Hiện vẫn có 25% nhóm hàng chịu sự kiểm tra đồng thời của nhiều cơ quan

Hiện vẫn có 25% nhóm hàng chịu sự kiểm tra đồng thời của nhiều cơ quan

Doanh nghiệp chưa thôi “ấm ức” về kiểm tra chuyên ngành

(ĐTCK) Gần 30% quy định bất hợp lý về thông quan hàng hoá liên quan đến thủ tục kiểm tra chuyên ngành ở các văn bản pháp lý của các bộ, ngành chưa được sửa, nên vẫn là những rào cản lớn, gây khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp (DN) trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Đây là con số thống kê mới nhất vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố tại kết quả khảo sát tình hình triển khai thực hiện các Nghị quyết 19 của Chính phủ về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, do CIEM phối hợp với Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) thực hiện mới đây.

Chuyên gia Phạm Thanh Bình - đại diện GIG cho biết, phần lớn DN tham gia khảo sát đều phàn nàn về thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo Thông tư 19/2012/TT-BYT của Bộ Y tế đã được đặt ra ở Nghị quyết 19/2015 và Nghị quyết 19/2016.

Theo phản ánh của các DN, nhiều quy định trên 2 lĩnh vực này rất bất hợp lý, không phù hợp với thực tiễn, gây tốn kém chi phí cho DN, đặc biệt là các thủ tục chứng nhận hợp quy. Điều đáng nói là những thủ tục này dù đã được DN kiến nghị sửa đổi nhiều lần, song đến nay hầu như chưa có sự cải thiện, bất chấp chủ trương đơn giản hóa các thủ tục chuyên ngành của Chính phủ tại các Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh đã triển khai từ hơn 4 năm qua. 

Bên cạnh đó, các DN cũng phản ánh một tồn tại khác là chi phí cho việc kiểm tra còn khá lớn, trong khi kết quả kiểm tra lô hàng trước lại không được cơ quan quản lý thừa nhận đối với lô hàng cùng loại khác và vẫn phải tiếp tục kiểm tra, gây lãng phí thời gian và tài chính cho DN.

Theo số liệu thống kê được công bố tại kết quả khảo sát, hiện vẫn có 25% nhóm hàng chịu sự kiểm tra đồng thời của nhiều cơ quan. Đó là chưa kể việc tham vấn giá, định giá hàng hóa để tính thuế còn phức tạp, chủ yếu do cơ quan quản lý áp đặt một chiều, khiến các DN "ấm ức" do thiếu chính xác và chưa thực sự công bằng.

Ông Vũ Quốc Tuấn, đại diện Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) cho biết, cứ 5 lô hàng DN nhập về thì 1 lô bị cơ quan chức năng giữ lại kiểm tra chuyên ngành, cho dù lô hàng này đã được chứng minh không có rủi ro, DN có kết quả và lịch sử hoạt động tốt.

“Theo quy định hiện hành, chỉ các mặt hàng khác nhau thì mới cần kiểm dịch. Nếu vẫn kiểm tra một cách cứng nhắc như trên tức là vẫn gây khó khăn cho DN. Đây là điều bất hợp lý mà các cơ quan chức năng cần nhanh chóng loại bỏ”, ông Tuấn đề nghị.

Liên quan đến kiểm dịch, một doanh nghiệp sản xuất cà phê sữa hòa tan phản ánh, sản phẩm của họ bị kiểm tra một cách “quá đáng” khi cơ quan chức năng yêu cầu bóc đồng loạt sản phẩm để... kiểm tra dấu hiệu dịch bệnh bên trong!

“Để tạo ra sản phẩm cà phê sữa, buộc phải cho sữa sấy khô vào cà phê và đóng gói thành sản phẩm. Sản phẩm của chúng tôi cũng giống như các loại cà phê đóng gói pha với sữa của các hãng hàng không Việt Nam đang sử dụng phổ biến trên các chuyến bay. Vậy các sản phẩm của các hãng này có phải kiểm dịch? Nếu đã kiểm dịch sản phẩm cà phê sữa đóng gói, thì tất cả các loại cà phê pha sữa tương tự cũng đều phải kiểm dịch”, đại diện DN trên nêu vấn đề.

Không chỉ có vậy, điều khiến DN này bức xúc hơn cả là cách thức kiểm tra của cơ quan quản lý gây tổn hại cho DN cả về thời gian và chi phí. Theo phản ánh của đại diện EuroCham, khi lấy mẫu kiểm tra, cơ quan chức năng không chỉ lấy 1 mẫu mà yêu cầu lấy 5 mẫu. Với đơn giá hơn 970.000 đồng/mẫu, DN mất tới gần 5 triệu đồng cho một lần kiểm định.

“Chi phí cũng như thời gian, công sức của DN cho khâu kiểm dịch hiện nay là rất lớn. Cùng với đó, thủ tục kiểm tra rườm rà, phức tạp còn làm lỡ đơn hàng xuất khẩu của DN, bởi phải mất hơn 2 tháng để hoàn tất các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Đây là những nguyên nhân gây bức xúc cho DN”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo đề nghị của đại diện Eurocham, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nhanh chóng bổ sung, sửa đổi các quy định liên quan tại Thông tư 25/2016 theo hướng loại bỏ các sản phẩm có nguy cơ thấp như sữa đã chế biến khỏi danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành để tránh gây phiền toái, cũng như tổn thất cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước thực trạng bất cập này, các chuyên gia của CIEM và GIG cho rằng, các cơ quan hữu quan, đặc biệt là các bộ chủ quản, cần xem xét bổ sung, sửa đổi các văn bản hướng dẫn để sớm thực hiện việc giảm 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, qua đó xóa bỏ các rào cản và vướng mắc cho DN.

Đồng thời, cần tăng cường và nâng cao hiệu quả kết nối giữa các cơ quan quản lý, thống nhất nâng cao mức độ công nhận kết quả kiểm tra giữa các cơ quan, khuyến khích cơ chế hợp tác và phản biện từ phía DN để tạo thuận lợi cho DN...     

Tin bài liên quan