Năm 2022, do áp lực tỷ giá, Việt Nam đã có 2 đợt tăng lãi suất điều hành.

Năm 2022, do áp lực tỷ giá, Việt Nam đã có 2 đợt tăng lãi suất điều hành.

Đã đến lúc hy sinh tỷ giá để cứu lãi suất?

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều khả năng, Ngân hàng Nhà nước sẽ không có đợt tăng lãi suất điều hành nào nữa cho năm 2023. Cuộc đua lãi suất huy động cũng hạ nhiệt bớt.

Tuy vậy, sóng ngầm lãi suất có diễn ra hay không còn tùy thuộc vào niềm tin giữa các ngân hàng cũng như sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước.

Tăng trưởng huy động vốn thấp nhất 10 năm, ngân hàng “dìu nhau” vượt khó thanh khoản

Lãi suất huy động thỏa thuận vọt lên 13%/năm, lãi suất cho vay có ngân hàng đẩy lên tới 16%/năm, khiến doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa. Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước thúc giục các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi các hội viên đồng thuận đưa lãi suất tiết kiệm về tối đa 9,5%/năm để ngành ngân hàng có điều kiện giảm lãi vay cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho hay, thanh khoản tổng thể toàn hệ thống không thiếu, song có thời điểm, tình trạng thiếu thanh khoản nhất thời đã xảy ra tại một số ngân hàng nhỏ. Sau sự cố SCB, nhiều người dân rút tiền từ ngân hàng nhỏ chuyển sang ngân hàng lớn.

Mặc dù thanh khoản chung của toàn hệ thống không thiếu, song lượng dự trữ thanh khoản không nhiều. Room tín dụng năm 2023 sắp được cấp càng khiến hệ thống ngân hàng cần nhiều nguồn vốn dự trữ hơn.

Ông Nguyễn Thiên Hoàng, Phó tổng giám đốc BIDV cho hay, từ đầu năm đến nay, huy động vốn của BIDV chỉ tăng 3,4%, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, chủ yếu do ngân hàng này vẫn cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế, không cạnh tranh được với các ngân hàng TMCP tư nhân. Theo ông Hoàng, các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất đầu vào thì lãi suất đầu ra mới có cơ hội giảm xuống.

Theo Hiệp hội Ngân hàng, thời gian qua, thanh khoản của một số ngân hàng nhỏ thiếu hụt tạm thời không chỉ do người dân rút tiền chuyển sang ngân hàng lớn, mà còn do các ngân hàng cũng thiếu tin tưởng lẫn nhau, khiến thị trường liên ngân hàng nhiều lúc đứt đoạn. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã bơm vốn kịp thời, song áp lực với một số ngân hàng nhỏ chưa phải là đã hết.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng TMCP quy mô nhỏ cho rằng, để các tổ chức tín dụng yên tâm đồng thuận hạ lãi suất huy động về tối đa 9,5%/năm, Ngân hàng Nhà nước cần bơm tiền hỗ trợ thanh khoản và các ngân hàng lớn cũng phải tham gia “dìu” ngân hàng nhỏ vượt khó khăn thanh khoản. Thời gian qua, các ngân hàng lớn chỉ cho vay ngân hàng nhỏ với điều kiện phải cầm cố giấy tờ có giá. Đây là điều khó khăn cho các ngân hàng nhỏ vì nguồn giấy tờ có giá không có sẵn, khối lượng có hạn.

Liên quan vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank khẳng định, ngân hàng này không chủ trương giảm số dư cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Agribank đang là một trong những ngân hàng cho vay lớn nhất trên thị trường này.

“Các ngân hàng có nhu cầu vay liên ngân hàng cứ đăng ký, Agribank đã nhận được nhu cầu của 8 ngân hàng thương mại. Ngoài ra, ngân hàng nào có nhu cầu hoán đổi ngoại tệ cứ gửi cho Agribank, chúng tôi đang tổng hợp nhu cầu để lên kịch bản, phương án hỗ trợ thị trường”, bà Phượng cho biết.

Theo bà Phượng, giảm lãi suất cho vay là mong muốn không chỉ của doanh nghiệp, mà của cả ngân hàng. Tuy vậy, việc giảm lãi suất cho vay phụ thuộc rất nhiều vào giảm lãi suất huy động, chỉ khi các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm túc duy trì mặt bằng lãi suất như cam kết, thì nhóm Big 4 mới có điều kiện để hỗ trợ khách hàng cũng như hỗ trợ hệ thống.

Năm 2023: Tạm thời “hy sinh” tỷ giá để hỗ trợ lãi suất

Áp lực lãi suất trong nước với các ngân hàng còn rất lớn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn có thể tăng lãi suất trong năm 2023, trước khi xem xét hạ lãi suất vào năm 2024. Mặc dù vậy, tỷ giá hạ nhiệt đáng kể đang làm giảm bớt áp lực cho nhà điều hành.

Ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán AIS nhận định, lãi suất của Fed sẽ chạm đỉnh vào giữa năm 2023 và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung đó.

“Năm 2022, Việt Nam đã có 2 đợt tăng lãi suất điều hành, do áp lực tỷ giá, chứ không phải lạm phát. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá đã giảm đáng kể, từ mức chạm ngưỡng 25.000 đồng/USD hơn một tháng trước đây, giờ chỉ còn dưới 24.000 VND/USD. Tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ không thực hiện đợt nâng lãi suất điều hành nào trong 6 tháng đầu năm 2023”, ông Kiên phán đoán.

Nếu như vài tháng trước, tỷ giá là câu chuyện bão tố nhất của chính sách tiền tệ, thì từ nay tới sang năm, lãi suất lại là vấn đề “nóng bỏng” nhất. Cụ thể, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã phải “hy sinh” lãi suất để cứu tỷ giá, thì câu chuyện năm 2023 sẽ đi theo chiều ngược lại. Theo các chuyên gia, năm 2023, Việt Nam nên chấp nhận biến động tỷ giá và lạm phát cao hơn một chút để giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế.

“Chúng ta cần phải cân bằng lãi suất và tỷ giá. Năm nay, nhằm kiểm soát tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã phải tăng lãi suất. Song nếu lãi suất tăng mạnh quá, doanh nghiệp sẽ không thể chịu đựng được. Chúng tôi đã có tính toán sơ bộ và thấy rằng, chúng ta cần phải hết sức thận trọng với công cụ lãi suất thời gian tới. Năm 2023, chúng ta có thể chấp nhận tiền đồng mất giá nhiều hơn một chút, song cần hết sức cân nhắc chuyện tăng lãi suất. Điều tích cực là áp lực tỷ giá năm tới đã nhẹ đi đáng kể”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế chia sẻ.

Giảm lãi suất cho vay là mong mỏi không chỉ của doanh nghiệp, mà cả ngân hàng. Lãi suất cho vay cao sẽ khiến nợ xấu tăng, doanh nghiệp dừng các kế hoạch mở rộng sản xuất - kinh doanh, nền kinh tế đình trệ… Ngân hàng cũng khó tránh khỏi vòng xoáy tiêu cực này.

Riêng với NHNN, các ngân hàng thương mại đề nghị, bên cạnh việc ngân hàng lớn hỗ trợ ngân hàng nhỏ, NHNN cũng phải tích cực bơm thanh khoản qua thị trường mở, qua nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ, “nới” tỷ lệ LDR (cho vay/tiền gửi) lên 90%... để các ngân hàng có điều kiện hỗ trợ lẫn nhau và thêm vốn bơm ra nền kinh tế.

Bản thân các ngân hàng cũng đang đối mặt với nhiều rủi ro về kỳ hạn, lãi suất, thanh khoản, nợ xấu… Hơn nữa, trong danh sách khó khăn của doanh nghiệp, khó khăn về lãi suất và tiếp cận vốn đứng thứ tư, thứ năm, trong khi nhiều khó khăn khác còn lớn hơn, như thị trường, thể chế…

Giải quyết khó khăn của doanh nghiệp không chỉ là bơm tín dụng, mà còn phải thúc đẩy đầu tư công, sửa đổi chính sách thuế.

Tóm lại, phải nắm được chính xác các khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp để xử lý thật trúng và phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa nhịp nhàng. Bên cạnh đó, cần hạn chế tối đa các biện pháp can thiệp hành chính, nếu không sẽ làm gia tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.

- TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế

Tin bài liên quan