Softbank thu bộn lãi nhờ là nhà cung cấp đầu tiên các sản phẩm iPhone và iPad của Tập đoàn Apple ở Nhật Bản

Softbank thu bộn lãi nhờ là nhà cung cấp đầu tiên các sản phẩm iPhone và iPad của Tập đoàn Apple ở Nhật Bản

Cơn khát mua sắm của Softbank lên cao trào

(ĐTCK) Cuối tuần qua, báo chí Mỹ, Nhật Bản và quốc tế đã liên tục đưa tin về việc lãnh đạo Softbank, tập đoàn cung cấp dịch vụ điện thoại di động lớn thứ 2 Nhật Bản đang thương thảo việc mua lại cổ phần của Sprint Nextel Corp., tập đoàn cung cấp dịch vụ điện thoại di động lớn thứ 3 Mỹ.

Do không thể giấu kín được thông tin, nên cả ông Masayoshi Son, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Softbank lẫn ông Dan Hesse, CEO Sprint Nextel đều chính thức xác nhận cuộc thương thảo đã diễn ra khá thuận lợi, song từ chối đưa ra chi tiết cụ thể.

Theo một số nguồn tin, ngay trong tuần này, nếu mọi việc diễn ra suôn  sẻ, có nhiều khả năng, Softbank sẽ đạt được thoả thuận mua lại 75% cổ phần của Sprint Nextel (có trị giá 12,8 tỷ USD). Riêng tờ Nikkei Shimbun (Nhật Bản) còn bắn tin rằng, Softbank có thể còn muốn đầu tư cao hơn mức trên.

Ở Mỹ, với 56 triệu thuê bao, Sprint Nextel Corp. hiện đứng thứ 3, sau 2 tập đoàn lớn là Verizon Wireless và AT&T. Còn tại Nhật Bản, hiện với 39,1 triệu thuê bao, Softbank đứng thứ 2, sau NTT Docomo.

Phản ứng của giới đầu tư Nhật Bản và Mỹ với thông tin trên cũng khác nhau. Trong phiên giao dịch ngày 12/10 tại Sở GDCK New York, giá cổ phiếu của Sprint tăng 14,2%, lên 5,76 USD/cổ phiếu, ngược lại, tại Sở GDCK Tokyo, giá cổ phiếu của Softbank lại giảm gần 17%, xuống còn 2.404 yên/cổ phiếu, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3/2000.

Nhiều nhà phân tích nhận xét, đứng ở góc độ nhà đầu tư Mỹ và cổ đông của Sprint Nextel, thì đây là tin mừng, bởi ở một khía cạnh nào đó, có thể coi Softbank như là vị cứu tinh. Kể từ ra đời trên cơ sở sáp nhập Sprint với Nextel vào năm 2004 có tổng trị giá “khủng” lên tới 36 tỷ USD, Sprint Nextel vẫn làm ăn chưa thật khả quan. Sau khi ông Dan Hesse lên nắm quyền CEO (vào năm 2007), tình hình có được cải thiện đôi chút, khi ông này đã giúp Tập đoàn trả được 4,75 tỷ USD trong tổng số 7,5 tỷ tiền nợ.

Thực ra, thị trường viễn thông Mỹ khá cởi mở và rộng cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tập đoàn viễn thông Vodafone Group PLC của Anh hiện sở hữu 45% cổ phần của Verizon Wireless, tập đoàn viễn thông lớn nhất Mỹ. Nhà mạng T- Mobile thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Deutsche Telekom (Đức) đang muốn rút lui khỏi thị trường Mỹ mà chưa xong. AT&T muốn mua lại, song chưa thống nhất được giá cả.

Xét trên góc độ nhà đầu tư Nhật Bản và cổ đông của Softbank, thì tình hình lại khác hẳn. Ông Kenji Shiomura, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Daiwa Securities (Nhật Bản) nhận xét: “Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đã tỏ ra không mấy hào hứng với triển vọng Softbank bị đè nặng do nợ nần về tài chính. Hơn nữa, họ cũng cảnh giác với việc gần đây, lãnh đạo Softbank đã chi khá nhiều tiền cho mua sắm”.

Trên thực tế, dường như cơn khát mua sắm của Softbank đang lên cao trào, bởi cách đây vài tuần, Softbank đã bỏ ra 180,2 tỷ yên (2,3 tỷ USD) để mua lại cổ phần chi phối của eAcess, một công ty con của nhà cung cấp băng thông rộng EMOBILE. Cái giá này được coi là quá đắt, bởi Softbank đã phải trả tới 52.000 yên/cổ phiếu, trong khi giá cổ phiếu của eAccess trên thị trường chỉ là 15.070 yên/cổ phiếu. Ông Masayoshi Son giải thích, thương vụ này giúp Softbank được thừa hưởng phổ tần mới, rất có giá trị của công nghệ Long Term Evolution (LTE) thế hệ mới G4, tương thích với máy điện thoại di động thông minh iPhone5 của Apple (Mỹ). Cụ thể, với việc tiếp nhận thêm 10.000 trạm gốc phổ tần 1,7 GHz của EMOBILE, cộng với 20.000 trạm gốc phổ tần 2,1 GHz sẵn có của mình, Softbank có khoảng 30.000 trạm gốc LTE sẵn sàng cho iPhone 5.

“Chúng tôi trả mức giá cao gấp 3 lần giá giao dịch hiện nay của eAccess, bởi chúng tôi hiểu lợi ích từ số khách hàng và công nghệ mà eAccess đang có. Hơn nữa, với việc mua lại này, chúng ta đã vươn lên là nhà mạng lớn thứ 2 ở Nhật Bản. Vào một ngày nào đó trong tương lai, Softbank sẽ là số 1”, ông Masayoshi Son nói.

Nhờ vụ mua lại eAccess, Softbank có tổng cộng 39,1 triệu thuê bao (tương đương 28,8% thị phần thị trường Nhật Bản), vượt qua KDDI với 35,9 triệu thuê bao (26,5% thị phần). Nhà mạng số 1 NTT Docomo hiện có 60,6 triệu thuê bao (44,7% thị phần).

Softbank là nhà cung cấp đầu tiên các sản phẩm iPhone và iPad của Tập đoàn Apple (Mỹ) ở Nhật Bản và qua đó, thu bộn lãi. Trong vòng 4 năm qua, lợi nhuận thuần của Softbank tăng gấp 7 lần, đạt mức kỷ lục 314 tỷ yên (năm 2011). Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của Softbank tăng 27%. Nhờ vậy, mà giá trị vốn hoá thị trường của Softbank đạt 3.200 tỷ yên và ông Masayoshi Son đặt ra mục tiêu sẽ đạt tới con số 200.000 tỷ yên vào… năm 2040.

Năm 2010, ông Masayoshi Son đã đưa ra chiến lược kinh doanh của Softbank cho… 300 năm tới. Để khởi đầu, từ nay đến năm 2040, ông có ý định đầu tư vào 5.000 doanh nghiệp. Với tổng tài sản 9,3 tỷ USD, ông hiện là tỷ phú giàu thứ 2 Nhật Bản.