Chứng khoán là ngành hiếm hoi hưởng lợi từ đại dịch Covid-19.

Chứng khoán là ngành hiếm hoi hưởng lợi từ đại dịch Covid-19.

Công ty chứng khoán nhỏ: Đổi chủ và đổi vận

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán sôi động khiến các công ty chứng khoán nhỏ trở thành đích ngắm thâu tóm. Sau đổi chủ là việc đổi tên, tăng vốn, tái cấu trúc nhằm đón cơ hội “mười năm mới có một lần” của thị trường.

Trong quá khứ, thị trường từng chứng kiến làn sóng vốn ngoại rầm rộ đổ vào mua lại công ty chứng khoán nhỏ trong nước.

Có thể kể tới thương vụ mua lại và tái cấu trúc ở Chứng khoán KB Việt Nam, Chứng khoán Yuanta Việt Nam, Chứng khoán NHSV, Chứng khoán Pinetree…

Hiện nay, các công ty chứng khoán này, với sự hậu thuẫn của tập đoàn mẹ - là các định chế tài chính hàng đầu châu Á, chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Đài Loan - gần như đã thay đổi diện mạo về thương hiệu, quy mô, cũng như hoạt động kinh doanh.

Trong đó, Mirae Asset có sự bứt phá lớn, nằm trong Top 2 về quy mô vốn điều lệ và nhờ vậy, Công ty lọt vào Top 10 thị phần môi giới từ năm 2020 đến nay.

Hai năm gần đây, nhiều công ty chứng khoán nhỏ cũng có sự “lột xác” ngoạn mục sau khi về tay chủ mới.

Cuộc lột xác của ORS, DNSE, DNSC

Điển hình là Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông (ORS), nay được đổi tên thành Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS), đã tái cơ cấu thành công với sự tham gia của cổ đông lớn TPBank.

Từ một công ty chứng khoán thua lỗ trong nhiều năm, hệ thống công nghệ lỗi thời, thiếu các tiện ích cơ bản, đội ngũ nhân sự thiếu và yếu, cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc, cổ phiếu phải xuống giao dịch ở thị trường UPCoM, thì đến nay, ORS đã có cuộc lội ngược dòng ngoạn mục.

Công ty đã tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng, đầu tư nhân sự, hệ thống, hướng đến nền tảng công nghệ là thế mạnh mũi nhọn. Các mảng nghiệp vụ cơ bản của một công ty chứng khoán đều hồi sinh, đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng, qua đó, đa dạng nguồn thu và tăng trưởng mạnh mẽ.

9 tháng đầu năm 2021, TPS ghi nhận doanh thu 891,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 180,3 tỷ đồng, gấp 3,5 lần về doanh thu và gần 3 lần về lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2020.

Quý III/2021, TPS ghi nhận doanh thu hoạt động 350,8 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu môi giới đạt 21 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ; lãi cho vay và phải thu đạt gần 26 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ đạt 243 triệu đồng). Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, TPS ghi nhận doanh thu 891,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 180,3 tỷ đồng, gấp 3,5 lần về doanh thu và gần 3 lần về lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.

Hiện TPS chuẩn bị tham gia thị trường chứng khoán phái sinh, chứng quyền. Mục tiêu của Công ty là lọt Top 10 về thị phần môi giới cổ phiếu trong 3 - 5 năm tới.

Công ty Chứng khoán Đại Nam, sau khi được Công ty cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital (do cựu CEO VNDIRECT Nguyễn Hoàng Giang đồng sáng lập và hiện đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc) mua lại và đổi tên thành Công ty Chứng khoán DNSE cũng mang diện mạo hoàn toàn mới.

Nếu như vài năm trước, DNSE trầm lắng, kết quả kinh doanh không mấy nổi bật, thì nay đã chuyển hướng thành công ty chứng khoán ứng dụng công nghệ gia tăng trải nghiệm khách hàng. Vào tháng 7/2021, DNSE thông báo đã hoàn tất chào bán và phân phối toàn bộ 84 triệu cổ phiếu cho 2 tổ chức và 14 cổ đông nhỏ, tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng.

Cổ đông tổ chức tham gia mua cổ phiếu DNSE gồm 2 cổ đông lớn là Công ty cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital (mua 54,6 triệu cổ phiếu), Công ty cổ phần Encapital Holdings (mua 28 triệu cổ phiếu), cùng 14 cổ đông nhỏ mua tổng cộng gần 1,4 triệu cổ phiếu.

Sau giao dịch, 2 cổ đông lớn nhất là Công nghệ Tài chính Encapital nắm giữ 65 triệu cổ phiếu, tương ứng 65% vốn và Encapital Holdings nắm giữ 33,33 triệu cổ phiếu, tương ứng 33,33% vốn.

Cũng trong tháng 7, Encapital công bố huy động thành công 24 triệu USD, giúp nâng cao năng lực tài chính, đầu tư phát triển công nghệ và mở rộng khách hàng cho nền tảng giao dịch chứng khoán Entrade X của DNSE.

Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021, DNSE đã thông qua việc đăng ký giao dịch trên UPCoM, hoặc niêm yết trên HNX/HOSE.

Chờ đợi những tín hiệu chuyển mình mới

Hàng loạt tín hiệu cho thấy có màn đổi chủ ở nhiều công ty chứng khoán và nối tiếp là động thái tăng vốn nghìn tỷ đồng.

Ngày 16/8/2021, Công ty cổ phần Chứng khoán DSC (tên gọi cũ là Công ty Chứng khoán Đà Nẵng - DNSC) phát hành thành công 94 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 60 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.

Trước đó, cơ cấu cổ đông lớn của DNSC có sự thay đổi mạnh mẽ, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng và Công ty cổ phần Việt Nam Equity đã bán tổng cộng 4,2 triệu cổ phiếu, tương đương 70% vốn điều lệ DNSC. Ngày 5/3/2021, Đại hội cổ đông thường niên 2021 của DNSC đã thông qua nội dung đổi tên Công ty thành Công ty cổ phần Chứng khoán DSC.

Đáng chú ý, DSC sẽ thay đổi địa chỉ trụ sở chính về toà nhà Thành Công Building ở số 80 Dịch Vọng Hậu (Hà Nội). Đồng thời, Đại hội thông qua phương án phát hành 94 triệu cổ phiếu (tương đương 940 tỷ đồng theo mệnh giá) cho nhà đầu tư chiến lược.

Với sự tham gia của các cổ đông mới, bao gồm Công ty cổ phần Đầu tư NTP (NTP Invest, mua 70 triệu cổ phiếu) và bà Văn Lê Hằng (mua 10,02 triệu cổ phiếu), đợt phát hành đã thành công. Sau giao dịch, NTP Invest và bà Văn Lê Hằng sở hữu lần lượt 70% và 10,02% vốn điều lệ DSC.

Sau tăng vốn, DSC chưa có nhiều hoạt động nổi trội, chủ yếu gửi tiền tại ngân hàng. Tính đến ngày 30/9/2021, DSC dành 950 tỷ đồng gửi tiền có kỳ hạn 12 tháng tại BIDV. Đồng thời, công ty chứng khoán này chi 210,3 tỷ đồng để mua chứng chỉ tiền gửi.

Diễn biến gần đây tại Công ty cổ phần Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VICS, mã chứng khoán VIG) dường như củng cố thêm cơ sở cho luồng thông tin trên thị trường về việc “thay máu” cổ đông ở công ty này.

Cụ thể, cuối tháng 11/2021, Hội đồng quản trị VICS trình cổ đông thông qua phương án phát hành 66 triệu cổ phần riêng lẻ, giá phát hành tối thiểu là 10.000 đồng/cổ phiếu. Đến ngày 8/12, VICS điều chỉnh tăng mức phát hành riêng lẻ từ 66 triệu cổ phần lên 115 triệu cổ phần, giá phát hành tối thiểu là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Theo VICS, việc nâng giá trị phát hành là để tìm kiếm cổ đông chiến lược, nhà đầu tư chuyên nghiệp cho Công ty có nguồn vốn đầu tư, kinh doanh để tái cấu trúc, đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính hoạt động và bổ sung nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phái sinh.

Nếu đợt phát hành này thành công, vốn điều lệ của VICS sẽ tăng từ 341 tỷ đồng lên gần 1.500 tỷ đồng, tương đương tăng 4 lần. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Công ty ghi nhận doanh thu hoạt động 6,8 tỷ đồng, lỗ ròng xấp xỉ 3,3 tỷ đồng. Tính đến cuối quý III/2021, Công ty báo lỗ luỹ kế lên tới 171,9 tỷ đồng, chiếm gần một nửa vốn điều lệ.

Hiện VICS có cổ đông lớn cá nhân đáng chú ý là bà La Mỹ Phượng, ước tính nắm giữ hàng triệu cổ phiếu và mua thêm trong tháng 9/2021, nâng tỷ lệ sở hữu từ 3,98% lên 7,09%. Dù kết quả kinh doanh thua lỗ, nhưng kỳ vọng câu chuyện M&A đã giúp giá cổ phiếu VIG nhiều lần tạo sóng trên thị trường.

Công ty Chứng khoán Thủ Đô (CASC) cũng có màn đổi chủ. Ông Nguyễn Đình Ngôn, người từng công tác ở vị trí quản lý tại Công ty Chứng khoán Phương Đông (tên hiện nay là Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong, mã ORS) đã nhận chuyển nhượng hơn 10,2 triệu cổ phần CASC, tương đương 34,09% vốn điều lệ.

Đặc biệt là sự xuất hiện Công ty cổ phần Bamboo Financial Corp (BFC), thành viên của Công ty cổ phần Bamboo Capital (BCG) đã nhận chuyển nhượng 6 triệu cổ phần, tương đương 20% vốn CASC. Dự kiến, trước mắt, CASC sẽ tập trung để phát triển mảng Fintech.

Cũng như nhiều công ty chứng khoán quy mô nhỏ khác, CASC không có hoạt động nổi trội và công cuộc mua chi phối của các cổ đông lớn chủ yếu là nhắm đến giấy phép hoạt động công ty chứng khoán vốn đang khan hiếm. Giới đầu tư hiện chờ đợi sự khởi sắc và các động thái rõ ràng hơn ở những công ty chứng khoán “đổi chủ”.

Tin bài liên quan