Đề xuất giải pháp "làm nóng" cổ phần hóa

Đề xuất giải pháp "làm nóng" cổ phần hóa

(ĐTCK) Bộ Tài chính đã đề xuất lên Chính phủ các giải pháp nhằm “làm nóng” quá trình cổ phần hóa (CPH) trở lại. Tuy nhiên, hiệu ứng của các biện pháp này chưa dễ phát huy ngay trong quý IV/2013.

>> Cổ phần hóa: Lên lịch nhiều, lỗi hẹn lắm

Vướng quy định giao đất

Khi lý giải về những nguyên nhân chính khiến quá trình CPH đang diễn ra chậm, một lãnh đạo Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, cho biết, điều này xuất phát từ hai điểm nghẽn: vướng mắc trong xác định giá trị đất, DN khó thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Thực trạng này khiến quá trình chốt phương án xác định giá trị DN mất nhiều thời gian, làm chậm quá trình CPH.

Liên quan đến xác định giá đất, Nghị định 59/2011 của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, quy định, trường hợp DN CPH lựa chọn hình thức giao đất, thì phải tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN… Tổng hợp của Bộ Tài chính cho thấy, trong quá trình triển khai quy định này, theo phản ánh của các bộ, địa phương, DNNN, đang bộc lộ nhiều bất cập, do rất khó xác định giá đất sát với giá trị trường, nhất là khó xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý. Điều này dẫn tới khâu xác định giá đất mất rất nhiều thời gian trong quá trình xác định giá trị DN.

Đề xuất giải pháp "làm nóng" cổ phần hóa ảnh 1

Vinatex đã hơn một lần lỡ hẹn cổ phần hóa

Để tháo gỡ tình trạng trên, lãnh đạo Cục Tài chính DN cho biết, Bộ Tài chính đã đề xuất một số giải pháp trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 59/2011 và đã trình Chính phủ xem xét ban hành.

Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh cơ chế quản lý đất đai đối với các DNNN CPH theo hướng, về nguyên tắc, tất cả diện tích đất DN đang quản lý và sử dụng phải chuyển sang ký hợp đồng thuê đất có thời hạn với cơ quan có thẩm quyền, thay vì giao đất dẫn tới khó xác định giá đất, làm chậm quá trình CPH như hiện tại. Với phần diện tích đất DN đã được giao, nay chuyển sang thuê, thì giá trị quyền sử dụng đất giao còn lại tại thời điểm xác định giá trị DN, được xác định là số tiền DN đã trả trước tiền thuê đất cho một khoảng thời gian nhất định theo mặt bằng giá thuê đất tại thời điểm DN hoàn tất thủ tục thuê đất với cơ quan quản lý.

Nếu Chính phủ thông qua đề xuất áp dụng cơ chế chuyển từ giao đất sang thuê đất, thì sẽ hóa giải được một trong những bế tắc lớn nhất hiện tại là không phải tính bổ sung giá trị lợi thế vị trí địa lý khi xác định giá trị đất đai, bởi giá thuê đất đã sát với giá thị trường.

 

Tắc thoái vốn đầu tư ngoài ngành

Bế tắc trong thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng đang là một trong những cản trở chính khiến quá trình CPH diễn ra chậm. Nguyên nhân của tình trạng này là thị giá các khoản đầu tư hiện tại thấp, thậm chí thấp hơn rất nhiều so với giá vốn đầu tư của các DN. Điều này dẫn đến phương án thoái vốn đầu tư ngoài ngành rơi vào bế tắc, vì phải thỏa mãn yêu cầu bảo toàn vốn nhà nước. Thực tế này khiến phương án xác định giá trị DN tại không ít DN đang trong diện CPH bị “treo”, chưa biết đến bao giờ mới thoát khỏi tình trạng này.

Vì bất cập trên mà tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra mới đây, các thành viên Chính phủ đưa ra nhiều kiến nghị cần sớm có cơ chế riêng hướng dẫn về thoái vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN, để thúc đẩy tái cơ cấu DNNN nói chung, CPH nói riêng.

Để tháo gỡ bất cập trên, lãnh đạo Cục Tài chính DN cho hay, Bộ Tài chính đã đề xuất cơ chế thoái vốn đầu tư ngoài ngành lên Chính phủ. Không tiết lộ chi tiết các đề xuất, nhưng vị này cho biết, những giải pháp này sẽ mở ra hướng mới trong giải quyết bế tắc khi DNNN thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Điều này không chỉ góp phần đẩy nhanh quá trình CPH, mà còn đảm bảo cho các DNNN hoàn tất thoái vốn đầu tư ngoài ngành trước năm 2015 như chỉ đạo của Chính phủ.

Giới đầu tư trong và ngoài nước đang nóng lòng chờ quyết sách mới của Chính phủ trong thay đổi cơ chế liên quan đến xác định giá đất, cũng như mở ra lối thoát cho thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Tuy nhiên, với bước chuyển động chính sách đến thời điểm này, hiệu ứng “làm nóng” quá trình CPH trở lại chưa dễ diễn ra ngay trong năm nay. Diễn biến này đặt ra câu hỏi, liệu các “ông lớn” có kế hoạch CPH trong quý IV/2013 như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4, Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam… có cán đích như kế hoạch, hay lại lỗi hẹn, thậm chí lỗi hẹn hơn một lần như Vinatex?