Điểm sáng xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản đang có nhiều lợi thế để tăng tốc với trị giá lớn hơn, tận dụng tối đa ưu đãi từ 4 hiệp định tự do thương mại (FTA) hiện hành.

Thị trường nhập gần 25 tỷ USD hàng hóa Việt Nam

Tại sự kiện Kết nối các nhà cung ứng quốc tế - Viet Nam International Sourcing 2023 do Bộ Công thương tổ chức từ 13 - 15/9/2023, Aeon, Uniqlo - 2 tập đoàn bán lẻ lớn của Nhật Bản tiến hành tìm kiếm nhà cung ứng hàng hóa dệt may, giày dép, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, đồ dùng nhà bếp…

Được biết, 2 tập đoàn đều xác nhận muốn tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam có năng lực và đáp ứng các tiêu chí, quy chuẩn của Aeon, Uniqlo để trở thành đối tác cung ứng bền vững không chỉ tại Việt Nam, Nhật Bản mà còn trong hệ thống bán lẻ toàn cầu.

Trong 8 tháng năm 2023, thương mại hai chiều Việt Nam - Nhật Bản đạt 29 tỷ USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới, trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản đạt 15,3 tỷ USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ; nhập khẩu từ Nhật đạt 13,743 tỷ USD, giảm 14,1%.

Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tại Nhật Bản gia tăng, nhưng đây cũng là thị trường đặt ra các tiêu chuẩn ngặt nghèo về chất lượng hàng hóa. Ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Aeon Topvalu Vietnam cho biết, yêu cầu của các nhà thu mua Nhật Bản là tìm kiếm nhà máy sản xuất có tiêu chuẩn chất lượng quản lý rõ ràng. Theo đó, doanh nghiệp cung ứng phải có ý thức về sản xuất theo tiêu chuẩn SDGS, tức là sản xuất nhưng phải bền vững.

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, nhờ chuẩn hóa sản xuất, những năm gần đây, nhãn tươi, vải tươi, thanh long, gạo… đều được xuất khẩu thành công sang Nhật, mở cánh cửa xuất khẩu loại nông sản thế mạnh của Việt Nam.

Đầu năm nay, Công ty TNHH Hoàng Phát (Hoang Phat Fruit) vừa xuất khẩu chính ngạch lô nhãn đầu tiên vào Nhật Bản. Như vậy, sau thanh long, xoài và vải, quả nhãn tươi đã có mặt tại thị trường khó tính này.

Trợ lực xuất khẩu từ 4 FTA

Ngoài Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ ngày 1/10/2009, 2 nước cùng có mặt trong 3 FTA khác, gồm: Hiệp định Đối tác Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP) mới đi vào thực thi từ 1/1/2022 và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP). Có nghĩa, thương mại hàng hóa giữa 2 nước đang được trợ lực rất lớn bởi hệ thống FTA này

Nhờ các FTA này, hàng hoá từ Việt Nam sang Nhật Bản cơ bản đều được hưởng lợi thế cạnh tranh về thuế. Ví dụ, mặt hàng dệt may, hưởng thuế suất 0% khi xuất sang Nhật Bản nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ, trong khi Trung Quốc và Bangladesh chịu thuế từ 5 - 11%; nhóm hàng thuỷ sản, trong khi Việt Nam hưởng thuế suất 0% thì Trung Quốc, Ấn Độ chịu thuế từ 6-12% khi xuất sang Nhật Bản…

Cũng nhờ 4 FTA, nên các doanh nghiệp có thể chọn FTA nào dễ thực thi nhất để áp dụng xin C/O khi xuất khẩu sang Nhật.

Bộ Công thương cho biết, trong số 24,23 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2022 sang Nhật Bản, Việt Nam đã cấp C/O ưu đãi (mẫu AJ, VJ và CPTPP) cho lượng hàng hóa trị giá 8,65 tỷ USD, tương đương tỷ lệ sử dụng ưu đãi là 35,71%.

Một số nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi AJCEP, VJEPA và CPTPP trong năm 2022 rất tốt có thể kể đến như rau quả (70,94%), chất dẻo và sản phẩm từ chất dẻo (97,39%), giày dép (90,37%).

“Mặc dù quy tắc xuất xứ hàng dệt may trong AJCEP, VJEPA và CPTPP rất chặt, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vẫn tận dụng rất tốt ưu đãi từ các hiệp định này bằng cách sử dụng nguyên liệu (chủ yếu là vải) của Nhật Bản để sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Vì vậy, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi đối với hàng dệt may xuất khẩu sang Nhật Bản đạt mức 73,41% với kim ngạch theo C/O đạt hơn 2,98 tỷ USD”, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá.

Dư địa để hàng Việt Nam xuất khẩu sang Nhật còn rất lớn, bởi đây là thị trường có quy mô GDP năm 2022 đạt 4.100 tỷ USD, với 125 triệu dân, nhu cầu nhập khẩu hàng hoá khoảng 900 tỷ USD/năm, trong khi thị phần hàng Việt tại Nhật mới chiếm 2,7%.

Ngoài ra, hai nước có cơ cấu xuất nhập khẩu mang tính bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp (Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng… trong khi Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh lớn về xuất khẩu các sản phẩm này).

Theo ông Đỗ Quốc Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), những khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt là khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu ngày càng cao cả về chất lượng và tính bền vững đối với môi trường, xã hội. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chưa khai thác hiệu quả các kênh phân phối, khả năng tiếp cận khách hàng mới còn yếu.

Tin bài liên quan