Đã có kịch bản lo đủ xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
Với gần 3,8 triệu tấn xăng dầu hiện có trong nước và 3,7 triệu tấn nhập khẩu vào quý II, thị trường trong nước nửa đầu năm 2022 không lo thiếu hụt nguồn cung.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Kịch bản lo đủ nguồn cung xăng dầu

Chênh lệch cung cầu xăng dầu trên thế giới, nhu cầu tiêu thụ mạnh từ các nền kinh tế khi thực hiện mở cửa trở lại, gia tăng các hoạt động sản xuất, vận tải, du lịch và hàng không… khiến giá dầu không ngừng tăng cao.

Ở trong nước, dù nguồn cung đã đáp ứng được hơn 70%, nhưng do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm 35% tổng nguồn cung xăng dầu trong nước) đang cắt giảm công suất do khó khăn về tài chính, nên ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung xăng dầu từ đầu năm đến nay. Được biết, nhà máy này đang chỉ chạy ở mức 55 - 60% công suất, do đó, việc giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước trong tháng 2 đã bị giảm so với kế hoạch bình quân giao hàng theo tháng khoảng 43%.

Dự kiến, trong tháng 3, Nhà máy cung cấp khoảng 80% so với kế hoạch theo tháng, tức 540.000/680.000 m3. Theo báo cáo mới nhất, Nhà máy sẽ sản xuất 100% công suất từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5, nhưng chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5.

Nhập khẩu xăng dầu chỉ trong 15 ngày đầu tháng 2/2022 của các thương nhân đầu mối đã đạt 803.000 m3, tăng hơn 60% so với các tháng bình thường. Trong những ngày cuối tháng 2, sẽ tiếp tục nhập khẩu về thêm khoảng 600.000 m3.

(Tổng cục Hải quan)

Đối với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, do nguồn cung xăng dầu trong nước thời gian vừa qua giảm, nên từ cuối tháng 1, Nhà máy đã nâng công suất lên 103% và từ ngày 7/2 đã nâng công suất lên 105%.

Dù Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ cung cấp cho thị trường 300.000 m3 xăng và 300.000 m3 dầu/tháng, tuy vậy, mức tăng thêm 5% (tương đương 28.000 m3 xăng dầu) chưa đủ bù đắp lượng thiếu hụt do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất.

Những ngày qua, tình hình cung ứng xăng dầu đã xuất hiện dấu hiệu bất ổn, tại nhiều địa phương, đã xảy ra tình trạng một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa không bán hàng, ít nhiều ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân. Cụ thể, từ 28/1 - 21/2, cả nước có gần 300 cửa hàng xăng dầu đóng cửa với nhiều lý do như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hết hạn, đang chờ cấp lại; hết hàng…

Tại buổi làm việc với các đầu mối kinh doanh xăng dầu hôm 22/2, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, với mức 3,7-3,8 triệu tấn từ nguồn xăng dầu dự trữ, cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước và đặc biệt từ nguồn hàng nhập khẩu tăng gấp 3 lần bình thường từ đầu tháng 2 đến nay, Việt Nam có đủ lượng xăng dầu cung cấp cho thị trường đến hết tháng 3.

Để phân bổ tới các thương nhân phân phối, các doanh nghiệp bán lẻ, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) và Hiệp hội Xăng dầu sẽ tham mưu cho Bộ để phân bổ chi tiết.

Ngoài ra, Bộ sẽ tăng nhập khẩu từ 2,4 triệu tấn lên 3,7 triệu tấn vào quý II, đảm bảo đến hết tháng 6 không thiếu xăng dầu.

“Từ cuối tháng 3 trở đi, Bộ sẽ điều hành xăng dầu theo kịch bản, xăng dầu trong nước thiếu hụt bao nhiêu sẽ được bù đắp bấy nhiêu từ nguồn tăng nhập khẩu, cộng với 20% gia tăng để đáp ứng cho nhu cầu phục hồi kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Bộ giao chỉ tiêu nhập khẩu cụ thể tới 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo không để thiếu hụt trong mọi tình huống. Từ tháng 3, doanh nghiệp nhập khẩu, tư nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu đều phải khai báo rõ số lượng xăng dầu nhập khẩu và bán ra trên cổng thông tin của doanh nghiệp và Bộ Công thương.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết thêm: “Chúng tôi đã tính toán các phương án, từ tháng 3 trở đi, với các phương án là, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn vận hành 50%, 85% hay 100% công suất, thậm chí, không có nguồn từ Nghi Sơn, chúng tôi cũng điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu, nhưng cũng phải giao trước cho các doanh nghiệp đầu mối, đồng thời đề nghị Nghi Sơn thông báo rõ, trên cơ sở đó điều chỉnh kế hoạch, mục tiêu là đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của người dân”.

Nghiên cứu giảm thuế xăng dầu

Trước áp lực đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong bối cảnh giá dầu thế giới leo thang, dự báo sớm vượt 100 USD/thùng, trong khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn vẫn chưa chạy đủ công suất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện gửi các bộ, ngành liên quan yêu cầu đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.

Nhấn mạnh xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm, dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng khẳng định, xăng dầu phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động trong công tác điều hành cân đối cung cầu thị trường nhằm “bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước”.

Đồng thời giao Bộ Tài chính - Công thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Đề xuất phương án giảm thuế báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/2/2022.

Hiện nay, xăng đang phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu đối với xăng nhập khẩu…

Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường với xăng RON 95 là 4.000 đồng/lít, xăng E5 RON 92 là 3.800 đồng/lít, dầu diesel là 2.000 đồng/lít. Mặt hàng xăng còn chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8%), thuế nhập khẩu 8% (đối với xăng nhập khẩu), thuế giá trị gia tăng.

Tin bài liên quan