Theo dự báo của cơ quan Năng lượng quốc tế, nhu cầu dầu mỏ trên thế giới sẽ tăng trung bình 1,9 triệu thùng/ngày.

Theo dự báo của cơ quan Năng lượng quốc tế, nhu cầu dầu mỏ trên thế giới sẽ tăng trung bình 1,9 triệu thùng/ngày.

Cung không theo kịp cầu

(ĐTCK-online)Theo một báo cáo mới công bố của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu dầu mỏ tăng mạnh sẽ đẩy giá mặt hàng này lên cao, đồng thời làm tăng sự phụ thuộc vào nguồn cung của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và cả những khu vực bất ổn. Vấn đề đặt ra là, thế giới cần chuẩn bị để đối phó với tình hình ngày càng khan hiếm năng lượng.

Trong báo cáo kể trên, IEA dự đoán rằng, nhu cầu dầu mỏ trên thế giới sẽ tăng trung bình 1,9 triệu thùng/ngày, hay tăng 2,2%/năm, và đạt con số 95,8 triệu thùng/ngày vào năm 2012. Được biết, báo cáo trước của IEA dự báo, nhu cầu năng lượng sẽ tăng 2%/năm, trong đó các nước đang phát triển ở châu Á và Trung Đông chiếm tới 2/3 phần tăng đó. Nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc sẽ đạt khoảng 10 triệu thùng/ngày vào năm 2012, trong khi sản xuất trong nước dự báo chỉ đạt 3,9 triệu thùng/ngày.

Với nhu cầu tăng cao như vậy, các nguồn cung khó có thể theo kịp. Các nguồn cung truyền thống như Biển Bắc và Mexico đã qua thời kỳ sung mãn, trong khi chi phí khai thác  dầu mỏ ở các khu vực này đang ngày càng cao. IEA dự đoán rằng, sản lượng dầu mỏ ở Anh sẽ giảm từ 1,7 triệu thùng/ngày hiện giờ xuống còn 1 triệu thùng/ngày vào năm 2012.

Tuy nhiên, sản xuất dầu ở Brazil , Nga , Canada , Kazakhstan Azerbaijan được dự đoán sẽ tăng đáng kể. Tính chung, sản lượng khai thác dầu ở các nước ngoài OPEC sẽ tăng khoảng 1% - con số quá nhỏ bé so với mức tăng nhu cầu tiêu thụ. Điều đó có nghĩa là, thế giới sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn dầu mỏ của các nước OPEC - nguồn cung hiện chiếm hơn 40% sản lượng dầu thế giới. IEA dự đoán, các nước OPEC sẽ sản xuất khoảng 36,2 triệu thùng/ngày vào năm 2012, so với mức 31,3 triệu thùng/ngày hiện nay.

IEA cảnh báo rằng, dầu mỏ sẽ trở nên khan hiếm trong vòng 5 năm tới, trong khi nguồn cung khí đốt tự nhiên cũng khó khăn hơn. Việc phát triển các nguồn nhiên liệu thay thế được coi là một giải pháp quan trọng, mặc dù các nguồn năng lượng này chỉ đóng góp phần nhỏ vào việc giải quyết vấn đề thiếu nguồn cung năng lượng. IEA ước tính, với dự kiến sản xuất nhiên liệu sinh học sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn từ nay tới năm 2012, thì nguồn năng lượng này cũng chỉ có thể cung cấp được khoảng 1,75 triệu thùng/ngày.

Các nhà máy than và năng lượng hạt nhân mới cũng sẽ góp phần giảm bớt sự căng thẳng về nguồn cung năng lượng. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, các nhà máy này chưa thể đi vào hoạt động. Hơn nữa, việc sử dụng nhiên liệu than sẽ làm tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tạo ra một số chất gây ô nhiễm môi trường khác.

Một cách khác nhằm giảm gánh nặng dầu mỏ là cắt giảm nhu cầu. IEA ước tính, việc giảm tăng trưởng GDP hàng năm từ 4,5% xuống còn 3,2% trong giai đoạn từ nay tới năm 2012 sẽ làm nhu cầu đối với dầu mỏ của các nước OPEC giảm bớt khoảng 2 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, việc này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế toàn cầu. Ví dụ như Trung Quốc, một nhân tố then chốt đối với tăng trưởng toàn cầu, sẽ khó có thể giảm tốc độ tăng trưởng mà không gây ra những bất ổn xã hội.

Trong khi đó, một số người cho rằng, chính những báo cáo của IEA lại là một tác nhân đẩy giá dầu tăng lên. Một số chuyên gia khác lại lưu ý rằng, nhu cầu vẫn duy trì ở mức cao và trong tương lai, giá dầu sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa.

Bên cạnh các giải pháp kể trên, các nước cần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Đây thật sự là một nhu cầu cấp bách đối với Trung Quốc, bởi theo số liệu của Chính phủ Trung Quốc, mức tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người ở nước này cao gấp 3,4 lần so với mức trung bình của thế giới. Năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra chủ trương cắt giảm 20% mức tiêu thụ năng lượng tính theo một đơn vị sản lượng kinh tế. Trong khi đó, Nhật Bản, nước đi đầu trong lĩnh vực này, cần tận dụng mọi cơ hội để phổ biến các các công nghệ và quy trình sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng.