Cụm ngành ở Việt Nam mới phát huy lợi thế tập trung về mặt địa lý, chưa thúc đẩy chuỗi sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 20/04/2022, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Tọa đàm “Không gian Kinh tế Việt Nam: Cụm liên kết ngành cấp quốc gia và cấp tỉnh”.
Tọa đàm “Không gian Kinh tế Việt Nam: Cụm liên kết ngành cấp quốc gia và cấp tỉnh”

Tọa đàm “Không gian Kinh tế Việt Nam: Cụm liên kết ngành cấp quốc gia và cấp tỉnh”

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, phát triển không gian kinh tế, hình thành các cụm liên kết ngành là một xu thế phát triển phổ biến được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng với mục đích là nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường tham gia vào mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu.

Trong những năm gần đây, những chính sách phát triển không gian kinh tế ở Việt Nam, nhất là cụm liên kết ngành, đã cụ thể hóa thành các chủ trương, chính sách, định hướng lớn của Đảng và Chính phủ. Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh hình thành các vùng công nghiệp, cụm liên kết ngành công nghiệp, khu công nghiệp, các mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp, trong đó cụm liên kết ngành công nghiệp là trọng tâm.

Chính phủ đã có Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình đồng bộ phát triển và nâng cấp cụm ngành và chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh gồm: Điện tử và công nghệ thông tin; dệt may; chế biến lương thực thực phẩm, máy nông nghiệp; du lịch và các dịch vụ liên quan.

Tuy nhiên, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng nêu rõ các mô hình cụm ngành hiện nay ở Việt Nam mới chỉ phát huy lợi thế quy mô tập trung về mặt địa lý, trong khi các liên kết kinh tế cũng như thúc đẩy việc tham gia vào mạng sản xuất chuỗi giá trị của cụm còn yếu.

Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đang triển khai một số nghiên cứu phục vụ xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và phối hợp xây dựng một số báo cáo nghiên cứu có liên quan, trong đó có Báo cáo “Không gian kinh tế Việt Nam: Cụm liên kết ngành cấp quốc gia và cấp tỉnh”.

Ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Giám đốc các Chương trình của WB tin tưởng rằng, các nghiên cứu của WB sẽ giúp cho Việt Nam xác định và đánh giá về mức độ liên kết ngành ở cấp quốc gia và cấp tỉnh làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách kinh tế; đồng thời giúp các doanh nghiệp trong việc định hướng hoạt động và đầu tư tại Việt Nam.

Tại buổi Tọa đàm, ông Phạm Minh Đức, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Trưởng nhóm nghiên cứu của WB tại Việt Nam và ông Richard Bryden, Giám đốc sáng lập Dự án Lập bản đồ Cụm Hoa Kỳ, Đại học Harvard, thành viên nhóm nghiên cứu của WB đã trình bày báo cáo “Một số vấn đề về không gian Kinh tế Việt Nam: Cụm liên kết ngành cấp quốc gia và cấp tỉnh”.

Bài trình bày đưa ra phương pháp luận, phương thức nghiên cứu xây dựng Báo cáo cụm liên kết ngành; tính chuyên môn hóa giữa các địa phương và đưa ra một số gợi ý chính sách. Theo ông Đức, Báo cáo này đánh giá một cách đầy đủ các liên kết ngành của quốc gia, phân tích chính xác về hồ sơ cụm ngành ở cấp quốc gia, cấp tỉnh. Trong phần thảo luận, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện địa phương đã trao đổi nhiều ý kiến có hàm lượng khoa học cao và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tại địa phương để hoàn thiện Báo cáo.

Báo cáo có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, có giá trị tham khảo, giúp Trung ương và địa phương xác định rõ lợi thế trong phát triển các cụm liên kết ngành, đồng thời Báo cáo sẽ là tài liệu quan trọng phục vụ tích cực cho Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và là tài liệu tham khảo hữu ích cho các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương trong việc định hướng xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Tin bài liên quan