Doanh nghiệp châu Âu quan ngại chính sách thuế

Doanh nghiệp châu Âu quan ngại chính sách thuế

(ĐTCK) Các vấn đề xung quanh chính sách ưu đãi thuế được nhiều ngành cùng nêu lên, đặc biệt là về việc triển khai thực hiện.

Sách Trắng 2014 “Các vấn đề thương mại/đầu tư và kiến nghị” được Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) chính thức công bố ngày 11/11 tiếp tục phản ánh những khó khăn mà các DN châu Âu vẫn phải đối mặt khi hoạt động tại Việt Nam. Sách Trắng “nhắc nhở” Việt Nam về các cam kết gia nhập WTO cũng như hiệp định thương mại tự do với EU tới đây.

Cần minh bạch và nhất quán chính sách thuế

Thuế là một chủ đề được thảo luận xuyên suốt trong Sách Trắng 2014. Các vấn đề xung quanh chính sách ưu đãi thuế cũng được nhiều ngành cùng nêu lên, đặc biệt là về việc triển khai thực hiện.

Các thành viên EuroCham nhấn mạnh rằng, các quy định hiện hành không cho phép áp dụng chính sách ưu đãi thuế một cách thống nhất.

Trên thực tế, chính sách ưu đãi thuế đã thực sự trở thành một hệ thống phi thể thức, trong đó, việc áp dụng phần lớn tùy thuộc vào các cơ quan thuế địa phương qua cách diễn giải của họ về cơ sở cấp ưu đãi.

Ví dụ, danh sách các khu vực được hưởng điều kiện đầu tư thuận lợi và ưu đãi hiện nay vừa được quy định trong pháp luật về đầu tư, vừa được quy định trong pháp luật về thuế (thuế nhập khẩu, thuế thu nhập DN). Do có sự chồng chéo như vậy nên các cơ quan thuế chỉ áp dụng điều kiện thuận lợi và ưu đãi về đầu tư chiếu theo luật pháp về thuế, chứ không áp dụng những quy định của Luật Đầu tư.

Các thành viên của EuroCham trong ngành công nghiệp xe máy cũng bày tỏ những quan ngại xung quanh chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN đối với các hoạt động đầu tư mở rộng.

Doanh nghiệp châu Âu quan ngại chính sách thuế ảnh 1

Chính sách thuế thiếu rõ ràng, nhất quán vẫn là băn khoăn của nhiều thành viên EuroCham

Ngày 19/6/2013, Quốc hội đã thông qua Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập DN, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Tuy nhiên, luật này lại không quy định rõ: liệu hoạt động đầu tư mở rộng thực hiện trước ngày 1/1/2014 có được hưởng ưu đãi thuế cho thời gian còn lại hay không, nếu đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết.

“Chính phủ cần đảm bảo rằng, việc áp dụng ưu đãi thuế là minh bạch và nhất quán giữa các cơ quan thuế khác nhau và phản ánh đúng mục đích của khung pháp lý đó là nhằm khuyến khích đầu tư. Đồng thời, đảm bảo áp dụng có hiệu quả các cam kết về thuế theo WTO và các hiệp định thương mại liên quan khác”, Sách Trắng khuyến nghị.

 

Nên tham vấn doanh nghiệp trong quá trình làm luật

Các thành viên EuroCham nêu rõ rằng, nhiều ngành đã có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, tuy nhiên, những thách thức chính lại nằm ở khâu thực thi.

Vấn đề này trở nên nghiêm trọng khi một văn bản luật được ban hành nhưng phải một thời gian dài sau đó mới có nghị định/thông tư hướng dẫn thi hành.

Đến thời điểm các văn bản pháp luật liên quan được ban hành thì nội dung hoặc việc hiểu về luật đó có thể đã thay đổi. Ngoài ra, các quy tắc và quy định thường được các cơ quan chính quyền địa phương diễn giải và áp dụng khác nhau, gây ra sự thiếu rõ ràng và không nhất quán.

Các công ty sản xuất hàng tiêu dùng nhanh của EuroCham (FMCG) nhấn mạnh, mặc dù Luật Quảng cáo được ban hành cho thấy, Việt Nam đang hướng đến một hệ thống quản lý “hậu kiểm”, trong đó tập trung vào việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, nhưng trên thực tế, các bộ có liên quan lại có xu hướng hướng tới một cơ chế “tiền kiểm”, đòi hỏi sản phẩm và quy trình phải được phê duyệt trước.

Các thành viên EuroCham cho rằng, việc hệ thống hóa các quy trình và sự phối hợp hiệu quả hơn giữa các cơ quan quản lý sẽ giúp tăng cường việc thực thi pháp luật, từ đó góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroCham chia sẻ, “vẫn còn nhiều DN cảm thấy lo ngại rằng, việc thay đổi các luật lệ sẽ có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh trong năm 2014. Điều này càng nhấn mạnh sự cần thiết phải tham vấn quan điểm của cộng đồng DN trong quá trình làm luật, nhằm tránh tình trạng phản tác dụng khi thực thi các quy định”.

Sách Trắng kiến nghị, Chính phủ cần tạo tính nhất quán và hệ thống giữa các văn bản pháp luật để phản ánh đúng tinh thần của khung pháp lý; đảm bảo thực thi pháp luật một cách nhất quán ở các cấp địa phương/khu vực; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý khác nhau; phân biệt và làm rõ vai trò, trách nhiệm của các bộ/ngành chịu trách nhiệm thực thi pháp luật và giảm bớt thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục hải quan.

 

Các cam kết thương mại cần đảm bảo được thực hiện

EU và Việt Nam đang trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Hiệp định này dự kiến sẽ hoàn tất và được ký kết vào cuối năm 2014, có thể mở rộng hơn nữa quan hệ thương mại và cơ hội đầu tư vì lợi ích của cả EU và Việt Nam.

Nếu tham gia FTA với EU, GDP của Việt Nam ước tính sẽ tăng hơn 15% so với hiện tại, tiền lương thực tế của lao động có tay nghề cao có thể tăng khoảng 12%, tiền lương thực tế của lao động phổ thông có thể tăng khoảng 13% và giá trị xuất khẩu có thể tăng gần 35%.

“Tuy nhiên, những lợi ích tiềm năng từ FTA có thể bị suy giảm nếu Việt Nam không cam kết hoàn toàn và bảo đảm thực thi hiệu quả các quy định thương mại quốc tế”, một chuyên gia kinh tế nhận định.

Theo cam kết WTO, từ năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài có quyền thành lập công ty mới 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra, Nghị định 58/2012/NĐ-CP, ngày 20//7/2012, cho phép các NĐT nước ngoài sở hữu 100% vốn điều lệ của công ty chứng khoán đang hoạt động hoặc thành lập một công ty môi giới mới 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các DN niêm yết Việt Nam (trừ công ty chứng khoán) vẫn còn giới hạn ở mức 49% theo quy định hiện hành.

Tương tự như vậy, các yêu cầu bắt buộc với NĐT trong nước và nước ngoài liên quan đến mua bán và sáp nhập DN (M&A) cũng khác nhau. Nếu hoạt động mua lại được tiến hành giữa hai đối tác trong nước, bên mua chỉ cần thực hiện một quy trình đăng ký khá đơn giản hoặc yêu cầu bên bán cập nhật tên của bên mua vào hồ sơ cổ phần của mình. Trong khi đó, các NĐT nước ngoài khi mua lại cổ phần của các công ty trong nước thường buộc phải có hai giấy phép riêng biệt.

“Chính phủ cần đảm bảo thực hiện các cam kết thương mại đã và sẽ ký kết trong tương lai, đồng thời xây dựng một khuôn khổ pháp lý và làm rõ các quy định hiện hành để tạo điều kiện cho các DN nước ngoài tiếp cận bình đẳng thị trường Việt Nam, qua đó thu hút vốn đầu tư và tạo việc làm cho lao động trong nước”, Sách Trắng khuyến nghị.

Ông Csaba Bundik, Giám đốc điều hành của EuroCham nhận định: “Việt Nam cần phải chứng tỏ mình vẫn là một thị trường cạnh tranh trong khu vực và tăng chỉ số môi trường kinh doanh trở lại mức trước suy thoái. Chúng tôi tin rằng, nếu các vấn đề đề cập trong Sách Trắng 2014 của EuroCham được giải quyết thành công, sẽ góp phần cải thiện tình hình kinh doanh và thu hút nhiều hơn các DN châu Âu đầu tư vào Việt Nam”.