Đẩy mạnh công tác truyền thông du lịch

0:00 / 0:00
0:00
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, quảng bá hoạt động du lịch, góp phần cho phát triển du lịch, thu hút du khách, ngày 7/11, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức tọa đàm “Đẩy mạnh công tác truyền thông du lịch” tại Hà Nội.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phát biểu tại Tọa đàm.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phát biểu tại Tọa đàm.

Sự kiện do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông du lịch, phục vụ tốt nhất cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam.

Hiện nay, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã thành lập Câu lạc bộ Nhà báo du lịch với hơn 80 thành viên. Câu lạc bộ thường xuyên trao đổi và hỗ trợ thông tin.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, sau dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đã có sự khởi sắc trở lại. Đến nay, lượng khách du lịch đã dần phục hồi, trong đó khách quốc tế đã đạt hơn 10 triệu lượt; khách nội địa cao hơn so với trước dịch.

“Sự phục hồi, khởi sắc của du lịch Việt Nam thời điểm trong và sau dịch Covid-19 có sự vào cuộc của các cơ quan báo chí tuyên truyền, quảng bá hiệu quả”, ông Vũ Thế Bình nói.

Tuy nhiên, ông Vũ Thế Bình nhận định, thời gian qua, hoạt động tuyên truyền cũng có nhiều hạn chế. Nhiều chủ trương, chính sách về du lịch của Đảng, Nhà nước cơ bản được thông tin kịp thời, nhưng cũng có nhiều thông tin tại các địa phương, điểm đến chưa được truyền thông sâu, rộng.

Ngoài ra, nhiều thông tin tiêu cực trong hoạt động du lịch đôi khi bị đẩy lên nhiều vô tình làm ảnh hưởng đến tâm lý của du khách, giảm sức hút điểm đến.

“Các cơ quan báo chí cần thông tin nhiều chiều, khách quan và những thông tin có lợi cho du lịch Việt Nam để góp phần nâng cao sức hút cho du lịch Việt Nam”, ông Vũ Thế Bình nêu.

Tại tọa đàm, ông Vũ Quốc Trí, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, truyền thông đóng vai trò quan trọng giúp du khách trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về ngành du lịch; góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp của đất nước, con người Việt Nam cũng như có tiếng nói góp ý để ngành du lịch Việt Nam cải thiện những thiếu sót. Tuy nhiên, để ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững, phát triển mạnh mẽ, xứng tầm với tiềm năng cần sự truyền thông đúng mực.

“Khi chúng ta truyền thông một vấn đề quá mức, quá tốt hay quá xấu, đều làm ảnh hưởng tới hình ảnh của du lịch Việt Nam. Quá xấu rõ ràng là không đúng nhưng quá tốt làm du khách mất niềm tin vào du lịch của chúng ta. Chẳng hạn khi chúng ta nói về kinh tế đêm, không thể nói là kinh tế đêm giải quyết được hết các vấn đề của ngành du lịch. Khi đưa thông tin không đúng sẽ làm ảnh hưởng tới hình ảnh Việt Nam và ảnh hưởng đó không chỉ trong nước mà còn cả với thị trường khách quốc tế. Vì thế truyền thông khi đưa thông tin về du lịch Việt Nam cần dựa trên tính tổng thể, xem xét thông tin đưa ra là để thúc đẩy cho sự phát triển du lịch nói riêng và kinh tế-xã hội của đất nước nói chung”, ông Vũ Quốc Trí bày tỏ.

Đóng góp ý kiến cho hoạt động truyền thông hiệu quả, ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) cho rằng, các địa phương nên có sự định hướng phát triển điểm đến rồi đẩy mạnh thông tin tuyên truyền. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông nên có những thông tin kịp thời về xu hướng của du khách, những thị trường khách quốc tế tiềm năng.

Tại tọa đàm, các nhà báo theo dõi lĩnh vực du lịch cho rằng, để truyền thông du lịch hiệu quả cần thêm sự gắn kết, thông tin đa chiều từ cả phía cơ quan quản lý, Hiệp hội Du lịch và các địa phương. Nhiều thông tin phản biện xã hội liên quan đến hoạt động du lịch cần có sự thông tin kịp thời từ phía cơ quan quản lý, các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia để cơ quan truyền thông đưa tin phản ánh kịp thời, đúng định hướng và hiệu quả.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch cần thường xuyên tổ chức các hoạt động nghiệp vụ, chuyến đi thực tế mang tính chuyên đề…

Tin bài liên quan