Các ngân hàng lo ngại rủi ro gia tăng khi hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch Covid-19

Các ngân hàng lo ngại rủi ro gia tăng khi hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch Covid-19

Doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ từ ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp khốn đốn, nhưng chờ đợi ngân hàng “rủ lòng thương” là rất khó…

Tuy hai mà một, tuy một mà hai

Ông Phan Thanh Tịnh, Giám đốc Công ty TNHH Thuỷ sản Việt Âu cho biết, ông có khoản vay tại Sacombank chi nhánh Đồng Nai là 3 tỷ đồng đến kỳ trả vào ngày 28/8/2021, thời điểm tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Đồng Nai vẫn đang rất phức tạp. Ông cố gắng thu xếp để trả 2,45 tỷ đồng, còn lại 550 triệu đồng đề nghị được Ngân hàng giãn nợ, nhưng bị từ chối.

“Tôi đã gọi điện trao đổi, thậm chí nhắn tin với vị trưởng phòng tín dụng doanh nghiệp là chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước rằng hệ thống ngân hàng phải triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có vấn đề giãn, hoãn nợ, nhưng vị trưởng phòng nói không có. Hơn 1 tháng sau, tôi thu xếp trả nốt phần nợ còn lại thì vị trưởng phòng thông báo, tại anh không gửi văn bản đề nghị hỗ trợ giãn, hoãn nợ nên doanh nghiệp bị đưa vào danh sách nợ xấu”, ông Tịnh kể.

Với việc bị đưa vào danh sách nợ xấu, thông tin được chuyển lên Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), Công ty sẽ gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng trong thời gian tới và cần ít nhất 12 tháng để đưa doanh nghiệp quay lại nhóm A. Điều ông Tịnh thấy tiếc là tài sản cá nhân còn nhiều, có thể thế chấp ngân hàng khác để vay tiền nhằm thanh toán khoản nợ, nhưng không thể tiến hành các thủ tục vay bởi giãn cách xã hội.

Trong khi đó, từ khi dịch bệnh bùng phát, nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động sản xuất nên các nhà phân phối tập trung vào doanh nghiệp của ông. Điều khó khăn là để duy trì hoạt động của doanh nghiệp, ông không được nợ tiền nhà cung cấp, nhưng các đại lý phân phối thì công nợ lên đến gần 20 tỷ đồng và việc thu hồi rất khó khăn, đặc biệt ở khu vực miền Tây.

“Giao dịch thanh toán qua Internet banking và Mobile banking chỉ được khoảng 20%, còn lại chủ yếu là tiền mặt trao tay. Đại lý có tiền để thanh toán thì không ra ngân hàng để chuyển khoản được, bởi với Chỉ thị 16, người dân gần như không được ra đường”, ông Tịnh cho hay.

Trước câu hỏi của Đầu tư Chứng khoán, liệu có vấn đề gì khác khiến nhân viên ngân hàng thiếu sự hợp tác với doanh nghiệp, ông Tịnh nói: “Có lẽ nhân viên ngân hàng cần phải cho vay để đảm bảo doanh số nên muốn tôi vay tiếp nhằm đáo hạn khoản nợ cũ, trong khi tôi không muốn vay tiếp. Tình hình còn khó khăn, tôi không còn đủ sức để tiếp tục vay vốn ngân hàng rồi “bao” các đại lý. Do đó, tôi xác định dừng vay vốn ngân hàng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, mà bán các tài sản đang có để duy trì cầm chừng đến khi tình hình có những tín hiệu tốt hơn nên đề nghị Sacombank cho trả chậm khoản nợ còn lại. Nhưng tôi đã không nhận được “bàn tay chìa ra” từ ngân hàng này”.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) nêu quan điểm, câu chuyện của doanh nghiệp cũng là chuyện của ngân hàng. Ngân hàng kinh doanh tiền, doanh nghiệp vay tiền để kinh doanh, khi “có chuyện” thì phải xúm vào giải quyết.

“Ngân hàng và doanh nghiệp tuy hai là một, nhưng khi có vấn đề thì chúng ta tuy một mà là hai, tôi không đồng ý như vậy”, ông Kỳ nhấn mạnh.

“Cần có hành động mạnh mẽ hơn từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Bởi xét cho đến cùng, chờ các ngân hàng rủ lòng thương doanh nghiệp là rất khó, vì đây cũng chỉ là mối quan hệ giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp”, ông Tịnh nói.

Bài toán vẫn đợi lời giải

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, Việt Nam từng triển khai gói hỗ trợ lãi suất lớn trong năm 2009 vì suy giảm kinh tế thời điểm đó rất mạnh do khủng hoảng tài chính năm 2008. Mức tài trợ khi đó là 4 - 5% lãi suất và riêng gói tài trợ lãi suất trị giá khoảng 17.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, gói kích cầu tín dụng bằng lãi suất cho vay này “lợi ít, hại nhiều”, nên về cơ bản là thất bại.

Hầu hết doanh nghiệp không thể tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất vì điều kiện quá ngặt nghèo.

Nguyên nhân chính là do tăng trưởng tín dụng được nới lỏng quá mức. Năm 2009, tăng trưởng tín dụng lên tới 37,5%, trong khi năm 2008 là 25,4% và năm 2010 là 31,2%. Theo đó, lạm phát năm 2009 ở mức 6,88%, năm 2010 tăng lên 11,75% và năm 2011 dù tăng trưởng tín dụng giảm còn 14,4% nhưng lạm phát lên tới 18,13%. Trong khi đó, GDP tăng không nhiều, năm 2009 là 5,32%, năm 2010 là 6,78%, năm 2011 là 5,89%.

“Tăng trưởng kinh tế bị lạm phát làm xói mòn, còn hệ thống ngân hàng sau đó chịu hậu quả nặng nề, thậm chí rơi vào tình trạng nguy hiểm với phần lớn các ngân hàng bị mua với giá 0 đồng hay bị sáp nhập chủ yếu đều “dính” từ thời điểm đó và hệ lụy đến bây giờ vẫn chưa xử lý xong”, TS. Nghĩa nói.

TS. Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm, về lý thuyết, khi lãi suất giảm thì số doanh nghiệp vay vốn sẽ nhiều hơn, bởi họ chấp nhận rủi ro để mở rộng sản xuất. Khi số doanh nghiệp tham gia vay vốn nhiều thì quy mô của nền kinh tế sẽ được đẩy lên, thu nhập của người lao động cũng tăng, đồng nghĩa với GDP tăng. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ hầu hết đều bế tắc. Doanh nghiệp không thể tiếp cận được vì điều kiện quá ngặt nghèo, đặc biệt trong vấn đề bảo toàn vốn, nghĩa là doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp, hay chứng minh phương án kinh doanh có lợi nhuận để trả lãi ngân hàng.

Theo ông Thúy, điểm khó nhất bây giờ là xác định được rủi ro và ai là người chịu trách nhiệm rủi ro này? Nếu nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng cụt vốn thì ai chịu trách nhiệm? Đây là vấn đề cần tháo gỡ, không thể tháo gỡ được thì vấn đề hỗ trợ vẫn là bế tắc.

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới khuyến cáo: “Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cho vay có mục tiêu thường xảy ra tình trạng thiếu minh bạch về lý do, cơ sở kinh tế cho việc thực hiện, quy mô và cách thức phân bổ các khoản vay này, bao gồm các khoản vay dành cho doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp lớn tiên phong của quốc gia đang gặp khó khăn tài chính. Rủi ro không thanh toán được của các khoản vay cuối cùng có thể được chuyển từ khu vực kinh tế thực sang khu vực tài chính, vì vậy khu vực tài chính có thể trở nên dễ bị tổn thương hơn theo thời gian”.

TS. Nghĩa đặt vấn đề: “Điều phải quan tâm đó là chúng ta sẽ chấp nhận nợ xấu của các ngân hàng ở mức độ nào?”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Kỳ cho hay, ông hiểu rõ “cái mất” của ngân hàng cũng như một số vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ của giai đoạn trước mà đến nay vẫn chưa giải quyết được hệ lụy.

“Nhưng rõ ràng, cái được của nền kinh tế là rất lớn. Đời sống của người dân tăng lên, chi phí tiêu dùng tăng, tốc độ phát triển của nền kinh tế thời gian qua đều tăng thì sao không ai để ý, tại sao chỉ chăm chăm vào một số thứ mà ngần ngại?”, ông Kỳ nói.

Tin bài liên quan