Cú sốc lạm phát kinh tế thế giới có thể trở nên tồi tệ hơn với giá dầu 100 USD/thùng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá dầu tăng lên 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014 là một cú đánh kép vào nền kinh tế thế giới bằng cách làm giảm triển vọng tăng trưởng và gia tăng lạm phát.
Cú sốc lạm phát kinh tế thế giới có thể trở nên tồi tệ hơn với giá dầu 100 USD/thùng

Đó là sự kết hợp đáng lo ngại trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và các ngân hàng trung ương khác đang tìm cách kiềm chế áp lực giá mạnh nhất trong nhiều thập kỷ mà không làm chệch hướng phục hồi từ đại dịch.

Giá dầu Brent đã tăng tới 3,3% trong ngày 24/2 khi Nga tấn công Ukraine làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng quan trọng của khu vực.

Trong khi các nhà xuất khẩu năng lượng có thể được hưởng lợi từ sự bùng nổ và ảnh hưởng của dầu mỏ đối với các nền kinh tế không như trước đây, phần lớn thế giới sẽ bị ảnh hưởng khi các công ty và người tiêu dùng nhận thấy hóa đơn của họ tăng lên và sức chi tiêu bị siết chặt bởi thực phẩm, phương tiện giao thông và sưởi ấm đều đắt hơn.

Trong một phân tích về những quốc gia thắng và thua từ sự gia tăng của dầu, Bloomberg Economics ước tính, Ả Rập Xê Út và Nga đều trông đợi một tác động tích cực, trong khi các nhà xuất khẩu dầu nhỏ hơn như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng hưởng lợi. Những nước thiệt hại lớn nhất sẽ là các nước nhập khẩu năng lượng như Hàn Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.

Chua Hak Bin, nhà kinh tế cấp cao của Maybank ở Singapore cho biết: “Giá dầu tăng sẽ làm tăng áp lực lên các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới trong việc thực hiện chu kỳ thắt chặt và tăng lãi suất mạnh hơn để kiềm chế rủi ro lạm phát”.

Nói rộng hơn, JPMorgan cảnh báo, mức tăng lên tới 150 USD/thùng gần như sẽ ngăn chặn sự mở rộng của nền kinh tế toàn cầu và khiến lạm phát tăng vọt lên hơn 7%, gấp hơn ba lần so với tỷ lệ mà hầu hết các nhà hoạch định chính sách tiền tệ nhắm tới.

Tuy nhiên, trong khi nhu cầu trên toàn thế giới hồi sinh sau giai đoạn phong tỏa cùng với căng thẳng địa chính trị và chuỗi cung ứng căng thẳng. Những kỳ vọng về một thỏa thuận hạt nhân Iran được gia hạn đã có lúc khiến thị trường dầu hạ nhiệt.

Theo Gavekal Research, nhiên liệu hóa thạch - dầu cũng như than đá và khí đốt tự nhiên - cung cấp hơn 80% năng lượng của nền kinh tế toàn cầu. Và chi phí của một giỏ hàng hóa điển hình hiện đã tăng hơn 50% so với một năm trước.

Lạm phát tăng cao

Cuộc khủng hoảng năng lượng cũng dẫn đến sự siết chặt đang diễn ra trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến chi phí tăng cao và việc giao hàng nguyên liệu thô và thành phẩm bị trì hoãn.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã nâng dự báo giá tiêu dùng toàn cầu lên mức trung bình 3,9% ở các nền kinh tế tiên tiến trong năm nay, tăng từ mức 2,3% và 5,9% ở các nước mới nổi và đang phát triển.

Trung Quốc, nhà xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, cho đến nay đã có mức lạm phát ổn định. Nhưng nền kinh tế nước này vẫn dễ bị tổn thương do các nhà sản xuất đã phải đối mặt với chi phí đầu vào cao và lo ngại về tình trạng thiếu năng lượng.

Với áp lực giá ngày càng lớn hơn so với dự kiến ​​trước đó, các ngân hàng trung ương hiện đang ưu tiên chống lạm phát hơn là hỗ trợ nhu cầu. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã gây bất ngờ với mức cao nhất trong 4 thập kỷ, làm tăng đặt cược rằng có thời điểm Fed sẽ tăng lãi suất lên tới 7 lần trong năm nay, một tốc độ nhanh hơn so với dự kiến ​​trước đó.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey đã phần nào biện minh cho quyết định tăng lãi suất của Anh bằng cách chỉ ra rằng "sự ép giá từ giá năng lượng". Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde gần đây cho biết, các quan chức sẽ “xem xét cẩn thận” giá năng lượng sẽ tác động đến nền kinh tế như thế nào khi họ báo hiệu sự chuyển hướng sang thắt chặt. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cũng đã đánh giá giá dầu là một rủi ro.

Phát biểu với các phóng viên hôm thứ Năm (24/2) sau cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, Thống đốc Lee Ju-yeol đã đánh dấu nguy cơ cuộc khủng hoảng Ukraine ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa toàn cầu và thúc đẩy lạm phát.

Tuy nhiên, nền kinh tế thế giới sẽ không phải đối mặt với cuộc khủng hoảng dầu mỏ như những thập kỷ trước, đặc biệt là những năm 1970 vì có sự hỗ trợ của năng lượng thay thế. Các tác nhân khác trong thời đại đại dịch bao gồm tiết kiệm hộ gia đình tăng lên và mức lương cao hơn trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt.

Tại Mỹ, sự xuất hiện của ngành công nghiệp dầu đá phiến giúp nền kinh tế của nước này ít bị tổn thương hơn trước các cú sốc nhiên liệu. Trong khi người tiêu dùng đang trả nhiều tiền hơn cho xăng, các nhà sản xuất trong nước lại kiếm được nhiều hơn.

Paul Donovan, nhà kinh tế trưởng UBS Group AG cho biết, điều quan trọng là phải xem xét cách các nền kinh tế sản xuất dầu chi tiêu thêm nguồn doanh thu tăng thêm, điều này cuối cùng có thể giúp ích cho tăng trưởng toàn cầu.

Hầu hết người tiêu dùng và các ngân hàng trung ương đều đang quan tâm nhiều đến tốc độ và mức độ di chuyển của giá năng lượng, đặc biệt nếu các nền kinh tế trên toàn cầu mất đà hồi phục.

Theo các nhà kinh tế của JPMorgan, một cú sốc dầu đủ lớn có thể làm lệch kế hoạch bình thường hóa của nhiều ngân hàng trung ương “mặc dù bối cảnh lạm phát cao và lo ngại về kỳ vọng lạm phát sẽ khiến chính sách tiền tệ thắt chặt hơn trừ khi lạm phát giảm trở lại".

Tin bài liên quan