Ngành du lịch Phú Quốc đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình hồi phục

Ngành du lịch Phú Quốc đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình hồi phục

Để điểm đến du lịch không 'ế khách'

0:00 / 0:00
0:00
Câu chuyện 'Phú Quốc ế khách' tiếp tục nóng tại Hội nghị Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững, đặt ra những yêu cầu mới về quản lý điểm đến và xúc tiến, quảng bá du lịch.

Du lịch nội địa “bùng lên rồi lại xẹp xuống”

Tại Hội nghị Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì mới đây, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ, 10 tháng qua, ngành du lịch đã cố gắng hết sức, thu hút lượng khách quốc tế vượt kế hoạch, nhưng quá thấp so với các nước trong khu vực. Lượng khách nội địa tăng nhẹ, nhưng lại sụt giảm nghiêm trọng ở một số trung tâm du lịch lớn.

Tình hình du lịch nội địa cũng là vấn đề được PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam quan tâm. Theo ông Thiên, du lịch nội địa đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trong giai đoạn khó khăn, nhưng thị trường này phát triển thiếu ổn định, “bùng lên rồi lại xẹp xuống”.

“Nhìn vào một số điểm du lịch lớn, tình trạng này khá gay go, Phú Quốc chẳng hạn. Tôi thấy phải kiểm điểm lại cho rõ ràng là, tại sao du lịch đã bùng lên khí thế rất tốt, rồi lại suy giảm như hiện nay. Chính sự suy giảm này làm người tiêu dùng hướng ra bên ngoài chứ không phải trong nước. Đó là vấn đề rất lớn. Bởi, tại sao một trụ cột lớn như thế mà chúng ta bỏ qua. Đây không phải vấn đề của riêng ngành du lịch, mà cả hệ thống phải có trách nhiệm”, ông Thiên nhấn mạnh.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xây dựng mô hình, phương thức xúc tiến du lịch có tính chất đột phá với tầm nhìn dài hạn, huy động hiệu quả sự tham gia của doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trên nhiều nền tảng. Tăng cường năng lực, quy mô, tính hiệu quả của hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia. Thực hiện rà soát, đánh giá, hoàn thiện cơ chế quản lý và vận hành để phát huy tốt hơn nữa vai trò của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch.

- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Về giải pháp thúc đẩy du lịch, PGS-TS. Trần Đình Thiên lưu ý, với các địa phương và doanh nghiệp, nhất là các địa phương trọng điểm du lịch, vấn đề quảng bá rất quan trọng. Nếu không phát huy được sáng kiến của địa phương, không tạo ra động lực mới cho các doanh nghiệp, thì sẽ mất thời cơ.

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel thẳng thắn nhận xét, công tác quản lý điểm đến tại các địa phương còn chưa tốt. “Chúng ta nói nhiều về Phú Quốc, ‘kêu’ là các hãng du lịch, hàng không giá cao, nhưng bản chất là quản lý các điểm đến và môi trường của điểm đến chưa tốt. Phải nhìn vào khuyết điểm của các địa phương để thấy, quản lý điểm đến như thế này thì rất khó thu hút khách du lịch”, ông Kỳ nói.

Về phía địa phương, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thừa nhận, quá trình hồi phục du lịch tại địa phương gặp không ít khó khăn, thách thức và hạn chế, như cạnh tranh giữa các điểm đến; quảng bá, xúc tiến du lịch chưa thực sự hiệu quả…

Nhằm khắc phục tình trạng du lịch “ế khách”, mới đây, UBND TP. Phú Quốc đã ban hành Kế hoạch Triển khai chuỗi hoạt động kích cầu du lịch Phú Quốc, với hàng loạt hành động và sự kiện, như chuỗi hoạt động truyền thông và xúc tiến quảng bá du lịch, chiến dịch truyền thông “WOW Phú Quốc” với thông điệp “Tôi yêu Phú Quốc”...

Xúc tiến du lịch vừa thiếu, vừa yếu

Bên cạnh câu chuyện về quản lý điểm đến, nhiều “điểm nghẽn” khiến du lịch Việt Nam lâm vào cảnh “đi trước về sau” so với các quốc gia trong khu vực ở giai đoạn hậu Covid-19 cũng được “mổ xẻ” tại Hội nghị Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững.

Một trong những vấn đề được đề cập nhiều nhất là công tác quảng bá xúc tiến du lịch vừa thiếu, vừa yếu. Ngay trong báo cáo đánh giá về thực trạng hoạt động du lịch thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhìn nhận, một trong những nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam phục hồi chậm là do công tác truyền thông chính sách, cập nhật, quảng bá thông tin về những quy định mới còn hạn chế, thiếu kịp thời tại các thị trường nguồn quốc tế do thiếu hệ thống văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia; sự phối hợp chưa thực sự chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài…

Ông Vũ Thế Bình nhận xét, công tác xúc tiến du lịch triển khai còn chậm và rất ít hiệu quả. “Cần cơ cấu lại thị trường quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến du lịch; đổi mới hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch”, ông Bình khuyến nghị.

Cho rằng, việc đầu tư ngân sách cho quảng bá du lịch còn chưa tương xứng, bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó tổng giám đốc Sun Group kiến nghị ưu tiên ngân sách, đồng thời huy động nguồn lực từ các hiệp hội, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, hàng không để quảng bá tại các thị trường trọng điểm.

Bên cạnh đó, cải thiện chính sách visa cũng là giải pháp được nhiều đại biểu đề cập. Trong 5 đề xuất tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh giải pháp đầu tiên là “đề xuất cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho việc phục hồi, phát triển du lịch”, như nghiên cứu đề xuất miễn thị thực ngắn hạn cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn nhằm kích cầu du lịch, đặc biệt là vào mùa thấp điểm.

Đồng thời, mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu du lịch lớn; thí điểm cấp thị thực tại cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế; thí điểm cấp thị thực dài hạn (3 năm, 5 năm) để thu hút khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu; tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình xin cấp thị thực điện tử…

Nhận định du lịch là lĩnh vực kinh tế tổng hợp, liên quan tới nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương, các vấn đề toàn cầu, toàn dân, do đó, phải có cách tiếp cận tương đối toàn diện, toàn cầu, toàn dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần được triển khai để đẩy nhanh phát triển du lịch trong thời gian tới.

Cụ thể, liên kết toàn diện, hiệu quả, phân công trách nhiệm rõ ràng, phát huy vai trò định hướng của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm đủ số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và chất lượng, phù hợp với yêu cầu cạnh tranh và hội nhập; xây dựng mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh; nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa; đẩy nhanh chuyển đổi số ; hình thành, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh…

Tin bài liên quan