Đằng sau các cuộc đối thoại

0:00 / 0:00
0:00
Hàng loạt cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp trong các lĩnh vực, ngành hàng với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đang diễn ra trong tuần này.

Cuối tuần, các doanh nghiệp đang khốn khổ, ách tắc vì nhiều quy định không thể thực hiện nổi trong công tác phòng cháy, chữa cháy sẽ có cuộc làm việc với Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an). Hôm qua, các doanh nghiệp vận tải đã có cuộc làm việc với đại diện Tổng cục Hải quan về những khúc mắc khó hiểu liên quan đến vận chuyển hàng hóa quá cảnh bằng phương tiện đường bộ.

Các nhà sản xuất, kinh doanh thép không gỉ vừa trực tiếp đối thoại với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng vào cuối tuần trước để nêu rõ các tác động tiêu cực của việc ban hành QCVN 20:2019 về sản phẩm thép không gỉ, đang khiến hàng loạt doanh nghiệp trong ngành liêu xiêu, thậm chí sẽ phải đóng cửa...

Doanh nghiệp đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào kết quả các cuộc đối thoại trên, vì Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Công điện 644/CĐ-TTg, ngày 13/7/2023.

Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xử lý triệt để, dứt điểm những phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, để phản ứng chính sách kịp thời trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Để chuẩn bị cho các cuộc gặp, nhiều hiệp hội doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đã tổ chức các cuộc làm việc riêng, thu thập ý kiến hội viên...

Tuy phải đợi thêm thời gian nữa mới biết kết quả các cuộc đối thoại, nhưng nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ, giá như họ có cơ hội được đối thoại trực diện, với tinh thần xử lý dứt điểm như vậy trước khi các văn bản, quy định trên được ban hành, hay sau khi các phát sinh trong thực tiễn vừa xuất hiện, thì những vướng mắc đã không tồn tại đến vài năm, gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp đến vậy.

“Chúng tôi luôn mong muốn cùng tìm ra giải pháp, qua các câu hỏi có cần quản lý không? Nếu có thì có cách nào làm khác không, nhất là khi công nghệ đã phát triển rất nhanh, có nhiều loại máy móc có thể sử dụng, mà không cần can thiệp thủ công? Mục tiêu là hiệu quả cho cả cơ quan quản lý nhà nước, nhưng phải đảm bảo để doanh nghiệp tuân thủ pháp luật thuận lợi, để cùng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế”, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã nói như vậy với đại diện Tổng cục Hải quan trong cuộc làm việc với cơ quan này nhằm gỡ nút thắt cho vận tải hàng hóa quá cảnh. Cũng phải nói thêm, cuộc làm việc trên được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 16/7 tại Hà Nội, theo đề nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô sau khi các doanh nghiệp đã đề nghị làm việc, nhưng không nhận được phản hồi từ Tổng cục Hải quan.

Trong các ý kiến gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh vào báo cáo gửi Chính phủ, nhiều hiệp hội doanh nghiệp cũng tiếp tục đề nghị được tham gia ý kiến vào các nội dung văn bản, quy định mà họ là đối tượng chịu tác động nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực.

Rõ ràng, đang có vấn đề trong việc tham vấn và giải trình ý kiến góp ý chính sách từ phía các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp.

Trong quy trình ban hành pháp luật hiện nay, giai đoạn lấy ý kiến doanh nghiệp - đối tượng chịu tác động của các quy định về kinh doanh, đã được coi trọng và đã có tác động rất hiệu quả tới chất lượng hệ thống văn bản ban hành. Song thực trạng trên cho thấy, việc tham vấn trong khá nhiều trường hợp chưa thực sự minh bạch. Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ chưa được tiếp cận dự thảo văn bản trong quá trình soạn thảo, như trường hợp của các doanh nghiệp trong ngành thép không gỉ. Hay như câu hỏi mà các doanh nghiệp đang vướng về quy định phòng cháy, chữa cháy gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư rằng, hầu hết nhà máy đã được xây dựng nhiều năm, không thể đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn theo quy định mới được ban hành, sửa đổi, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động...

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên một phần do cơ quan soạn thảo chính sách chưa nhận diện được đầy đủ tác động của các quy định khi ban hành, nhưng phần khác là do doanh nghiệp không nhận được sự giải trình về việc tiếp thu hay không tiếp thu ý kiến doanh nghiệp, không dự đoán được những thay đổi về cơ chế, chính sách... Và trong phần lớn trường hợp, doanh nghiệp là người chịu tác động tiêu cực hơn cả.

Nhưng doanh nghiệp không thể đủ sức lực, niềm tin để chịu mãi tình trạng này...

Tin bài liên quan