Dầu thô tăng khi dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm

Dầu thô tăng khi dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá dầu tăng vào ngày thứ Năm (30/03), lý do là bởi đà sụt giảm lượng dự trữ dầu thô tại Mỹ và việc ngừng xuất khẩu dầu thô của khu vực Kurdistan của Iraq.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá dầu Brent tăng 99 cent (tương đương 1,3%) lên 79,27 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 1,41 USD (tương đương 1,9%) lên 74,38 USD/thùng.

Giá dầu tăng chủ yếu do đồng USD lao dốc khi thị trường đặt cược vào việc Fed sẽ giữ nguyên mức lãi suất vào tháng 5 và có kế hoạch hạ nhiệt lãi suất từ tháng 6/2023.

Lãi suất giảm sẽ giảm áp lực chi phí đối với các hoạt động kinh tế cũng như tiêu dùng của người dân, có thể kích thích các nhu cầu đi lại, qua đó thúc đẩy nhu cầu năng lượng, trong đó có dầu thô.

Giá dầu hôm nay cũng được hỗ trợ bởi lo ngại gián đoạn nguồn cung dầu từ từ khu vực bán tự trị của người Kurd ở miền Bắc Iraq và Nga cắt giảm sản lượng, dù mức cắt giảm thấp hơn dự kiến.

Để hỗ trợ giá dầu, các nhà sản xuất đã đóng cửa hoặc giảm sản lượng một số nhà sản xuất dầu ở khu vực bán tự trị Kurdistan ở miền Bắc Iraq sau khi đường ống xuất khẩu ở phía Bắc bị hỏng. Nhiều đợt mất điện liên tiếp cũng đang diễn ra trong khu vực này.

Iraq đã phải ngừng xuất khẩu dầu thô khoảng 450.000 thùng/ngày, tương đương 0,5% nguồn cung dầu toàn cầu, từ khu vực Kurdistan thông qua một đường ống chạy từ các mỏ dầu ở phía bắc Kirkuk đến cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, những thay đổi trong chính trị nội bộ Iraq có thể sớm dẫn đến một giải pháp chính trị bền vững, chuyên gia phân tích của Citi cho biết vào ngày hôm qua, ước tính lưu lượng đường ống có thể tăng thêm 200.000 thùng/ngày.

Giá dầu còn được hỗ trợ sau một báo cáo vào ngày 29/3 từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) rằng, kho dự trữ dầu thô tại Mỹ bất ngờ giảm trong tuần kết thúc ngày 24/03/2023 xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua.

Theo đó, dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm 7,5 triệu thùng, trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 100.000 thùng.

Giá dầu WTI của Mỹ ngày càng giảm so với dầu Brent đã góp phần khiến xuất khẩu dầu thô của Mỹ tăng vọt lên mức cao kỷ lục 5,6 triệu thùng/ngày. Bên cạnh đó, một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy, sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng tăng trong tháng 2.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều kỳ vọng giá dầu Brent sẽ đạt mức cao nhất là 90 USD/thùng trong nửa cuối năm nay.

Những yếu tố này đã bù đắp cho tâm lý tiêu cực của các nhà đầu tư sau khi sản lượng dầu thô của Nga bị cắt giảm thấp hơn dự kiến trong 3 tuần đầu tiên của tháng 3.

Sản lượng dầu thô của Nga giảm 300.000 thùng/ngày, thấp hơn mức mục tiêu giảm 500.000 thùng/ngày, tương đương khoảng 5% sản lượng dầu thô của Nga, Reuters cho biết.

Thị trường hiện đang chờ đợi chỉ số lạm phát và chi tiêu của Mỹ công bố vào ngày 31/3 và tác động của chỉ số lạm phát đến giá trị đồng USD.

Trong khi đó, OPEC+ có thể sẽ tuân theo thoả thuận hiện tại về việc cắt giảm sản lượng dầu tại cuộc họp vào ngày 03/04.

Ngoài ra, mức tiêu thụ nhiên liệu tinh chế của Trung Quốc trong năm nay có thể tăng mức 3% so với mức trước dịch COVID-19 vào năm 2019, tập đoàn năng lượng quốc gia PetroChina cho biết vào ngày thứ Năm.

Tin bài liên quan