Đại biểu Quốc hội kiến nghị giám sát tối cao về ODA

Đại biểu Quốc hội kiến nghị giám sát tối cao về ODA

(ĐTCK) Trong phiên thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiêm vụ 2015, đại biểu Lê Thị Nga (Ủy ban Tư pháp) đã đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát tối cao về ODA.

Quốc hội cần tiến hành giám sát ODA

Theo đại biểu Lê Thị Nga, thực tế sử dụng nguồn vốn ODA phát sinh nhiều bất cập, thậm chí vi phạm và tội phạm. Thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong nhiều dự án đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình ví dụ như vụ PMU 18, vụ Huỳnh Ngọc Sỹ, vụ nghi vấn tiêu cực tại dự án Đanida (Đan Mạch) 2012; vụ JTC đường sắt… Đáng chú ý, tuy có nhiều cơ chế kiểm tra, giám sát, nhưng những vụ vi phạm lớn như trên lại chỉ được phát hiện do phía nước ngoài.

ODA cũng là một phần của đầu tư công và nợ công, có tác động đến vị thế và uy tín quốc gia, nhưng những năm qua, trách nhiệm giám sát của QH về ODA đã chưa được coi trọng.

“Qua 20 năm, Quốc hội chưa một lần giám sát tối cao về ODA. Với tư cách là các cơ quan của Quốc hội phụ trách về kinh tế, ngân sách nhưng Ủy ban kinh tế và Ủy ban tài chính ngân sách cũng chưa lần nào giám sát chuyên đề này” – đại biểu Lê Thị Nga nói.

Thực tế, năm 1999 và năm 2003, Ủy ban đối ngoại có 2 lần giám sát. Năm 2006 khi xảy ra vụ PMU 18, Ủy ban đối ngoại một lần nữa báo cáo lại các kiến nghị giám sát của lần trước.

Cho rằng đây là một nguyên nhân không nhỏ làm cho những bất cập, sai phạm trong sử dụng ODA chậm được khắc phục, góp phần đẩy nợ công lên sát ngưỡng mất an toàn, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị Quốc Hội tiến hành giám sát ODA. Từ đó đề xuất chiến lược sử dụng có chọn lọc theo lộ trình giảm dần, tiến đến chấm dứt ODA.

“Bất cứ quốc gia nào, nếu phụ thuộc lâu dài vào ODA thì đó là thất bại của chiến lược phát triển!” – Đại biểu Lê Thị Nga nói.

Cần có ý thức “tốt nghiệp” ODA

Cũng theo đại biểu Nga, về hành lang pháp lý hiện tại là chưa đủ, mới chỉ ở cấp Nghị định. Quốc hội - người chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công, và Người dân - chủ thể phải đóng thuế và là người trả nợ cuối cùng gần như đứng ngoài quy trình ODA

Do đó, đại biểu đề nghị Quốc Hội ban hành Luật quản lý, sử dụng ODA theo hướng chặt chẽ tiêu chí chấp nhận vốn ODA; công khai, minh bạch số vốn, quy trình phân bổ, vấn đề phản biện độc lập; quy định về trách nhiệm…

Hiện, Nghị định 38 của Chính phủ quy định quá rộng về các lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA và còn có quy định "quét" rất tùy nghi "một số lĩnh vực khác". Quy định này dẫn đến phân bổ ODA dàn trải, không tập trung cao cho đầu tư vào lĩnh vực mang tính đầu tàu, tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại, không nỗ lực tìm kiếm các nguồn vốn khác.

Sau khi chúng ta thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp thì ưu đãi giảm đi, điều kiện vay và trả nợ  khắc nghiệt hơn, nếu lạm dụng ODA thì sẽ để lại nhiều hệ lụy. Nhưng điều này đã chưa được nhận thức đúng.

Đại biểu Lê Thị Nga dẫn lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh rằng "Tôi dám chắc có một tỉ lệ không nhỏ cán bộ và người dân, đặc biệt là lãnh đạo địa phương còn hiểu một cách rất sơ đẳng rằng: ODA là cho không, vay được càng nhiều càng tốt, bất chấp khả năng trả nợ".

Đây là thực tế rất đáng lo ngại bởi nhiều nghiên cứu quốc tế về ODA đã chỉ ra 3 điểm cơ bản khiến nước tiếp nhận có khả năng chịu bất lợi gồm:

1.     Nước tài trợ tạo ra và duy trì một nhu cầu viện trợ giả tạo (ví dụ: Tích cực vận động, hoặc tư vấn cho nước nhận về những dự án chưa cần thiết, không phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của nước nhận).

2.     Đòi hỏi những điều kiện đảm bảo lợi nhuận của các công ty của nước tài trợ tham gia ODA (như điều kiện về tư vấn, thiết kế, nhân công, về công nghệ, về thiết bị, vật tư... của nước tài trợ mặc dù nước nhận có thể tự cung cấp, hoặc mua với giá thấp hơn).

3.     Xuất khẩu ô nhiễm môi trường sang nước tiếp nhận.

Do đó, đại biểu Lê Thị Nga nhấn mạnh yêu cầu quản lý và sử dụng vốn ODA có hiệu quả, sử dụng có chọn lựa - chỉ vay tiền để đầu tư vào hạ tầng thiết yếu nhất, xoá đói giảm nghèo, không vay đầu tư những dự án nhỏ lẻ, không vay để theo đuổi những siêu dự án.

Đồng thời có kế hoạch chấm dứt nhận ODA trong một tương lai không xa. Thực tế Hàn Quốc dừng nhận ODA sau 20 năm và hoàn toàn "tốt nghiệp ODA" sau 30 năm. Có ý thức "tốt nghiệp ODA" thì mới luôn quan tâm đến việc hạn chế nhận và nâng cao hiệu quả sử dụng nó.

Qua hơn 20 năm, Việt Nam thu hút khoảng 78 tỉ USD Mỹ, bình quân 3 tỉ đô/năm. ODA là nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và ngoại trừ một tỉ lệ nhỏ viện trợ không hoàn lại, phần nhiều là cho vay ưu đãi có điều kiện.
Tin bài liên quan