Được biết, sau 7 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 450,5 tỷ đồng, Gemadept đã hoàn thành 71,5% kế hoạch trung bình và 64,4% kế hoạch lạc quan của cả năm.

Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, Gemadept vẫn giữ mức tăng trưởng 2 con số để đảm bảo đến năm 2025, Công ty tăng trưởng lợi nhuận gấp 3 lần so với thực hiện của năm 2020.

Tin bài liên quan