Đề xuất nhiều chính sách đột phá để hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện

0:00 / 0:00
0:00
Hàng loạt chính sách ưu đãi cho các đơn vị sản xuất, lắp ráp, hỗ trợ người dùng xe ô tô điện và phát triển hạ tầng trạm sạc điện vừa được Bộ GTVT trình lên cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Taxi điện Xanh SM đón khách tại ga Huế. Ảnh: VinFast.

Taxi điện Xanh SM đón khách tại ga Huế. Ảnh: VinFast.

Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư – Baodautu.vn, Bộ GTVT vừa có công văn gửi Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện.

Bộ GTVT cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, bộ này đã khẩn trương tổ chức nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phát triển xe ô tô điện, rà soát hiện trạng phát triển xe ô tô điện trong nước và xây dựng dự thảo Báo cáo đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện.

Sau khi hoàn thành dự thảo, Bộ GTVT đã gửi tới 7 Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA); các công ty: TNHH Kinh doanh thương mại và dịch vụ VinFast, ô tô Trường Hải, Tập đoàn Thành Công, TMT lấy ý kiến đối với dự thảo Báo cáo.

Đến hết ngày 27/7/2023, Bộ GTVT nhận được ý kiến góp ý của 33 tỉnh, thành phố; 2 doanh nghiệp và đã tổng hợp, tiếp thu hoàn thiện dự thảo Báo cáo theo các ý kiến góp ý.

Hỗ trợ 1.000 USD/xe khi chuyển đổi sang ô tô điện

Theo Bộ GTVT, về cơ bản, có 3 nhóm chính sách chủ yếu mà các quốc gia đang áp dụng để phát triển xe ô tô điện, đó là: Ưu đãi cho nhà sản xuất; hỗ trợ người mua xe ô tô điện và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho xe ô tô điện. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT cũng đề xuất khung chính sách hỗ trợ phát triển xe điện xoay quanh 3 đối tượng nói trên.

Cụ thể, đối với nhóm chính sách ưu đãi khuyến khích sản xuất lắp ráp, nhập khẩu xe điện, Bộ GTVT đề nghị rà soát, bổ sung các nội dung về chính sách ưu tiên phát triển xe ô tô điện (đặc biệt là phương tiện giao thông công cộng điện) trong các Luật liên quan làm cơ sở triển khai, thực hiện; xây dựng, ban hành các quy định nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải, giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu để hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, khuyến khích phát triển phương tiện không phát thải.

Bộ GTVT cũng đề xuất bổ sung ngành nghề sản xuất lắp ráp xe ô tô điện, sản xuất pin ô tô điện vào ngành nghề thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư; uu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư (trong và ngoài nước) sản xuất lắp ráp xe ô tô điện, pin xe điện (miễn, giảm tiền thuê đất, thuế, phí ...).

Đối với nhóm chính sách khuyến khích, hỗ trợ người sử dụng, Bộ GTVT kiến nghị thực hiện miễn, giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô điện; miễn, giảm lệ phí đăng ký biển số đối với xe ô tô điện.16 - Thúc đẩy tiếp cận tín dụng, trợ giá trực tiếp cho người mua xe ô tô điện; ưu đãi vốn vay đối với các doanh nghiệp vận tải chuyển đổi sử dụng ô tô điện; trợ giá cao hơn đối với xe buýt điện…

Đặc biệt, Bộ GTVT cũng kiến nghị tăng quyền ưu tiên tham gia giao thông đối với xe ô tô điện khi hoạt động trong khu vực đô thị, vùng lõi đô thị; ưu tiên đỗ xe (chỗ, giá), giờ cao điểm; thiết lập các khu vực không phát thải tại vùng lõi đô thị trong đó chỉ các phương tiện không phát thải được hoạt động.

Đối với nhóm chính sách phát triển hạ tầng trạm sạc điện, điểm nhấn nổi bật là việc Bộ GTVT kiến nghị các cơ quan quản lý sớm quy định hệ thống trạm sạc điện trong hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu dân cư; quy định về bố trí trạm sạc điện công cộng đối với các cơ sở hạ tầng đầu tư mới, cơ sở hạ tầng cải tạo (bến xe, trạm dừng nghỉ, khu đô thị, điểm đỗ, trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, chung cư, khu đô thị, nhà hàng, điểm trông giữ xe công cộng, trụ sở cơ quan hành chính ...); cho phép xây dựng trạm sạc điện công cộng trên các công trình có mục đích sử dụng đất như hiện tại mà không cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng trạm sạc.

Thực hiện ưu đãi đầu tư, hỗ trợ lãi suất vốn vay sản xuất/nhập khẩu trang thiết bị, linh kiện để xây dựng hạ tầng trạm sạc, trụ sạc, đặc biệt là trụ sạc nhanh; miễn thuế nhập khẩu máy móc linh kiện để lắp đặt trạm sạc điện; miễn, giảm thuế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư trạm sạc điện; ưu đãi giá bán điện, ưu tiên cung cấp nguồn điện để phục vụ cho hệ thống trạm sạc điện công cộng…

Bộ GTVT cho biết, trong quá trình tham vấn, lấy ý kiến, một số doanh nghiệp cũng kiến nghị tiếp tục ưu đãi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô điện loại chở người từ 9 chỗ trở xuống là 3% sau ngày 28/02/2027 đối với xe ô tô điện sản xuất lắp ráp trong nước; miễn thuế VAT trong 5 năm đầu, giảm 50% cho 5 năm tiếp theo.

Một giải pháp đáng chú ý khác là việc các doanh nghiệp kiến nghị thực hiện trợ cấp cho người dân một khoản tiền hỗ trợ khi mua xe ô tô điện để chuyển dịch hành vi tiêu dùng từ xe ô tô chạy xăng, dầu sang xe ô tô điện khoảng 1000 USD/xe.

Nóng cuộc đua phát triển hạ tầng cho xe điện

Thời điểm hiện tại, trong nước có 2 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô điện gồm Vinfast (thuộc tập đoàn Vingroup) và Công ty cổ phần ô tô TMT.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công và Công ty cổ phần ô tô Trường Hải cũng đã giới thiệu một số mẫu xe ô tô điện của Huyndai, KIA tới khách hàng để tìm hiểu thị trường và tiến tới sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian tới.

Đầu năm 2021, Vinfast đã công bố sự ra mắt toàn cầu của chiếc xe ô tô điện đầu tiên của Việt Nam mang tên VFe34. Gần đây nhất, ngày 24/05/2023, Công ty cổ phần ô tô TMT đã xuất xưởng chiếc xe ô tô điện mini đầu tiên tại Nhà máy TMT Motors Hưng Yên.

Số lượng xe ô tô điện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới tại nước ta gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Năm 2021, chỉ có 167 xe ô tô điện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận; năm 2023, đến hết ngày 12/7 đã có 12.585 xe ô tô điện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, các loại xe ô tô điện tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là xe ô tô con và xe ô tô buýt thành phố.

Tại Việt Nam, với sự phát triển nhanh của xe ô tô điện trong những năm gần đây, hàng loạt các doanh nghiệp cũng đã bày tỏ mối quan tâm đối với thị trường các thiết bị và dịch vụ cho phương tiện điện, đặc biệt là trạm sạc điện cho xe ô tô điện.

Hệ thống trạm sạc điện có độ bao phủ cao nhất hiện nay tại Việt Nam là hệ thống của Vinfast. Các trạm sạc điện VinFast được đặt tại các bãi đỗ xe, bến xe, tòa nhà chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại, trạm dừng nghỉ, trạm xăng dầu dọc cao tốc, quốc lộ. VinFast phát triển hệ thống trạm sạc với hơn 150.000 cổng sạc cho xe máy điện và xe ô tô điện, trải dài rộng khắp 63 tỉnh thành tại Việt Nam.

Một doanh nghiệp khác cũng cung cấp giải pháp sạc cho xe điện hiện nay tại Việt Nam là Công ty EVIDA với sản phẩm sạc xe điện thông minh EBOOST. EBOOST đang cung cấp thiết kế, lắp đặt và vận hành hệ thống trạm sạc xe điện với hơn 850 điểm sạc điện phủ khắp toàn quốc.

EBOOST là giải pháp có nền tảng công nghệ và số hóa hoàn toàn. Hệ thống hiện đại tích hợp công nghệ IoT với ứng dụng EBOOST hoạt động ổn định, phù hợp với xu hướng di động 4.0 hiện nay.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã nhập cuộc với sản phẩm được phát triển bởi Trung tâm sản xuất điện tử điện lực miền Trung (thuộc EVN).

Trước khi trở thành sản phẩm thương mại, EVN đã thử nghiệm và lắp đặt vận hành trạm sạc ô tô điện tại một số địa điểm gồm: Trụ sở Tổng công ty Điện lực miền Trung, các cửa hàng xăng dầu PVOIL trên địa bàn TP. Đà Nẵng…

Hiện EVN đã hoàn thành và bàn giao 6 trạm sạc đến khách hàng, dự kiến lắp đặt tại Hà Nội. Đây là trạm sạc nhanh cho xe ô tô điện đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam đến từ một nhà sản xuất không làm ô tô.

Một số thương hiệu như Porsche, Audi hay Mercedes-Benz cũng đã thiết lập hệ thống trạm sạc cho khách hàng, tuy nhiên số lượng vẫn còn hạn chế, hầu hết chỉ lắp đặt tại showroom hoặc nhà máy của hãng.

Các thương hiệu như Audi hay Mercedes-Benz đều có kế hoạch mở rộng hệ thống trạm sạc, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Đại diện Audi Việt Nam cho biết sắp tới dự kiến mở rộng thêm khoảng 15 điểm sạc tại TP. HCM.

Ngoài ra, hàng loạt các doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hệ thống trạm sạc cho xe điện cũng đã bày tỏ ý định mở rộng thị trường kinh doanh trạm sạc điện tại Việt Nam như Siemens, Charge+, ABB.

"Tuy số lượng trạm sạc điện đang gia tăng đáng kể theo từng năm, nhưng cần tiếp tục bổ sung các giải pháp để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng hiện có của Việt Nam", Bộ GTVT đánh giá.

Hiện trạng về giá xe ô tô điện, giá sạc điện

Về giá xe ô tô điện: Hiện nay, Vinfast đang cung cấp ra thị trường 4 loại xe ô tô con chạy điện với nhiều phiên bản. Cụ thể: các phiên bản bán xe có kèm pin có giá dao động từ 538 triệu (VF 5 Plus) đến 2.178 triệu (VF 9 Plus); các phiên bản bán xe không kèm pin có giá dao động từ từ 458 triệu (VF 5 Plus) đến 1.685 triệu (VF 9 Plus).

Về giá sạc điện: VinFast cung cấp đơn giá sạc xe ô tô điện là 3.210,9 đồng/kWh (tương đương đơn giá điện bậc 5 giá do Bộ Công Thương công bố ngày 4/5/2023).

Đơn giá sạc điện tại trạm sạc công cộng của EBOOST là 8.900 đồng/kWh, chưa bao gồm phí kích hoạt 4,900 đồng/lần sạc đối với xe máy và 19.900 đồng/lần sạc đối với xe ô tô.

Tin bài liên quan