Dầu hướng tới tuần tăng thứ ba liên tiếp nhờ cắt giảm sản lượng của OPEC+

Dầu hướng tới tuần tăng thứ ba liên tiếp nhờ cắt giảm sản lượng của OPEC+

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dầu hướng tới tuần thứ ba tăng liên tiếp sau khi OPEC+ gây bất ngờ cho thị trường với việc cắt giảm sản lượng và hàng tồn kho của Mỹ giảm.

Hợp đồng tương lai dầu thô West Texas giảm xuống còn 80 USD một thùng, nhưng vẫn cao hơn gần 6% trong tuần này. Mức tăng hôm thứ Hai là lớn nhất trong một năm sau động thái bất ngờ của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh nhằm cắt giảm hơn 1 triệu thùng sản lượng hàng ngày từ tháng tới. Ả Rập Xê Út kể từ đó đã tăng giá tất cả các loại dầu bán cho khách hàng ở châu Á.

Dầu thô đã tăng khoảng 25% kể từ giữa tháng 3 sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng do khủng hoảng ngân hàng đã thúc đẩy người dân tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro hơn. Động thái của OPEC+ đã loại bỏ một số người bán khống mang tính đầu cơ, đẩy giá lên cao hơn khi kỳ vọng nhu cầu của Trung Quốc tăng lên, hàng tồn kho của Mỹ giảm và đồng USD suy yếu cũng nâng sức hấp dẫn của hàng hóa.

Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng cho biết, các kho dự trữ dầu thô thương mại ở Mỹ đã giảm 3,7 triệu thùng vào tuần trước. Tồn kho xăng và các sản phẩm chưng cất bao gồm dầu diesel đều giảm, trong khi tồn kho dầu thô tại trung tâm lưu trữ chính ở Cushing, Oklahoma cũng đã giảm tương tự.

James Whistler, Giám đốc điều hành của công ty môi giới Vanir Global Markets Pte cho biết: Việc cắt giảm sản lượng bất ngờ của OPEC vào đầu tuần này là một tín hiệu mạnh mẽ, cho thấy họ có động lực để giữ giá trên mốc 80 USD.

Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi dữ liệu về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ vào cuối ngày hôm nay, tiếp theo là số liệu bảng lương phi nông nghiệp vào thứ Sáu. Cả hai sẽ cung cấp thêm thông tin về các bước tiếp theo mà Cục Dự trữ Liên bang sẽ thực hiện trong bối cảnh đang có suy đoán sắp kết thúc chiến dịch thắt chặt tiền tệ.

Trước đó, Ngân hàng Goldman Sachs nâng dự báo giá dầu năm nay và năm sau, giá dầu lửa giao sau tăng mạnh ở các kỳ hạn xa. Điều này phản ánh kỳ vọng về sự thắt chặt nguồn cung trong tương lai và phiên giao dịch tại thị trường châu Á vốn thường ảm đạm bất chợt chứng kiến hàng trăm nghìn hợp đồng dầu được giao dịch. Giá xăng giao sau tại Mỹ cũng tăng vọt, cho thấy rủi ro lạm phát lớn từ việc OPEC+ giảm sản lượng.

Giá dầu thô tăng mạnh có thể đẩy cao lạm phát trong lúc tốc độ tăng giá vẫn còn ở mức cao tại nhiều nền kinh tế lớn. Điều này sẽ làm phức tạp thêm nhiệm vụ chống lạm phát của các ngân hàng trung ương, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong vòng 1 năm qua, Fed đã tăng lãi suất 9 lần và được cho là tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào tháng 5.

Theo bà Vandana Haria, nhà sáng lập công ty nghiên cứu Vanda Insights, động thái của OPEC+ có khả năng đẩy thị trường dầu vào tình trạng thiếu cung trong quý II năm nay, thay vì thừa cung như kỳ vọng trước đó.

Tin bài liên quan