Doanh nghiệp chọn nhiều kịch bản cho 2020

Doanh nghiệp chọn nhiều kịch bản cho 2020

(ĐTCK) Đặt ra nhiều kịch bản để chủ động hơn trước những biến động chưa lường trước từ dịch bệnh và các yếu tố khách quan, đó là cách nhiều doanh nghiệp đang tính toán cho chỉ tiêu kinh doanh 2020 sắp trình đại hội. 

Khối doanh nghiệp dầu khí lên kế hoạch thận trọng

Kết thúc tháng 1/2020, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, mọi hoạt động của Tập đoàn được duy trì ổn định, với tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 66,3 nghìn tỷ đồng, vượt 16,2% kế hoạch tháng.

Nộp ngân sách Nhà nước tháng 1 đạt 8,3 nghìn tỷ đồng, vượt 17,1% kế hoạch tháng.

Tuy nhiên, PVN dự báo tình hình trong nước và thế giới trong tháng 2 cũng như trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn bởi những rủi ro bất định từ thị trường, dịch bệnh, thiên tai… cùng với giá dầu thế giới biến động khó lường.

Trước tình hình đó, Tổng giám đốc Tập đoàn đã ra chỉ thị yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác dự báo, chủ động ứng phó với các diễn biến của thị trường trước tác động tiêu cực của dịch bệnh do nCoV gây ra, giảm thiểu tối đa thiệt hại cũng như tận dụng cơ hội để có kế hoạch sản xuất và tiếp cận thị trường một cách kịp thời và hợp lý.

Tổng CTCP Kỹ thuật dầu khí - PTSC (PVS) cho biết, hoạt động chính trong mảng kinh doanh dịch vụ nên PTSC phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. PTSC đã lên kế hoạch lợi nhuận năm 2020 khoảng 700 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức thực hiện trong năm 2019.

Kế hoạch này đang chờ sự chấp thuận của Tập đoàn dầu khí.

Theo đại diện PTSC, sự thận trọng trong năm 2020 là điều cần thiết trong bối cảnh thị trường dịch vụ dầu khí vẫn còn nhiều biến động, chưa kể dịch bệnh đang tác động chung đến nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Công ty cũng lường trước những khó khăn có thể xảy ra, đó là dự án trong nước khan hiếm, giá dịch vụ duy trì ở mức thấp và cạnh tranh vô cùng khốc liệt.

Việc đặt kế hoạch thấp so với mức thực hiện trong năm 2019 là điều mà cổ đông của nhiều doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận trong kỳ đại hội đồng cổ đông sắp tới.

Nhiều doanh nghiệp đã sớm đưa ra bức tranh kế hoạch năm 2020 để cổ đông nắm rõ và có sự đồng thuận với dự kiến từ Hội đồng quản trị.

Ðơn cử, Tổng CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn, năm nay đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 1.289 tỉ đồng, giảm 41,4% so với con số đạt được năm 2019.

Một số ngành liên quan nhiều đến hoạt động xuất, nhập khẩu như dệt may, thủy sản cũng được nhìn nhận sẽ chịu tác động lớn trong năm 2020.

Mới đây, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đề nghị các doanh nghiệp hội viên gửi báo cáo về tác động của dịch bệnh tới tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Như chia sẻ của ông Vũ Ðức Giang, Chủ tịch Vitas, ngành dệt may Việt Nam đang có quan hệ thương mại 2 chiều rất lớn với Trung Quốc.

Ðặc biệt, nguyên phụ liệu dệt may, xơ sợi, vải đang được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, trong đó nhập khẩu vải chiếm gần 60% trong tổng số 13,5 tỷ USD của năm 2019, xơ sợi chiếm 55%, với 2,42 tỷ USD.

Hiện tại, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp niêm yết có tâm lý “ngại” chia sẻ các thông tin liên quan đến kế hoạch kinh doanh, bởi kế hoạch có thể sẽ phải thay đổi phụ thuộc vào tình trạng dịch bệnh và những yếu tố bất thường xảy ra trước ngày đại hội.

Tổng giám đốc của một doanh nghiệp dệt may cho biết, ở thời điểm này, khó có thể đánh giá một cách tổng quan những tác động của đại dịch đến doanh nghiệp, song chắc chắn ảnh hưởng là tiêu cực.

Hiện tại, đối với nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, việc tạm thời cấm nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ ít nhiều tác động đến tiến độ của các đơn hàng đã ký với các đối tác…

Từ những lý do bất khả kháng, doanh nghiệp càng phải khai thác nhiều hơn nguyên liệu ở thị trường nước cũng như chủ động nhập các nguyên phụ liệu từ các thị trường khác. Bởi vậy ông Giang cho rằng, rất khó để đưa ra một kịch bản về kế hoạch kinh doanh năm 2020.

Ngoài dầu khí, dệt may, theo báo cáo nhanh của nhiều CTCK mới đây, một số ngành được dự báo sẽ có những kế hoạch thận trọng trong năm 2020 do có thể ảnh hưởng từ bênh dịch như bán lẻ, thủy sản, bia, dầu khí, chứng khoán, cảng biển và vận chuyển, dịch vụ sân bay, hàng không…

Chọn cách xây nhiều kịch bản cho 2020

Xây dựng kế hoạch kinh doanh theo nhiều kịch bản có thể sẽ là cách được nhiều doanh nghiệp thực hiện trong năm 2020. Lý do là việc đưa ra các kịch bản khác nhau sẽ giúp DN ứng biến tốt hơn, cũng như sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực.

Tổng CTCP dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (SVC) chia sẻ, hoạt động kinh doanh trong năm 2019 của Tổng công ty gặp không ít khó khăn, đặc biệt là mảng dịch vụ thương mại chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các chính sách về ô tô.

Tuy vậy, SVC sẽ tập trung nguồn lực phát triển hệ thống đại lý ô tô với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận gộp bình quân 20%/năm trong 2 năm tới.

Dù đặt mục tiêu chung là tăng trưởng, nhưng theo SVC, kế hoạch kinh doanh năm 2020 sẽ xây dựng dựa trên 3 kịch bản lần lượt xấu, trung bình và tốt, bởi nhiều mảng hoạt động của SVC có thể sẽ bị tác động lớn từ bệnh dịch.

Ðơn cử, Trung tâm thương mại Savico MegaMall hay Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Melisa Center… đang và có thể sẽ còn sụt giảm mạnh công suất khai thác nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát sớm.

Trước đây, khi xây dựng kế hoạch kinh doanh, nhiều doanh nghiệp trong ngành dầu khí đã từng đưa ra nhiều kịch bản dựa trên biến động của giá dầu.

Một số công ty chứng khoán cũng từng xây dựng phương án kinh doanh dựa trên biến động của chỉ số chứng khoán.

Với những gì đang diễn ra trên thị trường, việc xây dựng nhiều kịch bản có thể làm cho các cổ đông khó hơn trong định giá giá trị tương lai của doanh nghiệp nhưng là cách hợp lý để doanh nghiệp chủ động hơn trong bối cảnh môi trường kinh doanh biến động bất thường hiện nay.

Trong góc nhìn chung về dự báo bức tranh doanh nghiệp năm 2020, một số CTCK cho rằng, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2020 sẽ đạt khoảng 15%-18%.

Tuy nhiên, theo CTCK Vietinbank, nếu loại trừ nhóm ngành ngân hàng thì tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ chỉ còn 7% và nếu tiếp tục loại nhóm Vingroup ra khỏi rổ tính toán, con số tăng trưởng lợi nhuận có lẽ chỉ khoảng 3%.

Trong bức tranh chung của nền kinh tế, mới đây, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết, nếu dịch Corona được kiểm soát trong quý I thì mức độ tăng trưởng GDP năm 2020 dự kiến là 6,27%.

Nếu dịch kéo dài và được kiểm soát trong quý II, tăng trưởng GDP dự kiến là 6,09%. Cả 2 kịch bản này đều thấp hơn so với mục tiêu 6,8% được Chính phủ và Quốc hội đề ra cho năm nay.

Tin bài liên quan