Đăng kiểm xe lo bị “treo” thiết bị hành nghề

Các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên khắp cả nước có nguy cơ phải tạm dừng hoạt động một thời gian không xác định trong năm để đưa các thiết bị về Hà Nội kiểm định.

Treo thiết bị

Gần 100 doanh nghiệp và đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trong tổng số 152 cơ sở đăng kiểm xe cơ giới trên khắp cả nước vừa đồng loạt ký đơn gửi Thủ tướng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phản ứng khá gay gắt trước nguy cơ chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm định các thiết bị kỹ thuật phục vụ đăng kiểm xe cơ giới.

Đăng kiểm xe lo bị “treo” thiết bị hành nghề ảnh 1

Cả nước hiện có 152 cơ sở đăng kiểm xe cơ giới. 

Được biết, “đối tượng” mà các đơn vị đăng kiểm phản ánh tới Thủ tướng Chính phủ là Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 đang xin ý kiến các bộ, ngành và đơn vị liên quan.

Theo đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ, sẽ có thêm 10 loại thiết bị thuộc lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới được đưa vào phương tiện đo nhóm 2, trong đó có nhiều thiết bị đặc chủng, chuyên ngành như đo chiều cao hoa lốp xe cơ giới; đo độ rơ góc của vô lăng lái xe cơ giới; đo độ trượt ngang của bánh xe trong dây chuyền kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; đo kiểm tra lực phanh xe cơ giới trong dây chuyền kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ…

Nếu được đưa vào phương tiện đo nhóm 2, các thiết bị nói trên sẽ phải được kiểm định hàng năm bởi các đơn vị kiểm định thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), bên cạnh đơn vị đang thực hiện chức năng này là Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Điều oái oăm ở chỗ, theo thông báo của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng công bố vào cuối tháng 2/2017, tất cả các tổ chức kiểm định phương tiện đo nhóm 2 tại các địa phương không có năng lực kiểm định được các bộ phận thiết bị trong dây chuyền kiểm định.

Vì vậy, để kiểm định được các thiết bị trong dây chuyền này, các đơn vị đăng kiểm trên khắp cả nước sẽ phải đưa “đồ nghề kiếm sống” này về một nơi duy nhất là Viện Đo lường Việt Nam (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, có trụ sở tại số 8 - Hoàng Quốc Việt, Hà Nội).

Nếu tính cả chi phí kiểm định mới và chi phí kiểm tra của Cục Đăng kiểm, một đơn vị đăng kiểm với 4 dây chuyền có thể tốn thêm khoảng 220 triệu đồng/năm.   

Bên cạnh đó, các thiết bị trên dây chuyền sau khi tháo dời để kiểm định, đưa trở lại dây chuyền sẽ lại phải được cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành kiểm tra, đánh giá lại theo quy định. Cục Đăng kiểm Việt Nam lo ngại, điều này sẽ khiến ngưng trệ toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới của đơn vị và ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải và người dân địa phương.

Ông Nguyễn Trọng Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải Tuyên Quang cho biết, đơn vị đang cung cấp dịch vụ công, nên không thể năm nào cũng dừng kiểm định để tháo thiết bị vận chuyển về Hà Nội để kiểm định thiết bị.

“Tuyên Quang cách Hà Nội cả trăm kilômét, bên cạnh việc tháo, lắp thiết bị cồng kềnh làm phát sinh chi phí, còn dễ gây hư hỏng thiết bị”, ông Hưng lo ngại.

Ôm việc để làm gi?

Theo đại diện của các doanh nghiệp, đơn vị đăng kiểm, 10 loại thiết bị chuyên dụng dự kiến đưa vào nhóm phương tiện đo số 2 là những bộ phận thiết bị trong một dây chuyền kiểm định đồng bộ không tách rời khi hoạt động và hiện được Chính phủ giao Cục Đăng kiểm Việt Nam định kỳ hàng năm kiểm tra, đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra trong các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tại Nghị định số 63/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ.

Được biết, chi phí kiểm tra các thiết bị kiểm định được thực hiện bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ khoảng 3,1 triệu đồng/năm/dây chuyền.

“Với sự giám sát của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hoạt động khai thác vận hành các thiết bị đăng kiểm vẫn đang hoạt động trơn tru với đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật và nguồn nhân lực được đào tạo cấp chứng nhận, nên không nhất thiết cần thêm sự xuất hiện của một tổ chức kiểm định mới”, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá.

Hiện chưa rõ động cơ thực sự của việc Bộ Khoa học và Công nghệ đưa vào Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN liên quan các thiết bị thuộc lĩnh vực đăng kiểm. Tuy nhiên, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, chi phí kiểm định phương tiện đo nhóm 2 do Viện Đo lường Việt Nam công bố lên tới 55 triệu đồng/dây chuyền.

Như vậy, nếu tính cả chi phí kiểm định mới và chi phí kiểm tra của Cục Đăng kiểm, một đơn vị đăng kiểm với 4 dây chuyền có thể tốn thêm khoảng 220 triệu đồng/năm.

Tính toán của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, để đảm bảo hoạt động kiểm định cho 304 dây chuyên đăng kiểm trên cả nước, cần thêm khoảng 17 tỷ đồng chi phí kiểm định dự kiến đóng cho Viện Đo lường Việt Nam. Số tiền này chưa tính đến chi phí vận chuyển, tháo lắp thiết bị, tổn thất cho các doanh nghiệp vận tải do trung tâm đăng kiểm dừng hoạt động.

“Việc đưa các thiết bị chuyên ngành nêu trên vào danh mục phương tiện đo nhóm 2 thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý sẽ phát sinh sự quản lý chồng chéo giữa các cơ quản lý nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp”, đại diện các đơn vị đăng kiểm cho biết.

Tin bài liên quan