Trong quý III/2022, tỷ giá USD/VND tăng 2,4%.

Trong quý III/2022, tỷ giá USD/VND tăng 2,4%.

Đo áp lực tỷ giá sau nới biên độ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Điều thị trường quan tâm là sau lần nới biên độ tỷ giá USD/VND từ ±3% lên ±5% vừa qua, áp lực tỷ giá trong những tháng cuối năm và đầu năm sau ở mức độ nào?

Áp lực không còn lớn

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế đánh giá: “Thị trường ngoại hối trước đây từng có biên độ ± 5%, giúp cho không gian giao dịch rộng lên tới biên độ 10% cả hai chiều. Do những câu chuyện bất ổn năm 2008 và 2009, Ngân hàng Nhà nước đã hạ biên độ từ ± 5% xuống ± 3%. Tuy nhiên, việc tăng tỷ giá trung tâm mới là điểm chính yếu, còn nới biên độ lên ± 5% là bình thường”.

TS. Nghĩa phân tích, diễn biến hiện nay không phải là cuộc khủng hoảng cấu trúc như thời điểm năm 2008 khiến hệ thống ngân hàng đứng trước rủi ro cao, mà là “tai nạn” do dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine, nên sự phục hồi sẽ tương đối nhanh. Theo đó, khi kinh tế thế giới bắt đầu đi vào xu thế ổn định trở lại, USD sẽ dần giảm giá.

“USD trong hơn một năm qua tăng giá liên tục, chỉ số DXY tăng 16 - 17%. USD tăng giá so với các đồng tiền khác ở mức gần như tạo đỉnh. Giá ngoại tệ này đã cao chót vót và phần nào đó tạo ra mối nguy hiểm cho kinh tế Mỹ nên theo dự đoán của nhiều chuyên gia, USD sẽ xuống giá. Kể cả khi Mỹ tiếp tục tăng lãi suất thì nhịp tăng của đồng USD cũng sẽ chậm dần, sau đó đi xuống. Tôi dự báo, đến cuối năm nay, tỷ giá biến động trong khoảng 7 - 8%”, TS. Nghĩa nói.

Giáo sư Trần Ngọc Thơ chia sẻ nhận định của mình về biến động tỷ giá khi nhìn đến thời điểm quý I sang năm: “Tất cả phụ thuộc vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhưng tôi cho rằng sẽ không biến động nhiều vì kịch bản tăng lãi suất trong tương lai đã được định giá ở hiện tại, việc tăng lãi suất của Fed đạt đỉnh năm 2023, người ta biết nó sẽ đi xuống chứ không thể tăng mãi. Chỉ số đo kỳ vọng lạm phát ở Mỹ đã không tăng lên. Một lý do nữa là nền kinh tế Mỹ nguy cơ suy thoái cao, nếu suy thoái thì đồng USD sẽ rớt giá. Yếu tố nội tại của Việt Nam đang rất tốt khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng cũng như kiều hối về hàng năm. Với các lý do đó, tôi cho rằng, USD/VND biến động tăng không nhiều nữa”.

Dự báo về diễn biến của thị trường ngoại hối trong thời gian tới, một lãnh đạo cao cấp BIDV chia sẻ, áp lực lên tỷ giá trong nước vẫn ở mức cao trong quý IV, mặc dù mức biến động tăng kỳ vọng có thể thấp hơn giai đoạn quý III, vào khoảng 0,5 - 1,0%. Rủi ro cho biến động của tỷ giá trong nước vẫn theo chiều hướng tăng nhiều hơn.

Lý do là, Fed nhiều khả năng nâng lãi suất điều hành thêm khoảng 1,25%, lên quanh mức 4,4%, trong bối cảnh nguy cơ suy thoái của Eurozone đang ngày một gia tăng do khủng hoảng thiếu hụt năng lượng vào mùa đông. Thứ hai, cung - cầu ngoại tệ trong nước khó có thể sớm cải thiện do nhu cầu ngoại tệ để chuyển lợi nhuận về nước, trả nợ vay thường có xu hướng gia tăng trong giai đoạn cuối năm và rủi ro từ môi trường quốc tế vẫn lớn tác động đến kỳ vọng, tâm lý găm giữ USD của doanh nghiệp, cá nhân.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, góp phần thực hiện kiểm soát lạm phát nhập khẩu…

Mặc dù vậy, vị lãnh đạo BIDV cho biết, ông kỳ vọng đà tăng của tỷ giá trong nước sẽ chậm lại với điểm tựa lớn đến từ những chính sách điều tiết linh hoạt của cơ quan quản lý. Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ vừa qua đã nhấn mạnh việc phối hợp đồng bộ điều hành tỷ giá linh hoạt với điều tiết lãi suất phù hợp, đồng thời Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán can thiệp khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ.

“Tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ khác nhau để thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường, giữ cho tỷ giá không tăng quá mạnh. Nhiều khả năng, chênh lệch lãi suất VND-USD sẽ tiếp tục được điều tiết ở mức dương để giảm áp lực lên tỷ giá giống như các giai đoạn trong quá khứ (2015, 2018), với kỳ vọng bình quân kỳ hạn 1 tuần quanh mức 2,5 - 3,5%”, vị lãnh đạo BIDV dự báo.

Dự trù cho nhu cầu USD

Khu vực doanh nghiệp cơ bản đã dự báo được biến động tỷ giá, bởi các nguyên nhân của nó đã được phân tích rất nhiều trên truyền thông. Một kế toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, dự báo tỷ giá tăng từ nhiều tháng trước nên khi lập kế hoạch nhập khẩu than, công ty nhập khẩu đã đẩy giá nhập khẩu tăng cao. Việc điều chỉnh biên độ tỷ giá không khiến chúng tôi bất ngờ. Năm nay chắc sẽ có khoản lỗ do tỷ giá tăng”, vị kế toán của EVN nói.

Đối với nhiều doanh nghiệp thì việc ứng phó với biến động tỷ giá không phải lần đầu và trong tình huống này, việc trích lập dự phòng là tất yếu.

Thực tế cho thấy, thị trường ngoại hối quý III/2022 chứng kiến những bước dịch chuyển mạnh nhất trong nhiều năm gần đây khi tỷ giá USD/VND tăng tới 2,4%.

Fed liên tục tăng mạnh lãi suất cơ bản, với mức tăng tổng cộng 1,5% trong quý III, đồng thời bày tỏ quan điểm điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt (nhằm kiềm chế lạm phát), tạo khoảng cách với một số ngân hàng trung ương đối trọng như ECB (châu Âu), BOJ (Nhật Bản) hay PBOC (Trung Quốc). USD mạnh lên khiến dòng vốn có xu hướng tìm đến ngoại tệ này như một kênh trú ẩn.

Trong khi đó, giám đốc nguồn vốn một ngân hàng thương mại nhận xét, cung - cầu ngoại tệ trong nước tiếp tục thể hiện xu hướng tiêu cực từ đầu năm nay, với mức thâm hụt ước tính lên tới gần 10 tỷ USD trong quý III. Nhu cầu ngoại tệ có xu hướng gia tăng khi tâm lý chung của các doanh nghiệp, cá nhân đều ở trạng thái thận trọng trong bối cảnh thị trường quốc tế biến động mạnh.

TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá, việc điều chỉnh biên độ tỷ giá hối đoái của Ngân hàng Nhà nước phù hợp với xu thế chung của các đồng tiền khác, nhưng ở mức độ nhẹ hơn rất nhiều. Theo tính toán, đồng Việt Nam mất giá khoảng 7%, tỷ lệ khá thấp so với các quốc gia khác, nhờ chính sách điều hành của cơ quan quản lý theo hướng ổn định giá trị đồng nội tệ.

Trong quý III, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng tỷ giá bán ra thêm 3 lần, với tổng mức điều chỉnh khoảng 3%, lên mức 23.925 VND/USD, đồng thời liên tục bán ngoại tệ can thiệp ra thị trường (ước tính hơn 9 tỷ USD). Bên cạnh đó, chênh lệch lãi suất hoán đổi VND-USD cũng được điều tiết tăng mạnh lên quanh mức 2%.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, việc điều chỉnh biên độ tỷ giá hối đoái của Ngân hàng Nhà nước giúp xuất khẩu không bị thua thiệt và cơ quan này không phải sử dụng nhiều ngoại tệ để can thiệp vào thị trường hối đoái. Ngân hàng Nhà nước sử dụng nhiều biện pháp đồng bộ gồm tăng lãi suất, điều chỉnh tỷ giá hối đoái, mua - bán ngoại tệ để giải quyết tình trạng USD tăng giá, trên cơ sở đó giữ được mức độ ổn định của cán cân vãng lai.

“Tất nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ có những bất lợi nhất định, nhưng một chính sách được ban hành không thể làm hài lòng tất cả mọi thành phần trong nền kinh tế”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Trên thị trường chứng khoán, VND mất giá dường như đã được phản ánh vào giá, thị trường giảm và nhà đầu tư nước ngoài bán ròng. Nhưng phiên giao dịch sau ngày 17/10 khi có quyết định điều chỉnh tỷ giá, thị trường xanh, chỉ số phục hồi trở lại.

Với những phân tích ở trên thì biến động tỷ giá trong hai quý tới có thể định lượng được nên dễ dàng phản ánh, chiết khấu vào giá cổ phiếu doanh nghiệp.

Tin bài liên quan