Đại biểu Vũ Tiến Lộc: Cần lộ trình mở lại đường bay chứ không thể chỉ là thí điểm

0:00 / 0:00
0:00
Kiên định mở cửa nền kinh tế, đảm bảo sự thông suốt của các hoạt động sản xuất, kinh doanh là một lời giải cho câu hỏi khả năng hấp thụ gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế.
Ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội Hà Nội trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên lề phiên họp sáng 7/1/2021.

Ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội Hà Nội trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên lề phiên họp sáng 7/1/2021.

Thưa ông, quy mô của gói giải pháp tài khoá là 291.000 tỷ đồng được Chính phủ đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động... Ông nghĩ thế nào về con số này?

Tôi cho là phù hợp. Tôi không nói là lớn hay nhỏ. Vì gói hỗ trợ đưa ra cần phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tế và khả năng hấp thụ của nền kinh tế, của doanh nghiệp, khả năng chịu đựng của hệ thống tài chính – tiền tệ. Chúng ta dù hướng tới mục tiêu phục hồi, phát triển thì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô là thành trì bất khả xâm phạm.

Những năm qua, do tác động của dịch bệnh, dư địa để hỗ trợ tài khóa, tiền tệ không còn nhiều. Đặc biệt dư địa cho chính sách tiền tệ hạn hẹp khi áp lực nợ xấu gia tăng. Đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà cả thế giới.

Nhưng quan điểm của tôi là, hỗ trợ về tài khóa, tín dụng bao giờ cũng là hữu hạn; cần gói hỗ trợ về thể chế, chính sách. Đây cũng là những giải pháp chính sách để hỗ trợ khả năng hấp thụ của nền kinh tế.

Khi thảo luận tại Hội trường, có đại biểu băn khoăn về khoản hỗ trợ dành cho các dự án hạ tầng giao thông lớn, dù có phân kỳ thì cũng khó giải ngân trong 2 năm của Chương trình, vì vẫn phải tuân thủ các trình tự, thủ tục. Nhiều ý kiến cho rằng, nên cân nhắc lại? Ông có chia sẻ với những lo ngại này?

Câu hỏi là nếu không hấp thụ được, thì doanh nghiệp, nhà thầu có trách nhiệm thế nào, có phải là toàn bộ không? Quan điểm của tôi là không, mà phần nhiều là do quy định, thủ tục và việc đảm bảo sự thông suốt của nền kinh tế.

Đây là lý do tôi vẫn giữ quan điểm cần phải đặt trọng tâm cải cách thể chế, kiên định mở của thị trường, thông suốt các hoạt động sản xuất kinh doanh. Có như vậy mới có cơ sở để bàn về khả năng giải ngân hay hấp thụ các gói hỗ trợ.

Ví dụ, để đảm bảo thông suốt các hoạt động của doanh nghiệp, chúng ta cần công bố lộ trình mở cửa đường bay, chứ không phải thí điểm mở cửa đường bay. Có như vậy thì các doanh nghiệp mới chủ động chuẩn bị các kế hoạch trở lại, tính toán tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ... Trong hoạt động đầu tư, xây dựng các công trình, trong đó có giao thông, nếu còn đóng mở để chống dịch thì nhà thầu không thể đảm bảo tiến độ...

Cùng với đó, cần phải thực hiện các cải cách thể chế đột phá trong giai đoạn này, có thể đơn giản hóa thủ tục, quy trình... Tôi muốn nhấn mạnh là vừa rồi, Chính phủ đã có những đề xuất sửa đổi quy trình thủ tục đầu tư, nhưng chủ yếu vẫn là đầu tư công. Chúng ta cần tháo gỡ để thúc đẩy đầu tư toàn xã hội, giải phóng các sức ép để các doanh nghiệp thực sự an tâm bắt tay vào các kế hoạch mới.

Chúng ta cần một loạt giải pháp yểm trợ để giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ. Khả năng hấp thụ các nguồn lực, các gói hỗ trợ tới các ngành, lĩnh vực chứ không chỉ là các dự án cao tốc, phụ thuộc rất lớn vào những yếu tố trên.

Có thể hiểu là cần một thể chế đặc thù cho giai đoạn này?

Cần phải có một thể chế đặc thù để thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh trong 2 năm 2022-2023, cũng tương tự như cơ chế đặc thù cho một số địa phương trong một giai đoạn nhất định. Đây cũng là giai đoạn để thực hiện thí điểm những giải pháp chính sách chính sách, trước khi có những đánh giá tổng thể để đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật... trước khi thực hiện đại trà.

Cụ thể, cần đơn giản hóa tối đa thủ tục, tăng phân cấp, phân quyền, tránh thanh tra, kiểm tra mà chuyển sang hậu kiểm.

Ví dụ, đối với việc giao trách nhiệm cho Bộ Giao thông – Vận tải đảm nhận chủ đầu tư của cả 12 dự án hạ tầng thực sự là hành động dũng cảm và thực sự nặng nề.

Tôi nghĩ sẽ có những vấn đề trong quá trình thực thi, nên cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cả nhân lực, sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành để đảm bảo tiến độ. Thực tế đã có những dự án đầu tư hạ tầng được triển khai nhanh, chất lượng cao. Đây là bài học cần được khai thác ngay.

Phải nói thêm cũng cần đưa quy chế bảo vệ cán bộ, để thúc đẩy sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các bộ, ngành, địa phương...

Tin bài liên quan