Đầu tư tuần qua: Đề xuất tăng vốn làm đường bộ ven biển Thái Bình; khởi động dự án hơn 7.400 tỷ đồng tại Hải Phòng

Đầu tư tuần qua: Đề xuất tăng vốn làm đường bộ ven biển Thái Bình; khởi động dự án hơn 7.400 tỷ đồng tại Hải Phòng

Đề xuất tăng vốn đầu tư tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình lên 4.580 tỷ đồng; Hải Phòng khởi động dự án vành đai 2 tổng vốn đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng…

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Đắk Lắk tập trung cao độ giải phóng mặt bằng cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Trong cuộc họp ngày 3/8 gồm lãnh đạo Sở GTVT, các địa phương về tình hình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk, ông Phạm Ngọc Nghị đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung cao độ để thực hiện Dự án.

Phối cảnh Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.

Phối cảnh Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.

Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk khẳng định, Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì vậy các địa phương, đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án; đôn đốc việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Về mỏ vật liệu phục vụ Dự án, ông Phạm Ngọc Nghị đã giao Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường bám sát các quy định của pháp luật để tham mưu phương án phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; dự báo sớm những vấn đề liên quan đến mỏ vật liệu để chủ động giải quyết, tránh tình trạng cạn kiệt vật liệu trong quá trình thi công Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột…

Theo thống kê, các địa phương có dự án cao tốc đi qua trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, với Dự án thành phần 3, huyện Ea Kar đã bàn giao hơn 49 ha (đạt 58,6%); huyện Krông Pắc đã bàn giao 120,4 ha (đạt 54%); huyện Cư Kuin đã bàn giao 15,5 ha (đạt 63%). Hiện UBND tỉnh Đắk Lắk đã bố trí vốn cho Dự án thành phần 3 với số vốn hơn 1.359 tỷ đồng, lũy kế đã giải ngân trên 437,2 tỷ đồng.

Đối với Dự án thành phần 2, huyện Ea Kar đã bàn giao 11,6 ha (đạt 56,2%); huyện Krông Bông đã bàn giao 3,4 ha (đạt 1,8%); huyện M’Drắk chưa thực hiện bàn giao mặt bằng. Về tình hình bố trí vốn, Bộ Giao thông vận tải đã bố trí 1.000 tỷ đồng, đã giải ngân được hơn 17,8 tỷ đồng.

Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 116,577 km, tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng, được chia thành 3 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 1 có chiều dài 31,5 km do UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản; Dự án thành phần 2 có chiều dài 36,987 km do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản; Dự án thành phần 3 có chiều dài 48,09 km do UBND tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản.

Hải Phòng hối thúc giải phóng mặt bằng dự án xây dựng đường nối tỉnh lộ 354

Dự án Đầu tư xây dựng đường nối tỉnh lộ 354 qua khu công nghiệp Kiến Thụy đến đường bộ ven biển tại xã Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy) có chiều dài 14,8 km, theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng 4 làn xe cơ giới. Địa điểm xây dựng tại các xã: Ngũ Phúc, Kiến Quốc, Tân Trào, Đại Hà, Ngũ Đoan, Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy) và xã An Thọ, Mỹ Đức (huyện An Lão). Tổng mức đầu tư là 924,2 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2019 - 2024.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng các ngành và lãnh đạo địa phương kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu thi công bám sát kế hoạch, đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Ảnh: Hoàng Phước.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng các ngành và lãnh đạo địa phương kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu thi công bám sát kế hoạch, đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Ảnh: Hoàng Phước.

Mục tiêu dự án nhằm xây dựng tuyến đường kết nối với đường bộ ven biển, khu công nghiệp Kiến Thụy và ĐT.354 nhằm thu hút đầu tư trong khu vực, nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường bộ ven biển, giảm ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ vào trung tâm thành phố từ phía Tây và Tây Nam.

Qua cuộc kiểm tra tình hình thực hiện dự án, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng đã nghe các đơn vị báo cáo. Ông ghi nhận sự cố gắng nỗ lực của các địa phương trong công tác chỉ đạo điều hành thực hiện dự án, tuy nhiên, khối lượng thi công dự án chưa đạt yêu cầu. Còn 2 đơn vị nhà thầu chưa đạt yêu cầu theo đúng đường găng tiến độ và bảo đảm các mốc đề ra.

Theo báo cáo đến thời điểm này, UBND huyện Kiến Thụy đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB với tổng số 1.223 hộ dân (gồm 1.182 hộ có đất nông nghiệp). Còn 4 hộ (diện tích 1.347 m2, gồm 3 hộ dân xã Ngũ Phúc và 1 hộ dân ở xã Tân Trào) thuộc diện đất giao không đúng thẩm quyền, không đủ điều kiện bồi thường về đất ở. Hiện UBND huyện hoàn thiện hồ sơ xin chủ trương cưỡng chế.

Về phía huyện An Lão, có tổng số 275 hộ gồm 263 hộ đất nông nghiệp và 12 hộ đất nhận tiền đền bù, hỗ trợ, còn 4 hộ dân đang kiến nghị, chưa bàn giao 100% mặt bằng do đang đề nghị bổ sung tính toán thêm vật kiến trúc, cấp sổ đỏ…

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), về phía huyện An Lão, Phó chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương báo cáo thành phố về chủ trương bố trí vị trí tái định cư cho các hộ dân trong diện GPMB. Huyện An Lão xem xét tăng cường lực lượng hỗ trợ di chuyển các mộ phần trong quá trình thi công.

Đối với huyện Kiến Thụy, cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ cưỡng chế đối với khu vực đất trống tại xã Ngũ Phúc, sớm báo cáo thành phố. Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân sớm bàn giao mặt bằng, huyện cần rà soát chặt chẽ, kỹ lưỡng, khép lại hồ sơ chuẩn bị cưỡng chế đối với 1 hộ dân tại xã Tân Trào…

“Tiến độ dự án được gia hạn đến năm 2024, không thể gia hạn thêm, vì vậy, huyện Kiến Thụy cần khẩn trương đôn đốc các nhà thầu tăng cường vật tư, thiết bị, tăng tốc thi công, đáp ứng đúng yêu cầu. Các địa phương, đơn vị thường xuyên giao ban, kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh. Đối với các khu vực đã GPMB, cần sớm triển khai gia tải để bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình”, ông Thọ nhấn mạnh.

Hiện tại, 4/4 nhà thầu tập trung thi công các hạng mục đào bóc hữu cơ, đắp cát tôn nền đường... và thi công các hạng mục cầu cống trên toàn tuyến, tiến độ đạt hơn 38% khối lượng dự án.

Theo kế hoạch, việc di chuyển hệ thống điện phải hoàn thành trong tháng 7/2023, song đến nay tiến độ bị chậm. Đối với việc thi công nền đường, hiện mới hoàn thành đắp gia tải được 3.170/14.780 m. Cùng với khó khăn trong công tác GPMB, hiện dự án không có đường công vụ, đường cung cấp vật liệu vào công trình, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công…

Đề xuất tăng vốn đầu tư tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình lên 4.580 tỷ đồng

UBND tỉnh Thái Bình vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với Dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình.

Theo đó, UBND tỉnh Thái Bình, với vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền muốn người đứng đầu Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình, cụ thể là: được phép điều chỉnh tỷ lệ vốn Nhà nước cao hơn tỷ lệ theo chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.

“Đối với với phần vốn nhà nước tăng thêm do điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án, cho phép sử dụng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và nguồn vốn ngân sách tỉnh Thái Bình để thực hiện”, UBND tỉnh Thái Bình đề xuất.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình là một trong các dự án trọng điểm của tỉnh Thái Bình; việc đầu tư xây dựng tuyến đường góp phần quan trọng giúp tỉnh Thái Bình kết nối với TP. Hải Phòng, tỉnh Nam Định, các tỉnh ven biển, phía Nam đồng bằng sông Hồng và là động lực thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Thái Bình.

Dự án có điểm đầu kết nối với tuyến ven biển TP.Hải Phòng, điểm cuối kết nối với tỉnh Nam Định. Tuyến đường được xây dựng theo quy mô đường cấp III đồng bằng, rộng 12 m với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 28/3/2018 với tổng mức đầu tư 3.872 tỷ đồng; trong đó vốn nhà nước tham gia dự án là 2.693 tỷ đồng, tương ứng 66,7% tổng mức đầu tư (gồm: Ngân sách Trung ương 1.100 tỷ đồng, Ngân sách địa phương 1.593 tỷ đồng); vốn BOT (vốn chủ sở hữu và vốn vay) là 1.289 tỷ đồng, tương ứng 33.33%.

Theo Hợp đồng BOT được UBND tỉnh Thái Bình và nhà đầu tư ký ngày 13/2/2019 (trước ngày Luật PPP có hiệu lực), vốn nhà đầu tư tham gia Dự án chiếm tỷ lệ 33,3% tổng mức đầu tư (bao gồm cả lãi vay) để thực hiện xây dựng cầu vượt sông Hồng; vốn nhà nước tham gia Dự án chiếm tỷ lệ 66,7% tổng mức đầu tư (bao gồm cả lãi vay) để thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng toàn bộ phần đường, các cầu còn lại của dự án và thanh toán chi phí do cơ quan Nhà nước tổ chức thực hiện.

Khi triển khai thực hiện Dự án, do ảnh hưởng của các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như: đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraina, khan hiếm nguyên vật liệu (cát) và giá cả các tăng cao; chi phí giải phóng mặt bằng thực tế lớn hơn so với dự kiến (khoảng 250 tỷ đồng), nên tổng mức đầu tư Dự án tăng quá 10% so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Ngày 9/12/2021, UBND tỉnh Thái Bình có Tờ trình số 213/TTr-UBND đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án (trong đó điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 3.872 tỷ đồng lên 4.580 tỷ đồng và điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án tăng từ 66,7% lên 71,8% tổng mức đầu tư).

Tuy nhiên, theo báo cáo của nhà đầu tư tại thời điểm tháng 7/2023, sau khi tính toán lại phương án tài chính của dự án do bổ sung, cập nhật thêm chi phí trượt giá của năm 2022 và khảo sát lại lượng xe của tuyến đường ven biển, dự kiến tổng mức đầu tư điều chỉnh của Dự án là 4.984 tỷ đồng (tăng 1.112 tỷ đồng so với tổng mức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tăng 404 tỷ đồng so với tổng mức trình điều chỉnh lần đầu), trong đó vốn nhà nước tham gia dự án 4.233 tỷ đồng (tăng 1.640 tỷ đồng so với số đã được phê duyệt), chiếm 84,9% tổng mức đầu tư điều chỉnh, vốn nhà đầu tư là 751 tỷ đồng (giảm 538 tỷ đồng so với số đã được phê duyệt), chiểm 15,1% tổng mức đầu tư điếu chỉnh.

Trên cơ sở nội dung yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định liên ngành) tại Công văn số 4681/BKHBT-GSTĐĐT ngày 12/7/2022 về việc giải trình, bổ sung hồ sơ điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đàu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình theo hợp đồng BOT, UBND tỉnh Thái Bình giao các đơn vị liên quan của tỉnh phối hợp với nhà đầu tư rà soát, giải trình hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

UBND tỉnh Thái Bình và các cơ quan chức năng của tỉnh đã nhiều lần đàm phán với nhà đầu tư về tỷ lệ các nguồn vốn tham gia dự án theo ý kiến của Bộ Tư pháp (không tăng tỷ vốn nhà nước trong Dự án cao hơn tỷ lệ đã được Thủ tưởng Chỉnh phủ phê duyệt tại Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 28/3/2018).

Tuy nhiên, nhà đầu tư không nhất trí, vì cho rằng, Luật PPP không có điều khoản quy định là không được điều chỉnh tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia Dự án đối với các dự án chuyển tiếp có tỷ lệ vốn lớn hơn 50% tồng mức đầu tư; việc tăng tổng mức đầu tư của dự án cơ bản thuộc các hạng mục được thực hiện bằng nguồn vốn Nhà nước tham gia dự án, nên chi phí tăng thêm nhà nước phải bố trí bổ sung vốn để thực hiện.

“Do Luật PPP chưa quy định cụ thể đối với trường hợp này, nên đến nay, UBND tỉnh Thái Bình và nhà đầu tư vẫn chưa thống nhất được hướng giải quyết, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Dự án”, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình thông tin.

Kiến nghị tạo cơ chế để kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề

Hiện nay, khoảng 70 - 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải vận chuyển đến cụm cảng TP.HCM, Đông Nam Bộ, làm tăng chi phí vận chuyển mỗi tấn hàng từ 6 - 8 USD, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng chất lượng hàng hóa, giảm sức cạnh tranh với hàng hóa cùng loại của các nước trên thị trường thế giới.

Vị trí bến cảng Trần Đề trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Vị trí bến cảng Trần Đề trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, tỉnh Sóc Trăng (doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm hàng năm đạt kim ngạch khoảng 250 triệu USD) bày tỏ: “Hơn 27 năm qua, chúng tôi phải vận chuyển hàng hóa xuất khẩu tới các cảng thuộc TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cung đường khá xa, phí vận chuyển hai chiều khoảng 1.000 USD/chuyến. Nhưng điều đáng ngại là quãng đường xa đó tiềm ẩn nhiều rủi ro như kẹt xe, sự cố giao thông khác... có thể làm hàng không tới cảng kịp thời, sẽ gây thiệt hại cho hoạt động chung. Do vậy, khi nghe quy hoạch cảng nước sâu tại Trần Đề chúng tôi hết sức vui mừng”.

Tại Hội thảo về đầu tư cảng biển Trần Đề tổ chức sáng ngày 7/8/2023 tại Sóc Trăng, các đại biểu đều có chung quan điểm, để tháo gỡ nút thắt trong hoạt động vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, mà trọng tâm là giảm dần chi phí logistics của vùng ĐBSCL, việc đầu tư bến cảng Trần Đề cho tàu biển trọng tải lớn để làm hàng xuất nhập khẩu trực tiếp cho toàn vùng ĐBSCL là cấp thiết.

Việc đầu tư cảng Trần Đề còn mở ra cơ hội thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực phát triển cho các địa phương trong Vùng.

Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL xác định rõ đến năm 2030 phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ Vùng.

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 phê duyệt Kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Theo đó, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư Khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn 50.000 tỷ đồng.

Với những định hướng và chủ trương nêu trên, đã khẳng định các cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng để hình thành cảng biển Trần Đề với vai trò là cảng cửa ngõ cho vùng ĐBSCL.

Quy mô cảng được hoạch định trong các quy hoạch đã tính toán phù hợp với vai trò chức năng là cảng cửa ngõ làm hàng xuất nhập khẩu trực tiếp vùng ĐBSCL, tiếp chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho Campuchia và các nước tiểu vùng sông Mekong theo các tuyến đường thủy nội địa và kết hợp trung chuyển (chuyển tải) than nhập khẩu cho các trung tâm điện lực ĐBSCL.

Năng lực thông qua bến cảng ngoài khơi đến năm 2030 đạt khoảng 30-35 triệu tấn/năm, định hướng phát triển với công suất có thể đạt 80 đến 100 triệu tấn/năm; tổng vốn thực hiện giai đoạn 1 ước tính khoảng 51.000 tỷ đồng với nguồn vốn đầu tư chủ yếu được thực hiện trên cơ sở huy động các nguồn lực xã hội.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, bên cạnh những lợi thế trong phát triển cảng Trần Đề thì chi phí cho việc đầu tư cảng này tương đối lớn, thời gian hoàn vốn lâu nên cần phải có chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đầu tư vào cảng.

Ông Thi Ha, đại diện Công ty Nippon Koei (Nhật Bản) đánh giá cao lợi đầu tư cảng Trần Đề. Tuy nhiên, theo ông, để phát triển cảng Trần Đề, cần xây dựng hai khu cảng (cảng ngoài khơi và cảng phía bờ) cùng với công trình cầu kết nối hai khu cảng này 18 km. Do đó, yêu cầu đầu tư khu vực tư nhân rất lớn, trong khi khối lượng hàng hóa dự kiến chưa đủ lớn so với các cảng chính khác. Vì thế, vấn đề cần đặt ra ở đây là làm thế nào để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân vào cảng Trần Đề.

Từ đó, ông Thi Ha khuyến nghị, Trung ương hỗ trợ đầu tư thêm một số một số hạng mục như công trình cầu kết nối giữa hai khu cảng để giảm bớt gánh nặng đầu tư cho khu vực tư nhân…

Đây cũng là ý kiến của ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn T&T. Ông Tuấn đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ vốn đầu tư cầu dẫn 18 km để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng Trần Đề. Bởi đây là đường giao thông dùng chung cho cả hệ thống cảng nên việc sử dụng ngân sách nhà nước sẽ khả thi, dễ quản lý, mang lại hiệu quả đầu tư cũng như giảm đi phần nào áp lực đối với nguồn vốn đầu tư tư nhân.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng đề xuất áp dụng chính sách ưu đãi thuế và các ưu đãi khác đối với các hoạt động liên quan đến cảng và các dịch vụ hậu cần. Theo ông, điều này sẽ giúp tăng sức cạnh tranh của cảng Trần Đề trên thị trường khu vực và quốc tế, tạo động lực thu hút đầu tư cảng này.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Xuân Sang đồng tình với ý kiến của các đại biểu khi cho rằng, phát triển cảng Trần Đề là sự lựa chọn tối ưu cho phát triển vùng ĐBSCL.

Ông Sang nhấn mạnh, cảng Trần Đề sẽ giống như các bến cảng khác là sẽ đầu tư xây dựng chủ yếu bằng nguồn kinh phí của doanh nghiệp, nhưng chỗ nào là kết cấu hạ tầng công cộng thì nhà nước sẽ đầu tư.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang giao Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan của Bộ Giao thông - Vận tải tiếp thu đầy đủ, toàn diện những ý kiến kiến nghị của đại biểu tại Hội thảo để đưa ra những giải pháp tối ưu trong quy hoạch, lộ trình quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước, lộ trình đầu tư cảng biển Trần Đề.

“Với kết quả nghiên cứu mấy năm qua, với đánh giá của nhà đầu tư, doanh nghiệp, tôi có niềm tin về tính khả thi của cảng nước sâu Trần Đề phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL”, ông Nguyễn Xuân Sang bày tỏ.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn nhấn mạnh, Dự án cảng Trần Đề là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng ĐBSCL; có tính chất hỗ trợ thúc đẩy các lĩnh vực ngành nghề khác cùng phát triển.

Tuy nhiên, dự án có vốn đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, được đầu tư trên địa bàn đặc biệt khó khăn. Do vậy, tỉnh Sóc Trăng đề nghị các Bộ ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong việc xây dựng khung pháp lý, tạo cơ chế để kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân và xem xét hỗ trợ một phần từ nguồn ngân sách trung ương cho các kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng như đê chắn sóng, luồng tàu, báo hiệu hàng hải…

Với quyết tâm cao nhất, Tỉnh uỷ Sóc Trăng sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành cảng biển Trần Đề. Sau buổi làm việc hôm nay, chúng tôi sẽ chỉ đạo các ngành liên quan tập trung tham mưu các cấp uỷ, chính quyền trong tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề.

"Chúng tôi hết sức lưu ý các ý kiến, đề xuất của đại biểu, các nhà đầu tư, hiệp hội... để đưa vào các đề xuất kiến nghị trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, như: các cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi nhằm kêu gọi các nhà đầu tư có đầy đủ tiềm lực đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư cảng biển Trần Đề“, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng chia sẻ.

Doanh nghiệp FDI có thể tìm thấy cơ hội đầu tư từ Nghị quyết 98

TP.HCM sẽ sớm thông tin về nội dung của Nghị quyết 98 đến cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan đại diện nước ngoại tại Thành phố. Doanh nghiệp có thể tìm thấy cơ hội đầu tư trong Nghị quyết 98.

Đây là thông tin được ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin đến nhà đầu tư Hoa Kỳ tại chương trình gặp gỡ và thảo luận về thương mại và đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ diễn ra tối 7/8 tại TP.HCM.

Nhà đầu tư Hoa Kỳ thăm Trung tâm Đào tạo điện tử quốc tế (IETC) thuộc Khu Công nghệ cao TP.HCM ngày 7/8.

Nhà đầu tư Hoa Kỳ thăm Trung tâm Đào tạo điện tử quốc tế (IETC) thuộc Khu Công nghệ cao TP.HCM ngày 7/8.

Phát biểu trước sự chứng kiến ông đảo của cộng đồng doanh nghiệp TP. Oakland (bang California, Hoa Kỳ), ông Võ Văn Hoan cho biết, hiện nay Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là nhà đầu tư lớn thứ 10 của TP.HCM với nhiều Dự án đầu tư nổi bật trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.

Phó chủ tịch Võ Văn Hoan đánh giá, TP. HCM và Hoa Kỳ có nhiều tiềm năng hợp tác, đặc biệt là trong các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố mà Hoa Kỳ có thế mạnh như công nghệ thông tin, công nghệ cao, y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý đô thị và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Với mục tiêu xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh vào năm 2025 và trung tâm kinh tế - tài chính khu vực vào năm 2045, TP.HCM rất mong muốn hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Ông Hoan cũng thông tin đến nhà đầu tư rằng, gần đây Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố.

Sau khi Nghị quyết được ban hành Thành phố đang khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện Nghị quyết sớm mang lại hiệu quả tích cực cho người dân, doanh nghiệp.

“Thành phố sẽ sớm có buổi thông tin về Nghị quyết 98 đến cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan đại diện nước ngoại tại TP.HCM. Từ Nghị quyết 98 doanh nghiệp có thể tìm thấy cơ hội đầu tư vào Thành phố. Nghị quyết 98 là nền tảng quan trọng để Thành phố thực hiện hóa các cam kết đối với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài” ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Theo Nghị quyết 98, TP.HCM được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD).

Bên cạnh đó, Thành phố được đầu tư các dự án nâng cấp, mở rộng đường bộ hiện hữu, đường phố chính đô thị, đường trên cao theo hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT). Thành phố cũng được đầu tư dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT).

Ngoài ra, Nghị quyết 98 còn cho phép TP.HCM được đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với lĩnh vực thể thao và văn hóa.

Hải Phòng khởi động dự án vành đai 2 tổng vốn đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng

Dự án đầu tư đường vành đai 2 đoạn tuyến Tân Vũ - Hưng Đạo - đường Bùi Viện có tổng chiều dài khoảng 10,6 km qua địa phận quận Hải An, Dương Kinh và Kiến An (TP. Hải Phòng)

Theo Nghị quyết 24/NQ-HĐND, chủ trương đầu tư Dự án đầu tư đường vành đai 2 đoạn tuyến Tân Vũ - Hưng Đạo - đường Bùi Viện với mục tiêu hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng khung đô thị thành phố. Tạo tiền đề để phát triển các khu vực đô thị mới, góp phần xây dựng đô thị hiện đại, nhằm khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa bàn các quận có tuyến đường đi qua và trên địa bàn TP. Hải Phòng.

Sơ đồ - Bản quy hoạch giao thông thành phố Hải Phòng đến năm 2035.

Sơ đồ - Bản quy hoạch giao thông thành phố Hải Phòng đến năm 2035.

Dự án đã được UBND TP. Hải Phòng phê duyệt tại quyết định số 709/QĐ-UBND ngày 21/3/2023 với tổng mức đầu tư hơn 7.439 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Trong đó, phần xây dựng cầu là hơn 1.739 tỷ đồng, phần xây dựng đường là hơn 1.535 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật là hơn 3.096 tỷ đồng, còn lại là chi phí quản lý, tư vấn đầu tư, chi phí dự phòng và các chi phí khác.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng, Gói thầu số 11 Tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng; lập hồ sơ mời thầu gói thầu xây lắp (giá dự toán 110,823 tỷ đồng) đang được đấu thầu rộng rãi qua mạng. Dự kiến sẽ đóng thầu vào ngày 15/8/2023.

Trong quý IV/2023, sẽ đấu thầu Gói thầu số 20 Đoạn tuyến từ nút giao đường Liên Phường đến hết nút giao cầu vượt Hải Thành có mức đầu tư là 2.627,504 tỷ đồng. Quý III/2024 sẽ đấu thầu Gói thầu số 21 đoạn tuyến từ cuối nút giao cầu vượt Hải Thành đến đầu nút giao cầu vượt đường Bùi Viện mức đầu tư là 876 tỷ đồng và Gói thầu số 22 Nút giao cầu vượt đường Bùi Viện là 487 tỷ đồng.

Dự án có quy mô đầu tư xây dựng tuyến đường từ nút giao Tân Vũ - Hưng Đạo - đường Bùi Viện với tổng chiều dài khoảng 10,6km gồm các hạng mục: Xây dựng đoạn Tân Vũ-cầu Hải Thành và đoạn Hưng Đạo-đường Bùi Viện có Bnền=37m, mặt đường 8 làn xe; Xây dựng đoạn từ đường tỉnh 353-Hưng Đạo có Bnền=68m, mặt đường 8 làn xe; Xây dựng hè đường 2 bên theo quy hoạch; Xây dựng cầu Hải Thành vượt sông Lạch Tray với chiều dài khoảng 1.257,5m, bề rộng cầu 32m gồm 8 làn xe, xây dựng 2 nhánh cầu để kết nối giữa đường tỉnh 353 với cầu Hải Thành, chiều rộng cầu nhánh 7,0m gồm 2 làn xe chạy; Xây dựng cầu vượt nút giao đường Bùi Viện với chiều dài cầu khoảng 250m, bề rộng mặt cầu 25m gồm 6 làn xe.

Các hạng mục khác trên tuyến như: Xây dựng hè đường đối với đoạn từ cầu Hải Thành đến nút Hưng Đạo, thoát nước mưa, chiếu sáng, cây xanh, hào kỹ thuật… được đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy mô mặt cắt ngang từng đoạn tuyến.

Bên cạnh đó, xây dựng hoàn thiện các hạng mục còn lại của nút giao Tân Vũ trước đây đã được Bộ Giao thông vận tải đầu tư xây dựng giai đoạn 1 để tạo thành nút giao khác mức hoa thị hoàn chỉnh với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tổng chiều dài các nhánh khoảng 2,2km (cả đường dẫn và cầu dẫn).

Tuyến đường vành đai 2 khi hoàn thành sẽ là tuyến đường phân luồng xe container ra khỏi khu vực trung tâm thành phố để tránh ùn tắc giao thông, giảm nguy cơ mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.Tuyến đường hình thành sẽ rút ngắn hành trình, giảm thời gian xe chạy từ khu vực cụm cảng Hải Phòng (cảng Hải Phòng, cảng Chùa Vẽ, cảng Đình Vũ, cảng Lạch Huyện…) theo Quốc lộ 5, Quốc lộ 10 và các tuyến đường tỉnh để vận chuyển hàng hóa, hành khách đi các tỉnh, thành phố. Từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế cảng biển của Hải Phòng.

TP.HCM chọn 5 dự án BOT triển khai theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98

Sở GTVT TP.HCM đề xuất 5 dự án BOT với tổng mức đầu tư hơn 37.000 tỷ đồng để triển khai theo cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98.

Quốc lộ 13 thường xuyên xảy ra kẹt xe do đường chưa được mở rộng. Dự án này được đề xuất mở rộng theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 - Ảnh: Lê Quân

Quốc lộ 13 thường xuyên xảy ra kẹt xe do đường chưa được mở rộng. Dự án này được đề xuất mở rộng theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 - Ảnh: Lê Quân

Ngày 9/8, Sở GTVT TP.HCM lấy ý kiến về danh mục Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng các tuyến đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng BOT theo cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/8.

Sau khi rà soát 107 tuyến đường, Sở GTVT TP.HCM đề xuất 5 dự án đường bộ BOT mang tính liên kết vùng để đầu tư theo Nghị quyết 98.

Đầu tiên là Dự án mở rộng Quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu) dài 4,6 km sẽ được mở rộng lên 53 – 60 m với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 8.600 tỷ đồng.

Sở GTVT TP.HCM đề xuất bố trí ngân sách Nhà nước 50% (4.996 tỷ đồng) và doanh nghiệp đầu tư dự án 50%.

Dự án thứ hai là mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An dài 9,6 km, tổng mức đầu tư gần 12.900 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 7.700 tỷ đồng. Dự án này cũng được đề xuất ngân sách nhà nước tham gia với tỷ lệ 50% là 6.438 tỷ đồng và doanh nghiệp đầu tư dự án 50%.

Dự án thứ ba là mở rộng Quốc lộ 22 từ ngã tư An Sương đến Vành đai 3 dài 9,1 km sẽ mở rộng lên gần 40 m với kinh phí 3.609 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách TP.HCM tham gia đầu tư với tỷ lệ 67% ( tương đương 2.409 tỷ đồng) để giải phóng mặt bằng, còn doanh nghiệp tham gia 33% khoảng 1.200 tỷ đồng để xây lắp.

Dự án thứ tư là trục đường Bắc – Nam (từ Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm) dài 7,5 km, được đề xuất mở rộng từ 4 làn xe lên 10 làn xe với tổng mức đầu tư gần 4.500 tỷ đồng.

Về cơ cấu vốn tại dự án này, ngân sách TP.HCM tham gia thực hiện với tỷ lệ 70% (hơn 3.131 tỷ đồng) và doanh nghiệp tham gia 30%(hơn 1.342 tỷ đồng).

Cuối cùng là Dự án cầu đường Bình Tiên (đi qua Quận 6, 8 và huyện Bình Chánh) tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng. Dự án này được đề xuất ngân sách nhà nước tham gia với tỷ lệ 54% (hơn 3.300 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng) và doanh nghiệp tham gia 46% (gần 2.900 tỷ đồng xây lắp).

Tính chung tổng mức đầu tư của 5 dự án BOT là hơn 37.000 tỷ đồng, Sở GTVT TP.HCM đề xuất ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2023 – 2030.

Nêu lý do đề xuất 5 dự án BOT ở các cửa ngõ, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết việc lựa chọn các dự án dựa vào 5 tiêu chí gồm: dự án có tính kết nối vùng; địa điểm thường xuyên kẹt xe gây bức xúc nhất; tính khả thi; ưu tiên các dự án mà vốn góp của Nhà nước tham gia ít nhất hoặc vốn của nhà đầu tư tham gia nhiều nhất; tác động đến kinh tế xã hội của Thành phố.

Ông Lâm cho biết dựa trên 5 tiêu chí Sở GTVT sẽ lên danh mục dự án đợt 1 để trình gửi UBND Thành phố xem xét để trình HĐND ban hành trong tháng 9/2023. Sau đó, dựa trên các tiêu chí nghiên cứu thì ngành giao thông sẽ tiếp tục bổ sung các dự án khác trong các đợt tiếp theo.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng, cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98 vừa ban hành có thời hạn 5 năm, do đó TP.HCM cần nhanh chóng lựa chọn những dự án BOT cấp bách, khả thi để giải quyết ùn tắc giao thông.

Quảng Trị kiến nghị các giải pháp đẩy nhanh tiến độ Dự án Điện khí LNG Hải Lăng

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh vừa có các kiến nghị gửi Bộ Công thương về triển khai các giải pháp sớm hoàn thiện Dự án Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1.

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công thương Quảng Trị tỉnh kiến nghị các giải pháp về Dự án Điện khí LNG Hải Lăng với Bộ Công thương. Ảnh: Tiến Nhất.

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công thương Quảng Trị tỉnh kiến nghị các giải pháp về Dự án Điện khí LNG Hải Lăng với Bộ Công thương. Ảnh: Tiến Nhất.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với Tổ hợp nhà đầu tư gồm liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, Tổng công ty Năng lượng Hanwha (HEC), Tổng công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS) và Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO).

Hiện Tổ hợp nhà đầu tư đã ký hợp đồng với Viện Năng lượng (đơn vị tư vấn chính) và Tư vấn quốc tế Tractebel (tư vấn phụ) để thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở và các báo cáo chuyên ngành liên quan đối với Dự án Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 (1.500 MW).

Tỉnh Quảng Trị đang tiến hành công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất và cho thuê đất theo phương án điều chỉnh tổng mặt bằng Dự án cho giai đoạn 1 là 58,8 ha.

Theo Giám đốc Sở Công thương, để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án, tỉnh Quảng Trị kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải Điện Quốc gia hỗ trợ nhà đầu tư trong việc đấu nối dự án với hệ thống điện quốc gia để giải tỏa công suất.

Ngoài ra, Bộ Công thương quan tâm thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án khi chủ đầu tư trình; hướng dẫn UBND tỉnh Quảng Trị và Tổ hợp nhà đầu tư về tên gọi dự án để thống nhất trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan.

Cùng với đó, Bộ Công thương quan tâm, hướng dẫn các nội dung liên quan về công tác đầu tư xây dựng kho cảng LNG Hải Lăng; có ý kiến về khu vực quy hoạch Kho khí (ký hiệu số 9), kho dầu (ký hiệu số 10) có diện tích là 155 ha trong Quy hoạch chung Khu kinh tếkhông chồng lấn với các quy hoạch khác (Quy hoạch phát triển ngành khí; Quy hoạch năng lượng; Quy hoạch dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu…)

Liên quan đến dự án này, tại cuộc họp giữa Bộ Công thương với các tỉnh, thành phố có dự án nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 diễn ra vào ngày 9/8; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu tổ hợp nhà đầu tư hoàn thành và trình báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) chậm nhất trong tháng 9/2023 để thẩm định, phê duyệt và phấn đấu khởi công dự án trong quý III/2024.

Bộ Giao thông công bố nguyên nhân ngập cục bộ tại cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Bộ GTVT vừa công bố nguyên nhân việc ngập nước cục bộ tại lý trình Km25+419 trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vào ngày 29/7/2023 vừa qua.

Theo đó, ngay khi tiếp nhận sự việc, Bộ GTVT đã cử đoàn công tác bao gồm các cơ quan chuyên môn, đơn vị xây lắp, đơn vị tư vấn, chuyên gia thủy văn có kinh nghiệm tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường, đánh giá chi tiết điều kiện địa hình, thủy văn thượng lưu và hạ lưu khu vực ngập, rà soát hồ sơ khảo sát, thiết kế.

Nguyên nhân ngập được Bộ GTVT chỉ ra là do đoạn tuyến nằm sát sông Phan, phía thượng lưu có đập Sông Phan cách vị trí ngập 8,6 km. Các đập nói chung sau khi đưa vào vận hành, dòng chảy phía hạ lưu thường có biến đổi. Sau khi kiểm tra, các chuyên gia đánh giá từ vị trí cống về phía hạ lưu cầu sông Phan lòng sông, suối có hệ thực vật xâm lấn, bồi lắng làm thu hẹp dòng chảy, gây dềnh ứ nước cục bộ dẫn đến mực nước tại khu vực cống dâng cao, gây ngập đường.

Bộ GTVT cũng cho biết, quá trình thi công, các đơn vị đã thực hiện theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt, đảm bảo yêu cầu về chất lượng.

Đơn vị tư vấn thiết kế đã thực hiện điều tra khảo sát mực nước lũ lịch sử cao nhất vào năm 1992 tại vị trí cống là 43,14m và tính toán khẩu độ cống. Kết quả rà soát lại lưu vực và các thông số đầu vào cho thấy vị trí cống Km25+419 được thiết kế với khẩu độ (2,5x2,5) m đáp ứng yêu cầu thoát nước của lưu vực tự nhiên phía thượng lưu. Tại thời điểm xảy ra ngập, mặc dù lượng mưa chưa đạt tới tần suất tính toán nhưng cao độ đã lên đến 45,23m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử, là yếu tố bất thường cần phải nghiên cứu, làm rõ.

Các chuyên gia đánh giá đây là tuyến mới, khu vực tuyến đi qua tại thời điểm khảo sát dân cư thưa thớt, việc điều tra số liệu thủy văn khó khăn, tư vấn chưa lường hết được việc thu hẹp dòng chảy phía hạ lưu cống dẫn đến dềnh ứ nước cục bộ. Việc tính toán cao độ thiết kế theo tần suất 1% tại vị trí cống mà chưa xét đến mực nước dềnh là trách nhiệm của đơn vị tư vấn mặc dù không phải là lỗi cố ý.

Bộ GTVT đã có chỉ đạo ban đầu để xử lý khắc phục, khẩn trương đưa tuyến vào lưu thông bình thường.

Trước mắt, các chuyên gia đề xuất cần tổ chức thanh thải các chướng ngại vật lòng sông từ vị trí cống về phía hạ lưu cầu sông Phan để tăng khả năng thoát nước và hạ thấp cao độ mực nước dềnh tại vị trí cống.

Giải pháp này có chi phí thấp, có thể thực hiện ngay và chủ đầu tư đang chỉ đạo thực hiện hoàn thành trong tháng 8/2023. Toàn bộ chi phí thực hiện do tư vấn chi trả.

Để đảm bảo ổn định công trình lâu dài, do chế độ thủy văn khu vực hạ lưu các đập thường rất phức tạp, chủ đầu tư cần thuê một đơn vị tư vấn đầu ngành để tiến hành khảo sát tính toán, xây dựng mô hình toán cho toàn bộ khu vực, từ đó xác định mực nước tương ứng với tần suất thiết kế của Dự án. Căn cứ cao độ mực nước tính toán và các số liệu đảm bảo toàn diện, khoa học, có tính chính xác cao, sẽ xem xét, quyết định giải pháp. Trường hợp cần thiết, có thể nâng cao độ đường đỏ khu vực ngập nếu cao độ tính toán cao hơn cao độ tuyến hiện tại. Hiện nay, Ban QLDA Thăng Long đang chỉ đạo các đơn vị thực hiện các nội dung này.

Nghệ An gia hạn tiến độ thực hiện đối với 12 dự án đầu tư

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Quyết định số 2287/QĐ.UBND phê duyệt kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành năm 2022 về việc kiểm tra các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An (đợt 1).

Dự án Khu thương mại và dịch vụ tổng hợp của Công ty CP Dịch vụ thương mại Vinh Thịnh Vượng tại Phường Vinh Tân, TP Vinh thời gian gia hạn đến Quý III/2024;

Trung tâm thương mại dịch vụ Tuấn Hoài do Công ty TNHH Đầu tư phát triển Hoàng Tuấn làm chủ đầu tư, tại Phường Vinh Tân, TP Vinh được gia hạn đến Quý III/2023;

Khu kinh doanh hàng nông sản, văn phòng làm việc và kho của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu dịch vụ thương mại tổng hợp tại xã Nghi Liên, TP Vinh được gia hạn 24 tháng kể từ ngày Quyết định này ban hành;

Trung tâm kinh doanh vật liệu xây dựng của Công ty TNHH Thương mại Sơn Thanh tại xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu được gia hạn đến ngày 20/9/2023;

Cửa hàng xăng dầu và dịch vụ thương mại Hoàng Lan của doanh nghiệp tư nhân Hoàng Lan.

Tại xã Quỳnh Bá, huyện Quỳnh Lưu được gia hạn đến ngày 31/3/2024;

Khu sản xuất giống cây trồng nông nghiệp công nghệ cao của Công ty CP Nông nghiệp Miền Trung tại xã Quỳnh Bá, huyện Quỳnh Lưu được gia hạn đến ngày 08/4/2024;

Trung tâm dịch vụ, thương mại tổng hợp và trưng bày sản phẩm quê hương của Công ty TNHH Bảo Long Miền Trung tại xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn được gia hạn đến ngày 28/11/2024;

Cửa hàng xăng dầu Nam Thanh của Công ty TNHH Đầu tư XD và TM Đại Hiệp thuộc xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn được gia hạn đến Quý I/2024;

Văn phòng, kho trung chuyển và dịch vụ tổng hợp Quang Nhàn tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc của Công ty TNHH Đầu tư tổng hợp Đại Lâm Mộc được gia hạn đến ngày 23/5/2024;

Khu dịch vụ thương mại kết hợp vui chơi giải trí Hoàng Mai Ecosport tại phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai của Công ty TNHH MTV Trung An Khang được gia hạn đến Quý II/2024;

Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp Hoàng Mai tại phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai đầu tư bởi Hộ kinh doanh Hồ Hữu Thành được gia hạn đến Quý I/2024;

Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao của Công ty TNHH Nhật Hà Nghệ An tại xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ đến Quý III/2024.

Cũng tại Quyết định này, UBND tỉnh cho phép 6 dự án khác tiếp tục thực hiện theo tiến độ đã được chấp thuận gồm: Dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa Quê Hương do Công ty TNHH 115 Phú Hậu làm chủ đầu tư tại xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu, Dự án xây dựng Trung tâm thương mại và dịch vụ khách sạn, nhà hàng của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Bảo Toàn Phát Phường tại Vinh Tân, thành phố Vinh; Dự án xây dựng Trung tâm kinh doanh thương mại và dịch vụ tổng hợp của Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Trường Thi tại xã Hưng Đông, thành phố Vinh; Dự án xây dựng Cửa hàng xăng dầu Hưng Đông của Công ty TNHH Xuất khẩu và dịch vụ Đình Nguyên tại xã Hưng Đông, thành phố Vinh; dự án Trồng cây ăn quả và cây lấy gỗ Núi Tiên của Công ty TNHH Phát triển chăn nuôi giống gia súc tại xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn và dự án Khu điều hành và chế biến đá xây dựng mỏ Khe Diêm của Công ty CP Vật liệu 99 tại xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn.

UBND tỉnh yêu cầu Nhà đầu tư đến trực tiếp Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày được cho phép gia hạn (Đối với các dự án chưa thực hiện ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án); trường hợp quá thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày được UBND tỉnh cho phép gia hạn, nhà đầu tư không thực hiện nghĩa vụ ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án, cơ quan Nhà nước sẽ chấm dứt hoạt động dự án theo quy định, nhà đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm về các chi phí đã bỏ ra.

Đồng thời, Nhà đầu tư có văn bản cam kết về việc hoàn thành dự án đúng tiến độ được UBND tỉnh cho phép gia hạn tại Quyết định này, gửi UBND tỉnh, các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp huyện có liên quan nơi có dự án trước khi thực hiện các bước tiếp theo của dự án theo đúng quy định. Tập trung nguồn lực, khẩn trương triển khai xây dựng để hoàn thành dự án theo đúng quy định của pháp luật và thời gian được UBND tỉnh cho phép gia hạn; trường hợp thực hiện không đúng tiến độ được gia hạn, Nhà nước sẽ xử lý theo quy định, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về các chi phí đã bỏ ra; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo quy định.

Nhà đầu tư được giao phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại (đối với các dự án chưa hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng); thực hiện nghĩa vụ tài chínhcủa dự án theo quy định.

TP.HCM đề xuất sớm phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông - Vận tải về tình hình thực hiện các Dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải trên địa bàn TP.HCM.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được Thủ tướng có Quyết định số 817/QĐ-TTg ngày 7/3/2023 bổ sung dự án đường bộ cao tốc TP.HCM - Mộc Bài vào danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, với tổng chiều dải khoảng 51,171 km, đi qua địa phận TP.HCM và tỉnh Tây Ninh.

Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 21.527 tỷ đồng, hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Trong đó, về nguồn vốn Trung ương hồ trợ dự án (2.900 tỷ đồng), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bố trí hỗ trợ cho công tác giải phóng mặt bằng dự án. Hội đồng nhân dân TP.HCM cũng đã thông qua nguồn vốn hỗ trợ cho xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật dự án PPP khoảng 2.900 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với phần vốn Trung ương, theo quy định phải chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc sử dụng vốn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022, trong đó bố trí 2.900 tỷ đồng vốn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 hỗ trợ cho dự án, dẫn đến kéo dài thời gian trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Mặt khác, Luật PPP về thẩm quyền phê duyệt dự án PPP không quy định rõ cấp thẩm quyền phê duyệt trong trường hợp dự án đi qua địa bàn hành chính cấp tỉnh trở lên.

Để đảm bảo tiến độ và làm cơ sở triển khai bước tiếp theo cho Dự án, trong thời gian chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc sử dụng vốn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm phê duyệt chủ trương đầu tư dự án; xem xét, chấp thuận trong quyết định phê duyệt chủ trương đâu tư dự án, giao Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải là cơ quan phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo phương thức BOT.

Sắp diễn ra Hội nghị xúc tiến, kết nối đầu tư Khánh Hòa - Nhật Bản năm 2023

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch tổ chức Hội nghị xúc tiến, kết nối đầu tưKhánh Hòa - Nhật Bản năm 2023. Theo đó, Hội nghị này dự kiến diễn ra vào lúc 8h, thứ 6, ngày 15/9/2023. Hội nghị sẽ được trực tiếp và trực tuyến trên Cổng thông tin xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa.

Hội nghị do Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, dự kiến có sự tham gia của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản hoặc Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, kinh doanh tại Khánh Hòa như Công ty TNHH Điện lực Vân Phong - Sumitomo, Công ty TNHH Taisho Việt Nam, Công ty TNHH Thực phẩm Sakura…

Theo UBND tỉnh, Hội nghị xúc tiến, kết nối đầu tư Khánh Hòa - Nhật Bản năm 2023 là một trong những hoạt động quan trọng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973 - 21/9/2023), đồng thời là hoạt động nhằm cụ thể hóa Chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh Khánh Hòa năm 2023.

Hội nghị xúc tiến, kết nối đầu tư Khánh Hòa - Nhật Bản năm 2023 được tổ chức đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, có ý nghĩa chính trị sâu sắc; có nội dung thiết thực, hiệu quả truyền tải thông tin về quy hoạch, định hướng phát triển và các Dự án kêu gọi đầu tư, hướng dẫn trình tự thủ tục đầu tư; các thông điệp của tỉnh đến với nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là trong bối cảnh tỉnh Khánh Hòa được thí điểm các chính sách đặc thù cho phát triển.

UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu việc huy động các nguồn lực xã hội của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cùng đồng hành tham gia hỗ trợ, tài trợ tổ chức các hoạt động trong chương trình Hội nghị phải đảm bảo đúng quy định.

Đà Nẵng hoàn thành 12 dự án động lực, trọng điểm từ vốn ngân sách

Từ đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Thành phố Đà Nẵng đã ban hành danh mục và tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai 80 công trình, Dự án động lực, trọng điểm.

Đến nay, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ, trong số 54 dự án đầu tư từ ngân sách, đến nay Thành phố Đà Nẵng đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành có 12 dự án và 1 dự án thành phần.

Ngoài ra, có 17 dự án và 1 dự án thành phần đang triển khai thi công; 25 dự án và 2 dự án thành phần đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư.

Việc hoàn thành các dự án này đã tạo động lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ, TP.Đà Nẵng đã đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác thu hút đầu tư.

Trong năm 2022, Thành ủy Đà Nẵng đã chọn Chủ đề “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”. Tiếp tục năm 2023 là “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội” thể hiện quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị trong khôi phục kinh tế thành phố.

Vì thế, Đà Nẵng đã tổ chức thành công nhiều sự kiện thu hút, xúc tiến đầu tư, du lịch quan trọng, quy mô lớn; thành lập các tổ công tác liên ngành phối hợp với các cơ quan Trung ương tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, quy hoạch, đầu tư, giúp nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục đầu tư, xây dựng để triển khai dự án.

Theo thống kê, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, TP.Đà Nẵng đã thu hút được 72 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 56.888 tỷ đồng và 167 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là hơn 229 triệu USD.

Một số tập đoàn lớn đã quan tâm đầu tư dự án tại Đà Nẵng như Tập đoàn Adani (Ấn Độ) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) quan tâm đầu tư dự án Cảng Liên Chiểu; Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel quan tâm đầu tư dự án Trung tâm phần mềm và công nghệ cao Viettel Đà Nẵng; Tập đoàn LG Electronics (Hàn Quốc) thành lập dự án R&D, Tập đoàn Aeon Mall (Nhật Bản), Tập đoàn Sovico quan tâm đầu tư dự án mở rộng sân bay...

Tin bài liên quan