Đầu tư bằng tiền thuế của dân, phải để dân giám sát

Đầu tư bằng tiền thuế của dân, phải để dân giám sát

(ĐTCK) Trong bối cảnh tình trạng lãng phí, tham nhũng trong đầu tư công gây nhức nhối dư luận, Dự án Luật Đầu tư công được chờ đợi sẽ tạo ra một hành lang pháp lý thống nhất và toàn diện để điều chỉnh hoạt động này.

Trong phiên thảo luận tại Nghị trường vừa qua, các đại biểu đều nhấn mạnh cần thiết sớm ban hành Luật Đầu tư công. Mục tiêu cơ bản được kỳ vọng là nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay; thiết lập được trật tự trong việc ra quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư.

Dự án luật quy định thống nhất việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công từ khâu xác định chủ trương đầu tư đến đánh giá, giám sát chương trình, dự án đầu tư công cũng như quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư công. Để ngăn chặn đầu tư dàn trải, Dự luật được đánh giá đã tạo ra sự thay đổi về chất đối với công tác lập kế hoạch đầu tư bằng việc chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cho rằng, nếu đọc qua có thể thấy chỉ thiên về trình tự, thủ tục, hồ sơ, nhưng nếu nghiên cứu kỹ sẽ thấy nhiều quy định trong dự luật này hoàn toàn mới so với các quy định hiện hành, nếu thực hiện nghiêm sẽ khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí hiện nay.

Theo đại biểu, các quy định mới về chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, phê duyệt các chương trình, dự án đầu tư công, lập kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ có tác động tích cực tới việc quản lý hiệu quả nguồn vốn đầu tư công.

“Thực hiện theo quy định này, chúng ta có thể mất thêm thời gian chuẩn bị, nhưng nếu thực hiện tốt sẽ khắc phục được việc phê duyệt chủ trương đầu tư tùy tiện, chủ quan như hiện nay, dẫn đến nhiều dự án đầu tư công không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực”, đại biểu Sơn nói.

Một điểm mới trong dự thảo lần này được quan tâm là đã luật hóa được các quy định về việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn: các dự án khi phê duyệt quyết định đầu tư phải xác định được nguồn vốn. Trên thực tế, trước khi triển khai thực hiện Chỉ thị 1792 CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc xác định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn không được quan tâm, nên nhiều dự án phê duyệt nhiều năm vẫn không bố trí được vốn hoặc bố trí vốn nhỏ giọt, kéo dài thời gian thi công hoặc phải điều chỉnh tổng mức đầu tư gây thất thoát, lãng phí nguồn lực.

Góp ý thêm, đại biểu Nguyễn Cao Sơn đề nghị bổ sung các quy định làm rõ trách nhiệm và các chế tài cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, bảo đảm các dự án đã được thẩm định vốn phải cân đối được nguồn vốn để thực hiện.

Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (TP. Cần Thơ) tán thành quy định về chức năng giám sát cộng đồng. Theo đại biểu, đầu tư công là sử dụng tiền thuế của nhân dân đóng góp hoặc tiền vay, nhưng cuối cùng người dân cũng sẽ là người có trách nhiệm đóng góp để trả nợ. Do đó, việc quy định giám sát đầu tư cộng đồng là hợp lý.

Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm để giám sát cộng đồng đạt hiệu quả như quy định chủ đầu tư phải công khai dự toán, thiết kế, kinh phí, thời gian hoàn thành, để nhân dân tham gia giám sát tiến độ thi công, chất lượng công trình, phát hiện tiêu cực...

Cùng quan điểm đại biểu Huỳnh Văn Tiếp về giám sát cộng đồng, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị cần có quy định cụ thể về cơ chế xử lý sau khi có kết quả kiểm tra, giám sát, đánh giá, thanh tra các kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công.

Nếu như kết quả có sự vi phạm các quy định của pháp luật thì cơ chế thực hiện xử lý như thế nào, thủ tục chuyển các ý kiến đánh giá cho đơn vị nào xử lý tùy theo mức độ vi phạm? Những nội dung này cũng cần được quy định cụ thể để các chế tài của Luật có tính khả thi.    

>>Luật Đầu tư công: Cần làm rõ giám sát cộng đồng

>>Sẽ tăng cường công tác quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán