Đi tìm khoảng trống thị trường: Thách thức lớn với DN

(ĐTCK-online) Để tồn tại được giữa thương trường khốc liệt, doanh nghiệp (DN) buộc phải tìm được khoảng trống trong thị trường, từ đó khẳng định vị thế của mình. Và trên thực tế, không ít DN Việt Nam đã thành công trong công việc vô vàn khó khăn này và mang lại những bài học kinh nghiệm bổ ích cho nhiều DN khác.

Từ chuyện trâm cài đầu giá... 10.000 USD

Cho đến thời điểm này, khi Phở 24 đã là một thương hiệu nổi tiếng, ông Lý Quý Trung, chủ của Tập đoàn An Nam Group, vẫn khá hào hứng khi kể lại câu chuyện đi thuyết phục một chủ nhà để thuê mặt bằng... bán phở. Ngay khi nghe ý tưởng của anh, chủ nhà gạt phăng. Cho thuê nhà bán phở vừa ồn ào, vừa hỏng nhà, lại còn lôi thôi, nhếch nhác. Thuyết phục mãi, rằng nhà của anh sẽ được lắp thêm điều hòa mát lạnh, trang trí thêm những bức tranh đẹp, mặc dù bán phở nhưng là phở cao cấp, nên sẽ không ảnh hưởng gì đến nhà, chủ nhà mới đồng ý cho thuê. Nhưng dường như vẫn chưa yên tâm với những lời nói của anh Trung, hôm khai trương, chủ nhà kéo anh em, bạn bè đến “ăn đỡ”, vì sợ cửa hàng ế, người thuê không trả nổi tiền mặt bằng.

Không chỉ có chủ nhà cho thuê mặt bằng nghi ngờ khả năng thành công của Phở 24, mà ai nghe đến thương hiệu này cũng hỏi ăn một bát phở sao đắt thế. Nhưng, theo anh Lý Quý Trung, chính câu hỏi này đã tạo sự thành công cho Phở 24. Sau thời gian dài trăn trở, anh đã quyết định lựa chọn mô hình bán loại đồ ăn giữa phân đoạn quán phở bình dân và nhà hàng sang trọng, điều chưa từng có trên thị trường. Chính sự lựa chọn độc đáo này đã giúp Phở 24 có được giai đoạn đầu “một mình một chợ”, không phải cạnh tranh với đối thủ nào khác.

Cũng như với Phở 24, ai nghe đến nhãn hiệu trang sức Cửu Long cũng lắc đầu lè lưỡi vì giá quá đắt. Cửu Long vừa đưa ra một số mẫu sản phẩm mới, như trâm cài đầu giá...10.000 USD, dây nịt giá “chỉ có” 9.280 USD, hay “bèo” nhất cũng là nhẫn ngọc trai đen giá 1.240 USD. Ấy vậy mà khi được hỏi về điều này, ông chủ trẻ Lê Đình Hùng vẫn nhỏ nhẹ: “Sự lựa chọn của Cửu Long là lựa chọn cho tương lai gần”.

Cũng đúng, bởi với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, nhiều doanh nhân đã đi xe hơi trị giá cả trăm ngàn USD, thì đeo một cái nhẫn vài ngàn USD đã “nhằm nhò gì”. Lê Đinh Hùng hy vọng, với sự đột phá này, thương hiệu trang sức Cửu Long sẽ có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường thời trang cao cấp trong nay mai.

 

... đến cơ hội trên thị trường

Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều ví dụ về nỗ lực đi tìm khoảng trống của thị trường của các DN Việt Nam để chạy đua trong cuộc cạnh tranh gay gắt với các “đại gia” khác. Để tồn tại và phát triển, các DN buộc phải tìm chỗ đứng riêng cho mình và hạn chế sự cạnh tranh từ đối thủ. Nhưng chuyện này quả không đơn giản!

Trước sự “đổ bộ” của các tập đoàn phân phối lớn nước ngoài, như Metro, Bourbon, ông Phạm Đình Đoàn, chủ Tập đoàn Phú Thái - nhà phân phối hàng đầu tại Việt Nam hiện nay - như ngồi trên đống lửa. Trong bối cảnh này, nếu đơn lẻ kinh doanh, chắc chắn Phú Thái sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì thế, rất táo bạo, Phú Thái đã liên kết với 3 công ty lớn khác để có được tiềm lực kinh tế mạnh hơn, với 28.000 tỷ đồng. Có vốn rồi lại phải lo tìm cách đi phù hợp để tồn tại và phát triển. Và câu hỏi mà ông Đoàn luôn trăn trở là đi bằng con đường nào để “đụng độ” ít nhất.

Đây cũng chính là câu hỏi mà nhiều doanh nhân khác hằng nung nấu. Ngay cả Lý Quý Trung, giờ dù đã thành công với Phở 24, nhưng vẫn đau đáu nỗi lo làm sao để giữ được khoảng trống thị trường mình vừa tìm được.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, các DN hoàn toàn có cơ hội để tìm được chỗ đứng trên thị trường, bởi thương trường giống như đại dương mênh mông, luôn xuất hiện những khoảng trống. Nếu DN chịu khó đi tìm và biết nắm lấy cơ hội, thì sẽ phát triển tốt. Mặc dù vậy, TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, trước những sức ép về vốn, công nghệ của các DN nước ngoài, các DN Việt Nam cần chủ động liên kết với nhau, giống như Phú Thái đã làm.