Nhu cầu vàng vẫn sẽ cao trong thời gian tới, đặc biệt đối với vàng trang sức. Ảnh: Dũng Minh

Nhu cầu vàng vẫn sẽ cao trong thời gian tới, đặc biệt đối với vàng trang sức. Ảnh: Dũng Minh

Dài hạn, vàng sẽ vẫn “lấp lánh”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) và Chính sách công của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho rằng, trước mắt, áp lực tăng lãi suất USD vẫn tác động lên vàng, song về lâu dài sẽ giảm. Vàng được định giá bằng các loại tiền tệ khác đã cho thấy lợi suất tốt trong năm 2022 và WGC cũng coi vàng là tài sản chiến lược dài hạn.

Trong bối cảnh hiện nay, khi các yếu tố bên ngoài như bất ổn địa chính trị, lãi suất và giá trị USD liên tục tăng... đang tác động mạnh lên giá vàng, theo ông, nhà đầu tư và người dân Việt Nam mua vàng còn có lợi?

Ông Andrew Naylor
Ông Andrew Naylor

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất lên cao và đồng USD mạnh là những trở ngại đối với vàng, thậm chí nhiều nhà phân tích dự đoán rằng, lãi suất có thể tiếp tục tăng và đạt đỉnh vào năm tới. Tuy nhiên, nghiên cứu của WGC cho thấy rằng, tác động của việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ có ảnh hưởng rõ ràng nhất vào giai đoạn khởi đầu của chu kỳ thắt chặt, còn về lâu dài, lãi suất sẽ dần được ấn định nên ảnh hưởng đối với giá vàng sẽ giảm dần.

Vàng được định giá bằng các loại tiền tệ khác đã cho thấy lợi suất tốt trong năm 2022 và chúng tôi cũng coi vàng là tài sản chiến lược dài hạn. Cũng như với bất kỳ tài sản nào, nhà đầu tư dễ gặp rủi ro về lợi suất trong ngắn hạn, nhưng phân tích của WGC đã chỉ ra rằng, xuyên suốt lịch sử, vàng là một nguồn lợi nhuận ổn định trong dài hạn.

Nhưng thực tế là vàng có xu hướng chảy khỏi các quỹ ETF thời gian gần đây?

Trong quý III/2022, các hoạt động đầu tư trên toàn cầu giảm 47% so với cùng kỳ năm trước vì các nhà đầu tư vào các quỹ ETF trở nên thận trọng hơn trước tình hình thị trường đầy thách thức hiện nay, khi lãi suất tăng cao cùng giá trị USD tăng mạnh và một lượng vàng đáng kể bị bán khỏi các quỹ lên đến 277 tấn. Những diễn biến này, cùng với sự suy giảm của nhu cầu đầu tư vào thị trường OTC và tâm lý tiêu cực về tương lai của các thị trường đầu tư khiến giá vàng giảm 8% trong quý III/2022 so với quý liền trước.

Thực tế, dòng vốn vàng chảy ra khỏi các quỹ ETF chủ yếu được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư “lướt sóng”, trong khi những nhà đầu tư dài hạn vẫn duy trì vị thế nắm giữ. Mặt khác, động thái “xả hàng” này cũng có thể là phản ứng tức thời đối với 2 xu hướng đang chi phối bối cảnh đầu tư toàn cầu, đó là sự tăng giá của USD và Fed liên tục tăng lãi suất.

Song, USD đã đạt mức giá kỷ lục 20 năm qua vào tháng 9/2022 và bắt đầu điều chỉnh trước con số lạm phát thấp hơn dự kiến của Mỹ và cũng có nhiều dự báo cho rằng, Fed sẽ giảm dần lộ trình tăng lãi suất trong thời gian tới.

Số liệu WGC vừa đưa ra cho thấy, mãi lực tiêu thụ vàng của thị trường Việt Nam tăng gấp đôi trong quý III/2022, điều này có đi ngược với cảnh báo mua vàng ở thị trường nội địa có nhiều rủi ro khi chênh lệch so với giá vàng thế giới lên đến 20 triệu đồng/lượng?

Mức phí bảo hiểm ở Việt Nam là một trong những phí nội địa phát sinh cao nhất trên thế giới, xuất phát từ cung - cầu vàng ở thị trường Việt Nam và nguồn cung khan hiếm do hạn chế nhập khẩu vàng. Chi phí vận chuyển và tinh chế, chế tạo các sản phẩm vàng trong nước cũng góp phần vào những chi phí phát sinh. Dẫu vậy, vàng vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư.

Nghiên cứu về người tiêu dùng của WGC cho thấy, vàng là kênh đầu tư được quan tâm hàng đầu đối với 68% người Việt Nam và 81% nhìn nhận vàng là một biện pháp bảo vệ hiệu quả trước các giai đoạn kinh tế bất ổn. Mặc dù nền kinh tế Việt Nam ổn định hơn so với hầu hết các nền kinh tế khác, nhưng lạm phát vẫn là một vấn đề khi VND đã giảm giá so với USD. Vàng được coi là một hàng rào chống lại lạm phát và là nơi cất giữ tài sản an toàn nên duy trì được sức hấp dẫn, bất chấp phí bảo hiểm tăng cao.

Sức tiêu thụ vàng của người dân Việt Nam gia tăng, theo ông, làm thế nào để có thể rút ngắn được chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới?

Chênh lệch giá vàng chủ yếu đến từ việc hạn chế nguồn cung. Vàng có sự gắn kết mạnh mẽ với văn hóa và lịch sử tại Việt Nam nên nhu cầu được dự đoán vẫn sẽ cao, bởi vậy việc hạn chế nguồn cung sẽ không có quá nhiều tác động. Khi vàng được cho phép nhập khẩu nhiều hơn, chẳng hạn các nhà sản xuất đồ trang sức bằng vàng được phép nhập khẩu vàng sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế.

Có một số yếu tố cần được xem xét. Thị trường vàng là một thị trường mang tính toàn cầu, nhưng các chuỗi cung ứng địa phương và các kích cỡ thanh vàng khác nhau có thể tạo ra chênh lệch giá giữa các thị trường. Để giúp người tiêu dùng định hướng thị trường vàng và tìm ra sản phẩm thích hợp nhất, WGC đã phát hành bản hướng dẫn dành cho nhà đầu tư vàng bán lẻ (Retail Gold Investor Guidance), trong đó đề cập một số điểm cần lưu ý về cách bảo quản vàng, độ tinh khiết, thương hiệu, uy tín của người bán và tính thanh khoản. Nghiên cứu kỹ bản hướng dẫn này sẽ giúp nhà đầu tư có được mức giá giao dịch tốt nhất cho mình.

Dự báo của ông cũng như WGC về mãi lực tiêu thụ vàng trên thế giới nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng trong quý cuối năm nay?

Nhu cầu vàng tăng mạnh đã thúc đẩy sức tiêu thụ từ đầu năm 2022 đến nay lên mức trước đại dịch. Nhu cầu tiêu thụ vàng được thúc đẩy bởi người tiêu dùng và các ngân hàng trung ương trên thế giới. Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của WGC cho thấy, nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu (không bao gồm thị trường OTC) trong quý III/2022 đạt 1.181 tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Việt Nam, mức tiêu thụ vàng đạt 12 tấn trong quý III/2022, tăng 264% so với cùng kỳ. Tổng nhu cầu vàng thỏi và xu vàng tăng từ 2,4 tấn ở quý III/2021 lên 8,5 tấn trong quý III/2022, tương ứng tăng 254%. Nhu cầu vàng trang sức tăng từ 0,9 tấn trong quý III/2021 lên 3,5 tấn trong quý III/2022, tương ứng tăng 290%. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, nhu cầu vàng vẫn sẽ cao trong thời gian tới, đặc biệt đối với vàng trang sức.

Hiện tại, phần lớn lệnh phong tỏa và hạn chế trong việc phòng chống Covid-19 đã được dỡ bỏ do Chính phủ Việt Nam đã có những giải pháp xuất sắc để ứng phó với đại dịch, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tương đối tốt và cao hơn đáng kể so với các thị trường khác. Điều này có thể góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng vàng. Tại Việt Nam, kìm chế lạm phát là một mục tiêu, nhưng không quá lớn như ở nhiều thị trường khác. Theo đó, nhu cầu đầu tư vẫn lớn khi nhà đầu tư đang tìm kiếm các biện pháp phòng ngừa hiệu quả để đối phó với lạm phát và bất ổn kinh tế toàn cầu, trong đó có vàng.

Điều này có nghĩa vàng vẫn được nhiều người lựa chọn trong bối cảnh hiện nay?

Mặc dù lãi suất tăng, giá trị USD đi lên... vẫn là những trở ngại, nhưng so với các kênh đầu tư khác như cổ phiếu hay trái phiếu, vàng vẫn là tài sản mang lại lợi suất tốt nhất cho đến thời điểm hiện tại. Điều này cộng hưởng với nhu cầu đầu tư vàng vật chất như vàng trang sức, vàng thỏi, xu vàng..., cũng như việc các ngân hàng trung ương vẫn đang tiếp tục mua vàng, có thể nói, vàng vẫn là kênh đầu tư tiềm năng.

Trên thực tế, ngay khi nhu cầu tiêu thụ vàng của người tiêu dùng tăng lên, hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng đáng kể, với lượng mua kỷ lục được ước tính lên đến gần 400 tấn trong quý III/2022. Xu hướng này được phản ánh trong báo cáo kết luận từ cuộc khảo sát các ngân hàng trung ương gần đây, trong đó 25% số người được khảo sát cho biết sẽ tăng lượng dự trữ vàng trong 12 tháng tới.

Về nguồn cung, sản lượng khai thác mỏ (được ổn định và bảo vệ giá) đã tăng 2% so với quý III/2021, với lượng khai thác vàng đạt mức tăng trưởng ở quý thứ 6 liên tiếp. Ngược lại, tỷ lệ tái chế giảm 6% trong quý III/2022 so với cùng kỳ năm trước do người tiêu dùng có xu hướng tích trữ vàng trong bối cảnh lạm phát tăng và triển vọng kinh tế bất ổn, bất chấp lãi suất và giá trị USD tăng.

Tin bài liên quan