Doanh nghiệp lo thiếu tài sản thế chấp, ngân hàng lo thiếu niềm tin

Lãi suất cho vay không còn là vấn đề quá nóng, song nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng do điều kiện cho vay chặt chẽ. Trong khi đó, phía ngân hàng khẳng định sẵn sàng cho vay, nhưng doanh nghiệp phải minh bạch để tạo niềm tin.
Doanh nghiệp lo thiếu tài sản thế chấp, ngân hàng lo thiếu niềm tin

Lãi suất không còn là vấn đề khó nhất

Bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ Thái Nguyên, Tổng giám đốc Công ty Thương mại Thái Hưng Vinh cho rằng, mặt bằng lãi suất hiện tại là mức mà rất nhiều năm nay doanh nghiệp mới được hưởng. Trước đây, doanh nghiệp thường mua L/C (thư tín dụng) trả chậm để lãi suất rẻ, nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp lựa chọn hình thức L/C trả ngay vì lãi suất đang rất ưu đãi.

Dù cho rằng, lãi suất cho vay vẫn giảm chậm hơn lãi suất huy động, song bà Vinh thừa nhận, lãi suất không phải là vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp lúc này. “Khó khăn lớn nhất lúc này là thị trường, đơn hàng và vấn đề pháp lý. Khâu cải cách thủ tục hành chính đang rất chậm so với yêu cầu phát triển của doanh nghiệp, nhiều bộ luật chồng chéo nhau gây khó khăn cho doanh nghiệp”, bà Vinh nói.

Tương tự, ông Vũ Văn Biên, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và sản xuất CaCO3 Quang Sơn cho hay, quan hệ tín dụng ngân hàng - doanh nghiệp giờ đã khác. Thay vì xin - cho, ngân hàng đúng nghĩa là đồng hành, chung tay cùng doanh nghiệp.

Tuy vậy, ông Biên vẫn đề nghị, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần có chính sách cho vay ưu đãi với doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp nặng. Đồng thời, khâu thủ tục pháp lý cũng cần được tháo gỡ. Dự án của công ty ông đã được hàng chục ngân hàng gặp gỡ, trao đổi, song tiếp cận vốn vẫn rất chậm do vướng thủ tục pháp lý.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác phản ánh khó khăn liên quan đến hạn mức cho vay, tài sản đảm bảo, đảo nợ... Mặc dù NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN về giãn nợ, cơ cấu nợ, song khi doanh nghiệp đặt vấn đề giãn nợ, có ngân hàng lại hướng dẫn doanh nghiệp tất toán khoản vay, sau đó làm thủ tục vay mới. Dù vậy, sau khi doanh nghiệp xoay xở được tiền để tất toán, thì ngân hàng không cho vay mới tiếp.

Vấn đề nữa là giá bất động sản giảm, ngân hàng đánh giá lại tài sản đảm bảo và hạ thấp hạn mức tín dụng, dẫn tới doanh nghiệp khó khăn trong đảm bảo vốn cho kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Một số doanh nghiệp đề nghị NHNN nới lỏng điều kiện cấp tín dụng để doanh nghiệp dễ bề tiếp cận vốn...

Muốn ngân hàng tin, doanh nghiệp cần minh bạch

Nguyên nhân khiến lãi vay giảm chậm hơn lãi suất huy động là do cuối năm ngoái, lãi suất huy động tăng cao, các ngân hàng vẫn tồn dư một lượng lớn vốn huy động giá cao này, nên phải cân đối các nguồn vốn. Thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí để giảm thêm lãi suất với cả các khoản vay hiện hữu, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp.

- Bà Bùi Thuý Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN)

Theo ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), các ngân hàng thương mại đang chịu nhiều áp lực, nếu không cho vay ra thì không đảm bảo được chỉ tiêu tăng trưởng, còn cho vay không cẩn thận lại dẫn tới nợ xấu, nguy cơ bị kỷ luật. Vì vậy, các ngân hàng thương mại buộc phải lựa chọn các doanh nghiệp tốt, có triển vọng để cho vay, thủ tục không quá khắt khe song vẫn phải đảm bảo an toàn.

“Với các doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời, nhưng có phương án khả thi, biết tôn trọng chữ tín, thì ngân hàng cần tạo điều kiện cho vay. Để làm được điều này, các ngân hàng phải nâng cao năng lực thẩm định, đánh giá được khó khăn nào là tạm thời, khó khăn nào là cố hữu. Cán bộ tín dụng bên cạnh lắng nghe thuyết minh phương án của doanh nghiệp, phải tư vấn cho doanh nghiệp các phương án kinh doanh khả thi. Cần có sự chung tay, đồng hành của ngân hàng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cung ứng vốn cho nền kinh tế”, ông Bắc nhấn mạnh.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng, khó khăn của doanh nghiệp hiện nay không phải do thiếu vốn, mà do thiếu thị trường, sức khỏe giảm sút hậu Covid-19. Mặc dù cam kết sẵn sàng cung ứng vốn cho doanh nghiệp, song nhiều ngân hàng kỳ vọng doanh nghiệp cần có giải pháp để tạo niềm tin.

“Doanh nghiệp cần tiếp tục chuẩn hóa, minh bạch hệ thống báo cáo kế toán, kiểm toán để tạo niềm tin cho ngân hàng, đồng thời từng bước chuyển đổi số để việc cấp tín dụng thuận tiện hơn”, ông Hoàng Ngọc Phương, Phó tổng giám đốc VietinBank kiến nghị.

Đại diện Ngân hàng MB mong rằng, doanh nghiệp cần thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh và kiểm soát chi phí một cách hiệu quả, nâng cao năng lực quản trị điều hành, minh bạch báo cáo kế toán để ngân hàng có cơ sở cho vay.

Riêng về vấn đề nới lỏng tín dụng, đại diện NHNN khẳng định, trong điều kiện nền kinh tế hiện nay, điều này là không khả thi, có thể gây rủi ro cho cả nền kinh tế. Mặc dù vậy, NHNN đã cho phép các tổ chức tín dụng chủ động về điều kiện vay của từng khách hàng, không phải khách hàng nào cũng bắt buộc tài sản đảm bảo. Nếu các khách hàng đã có thời gian làm việc lâu dài, trọng chữ tín, chỉ gặp khó khăn tạm thời, ngân hàng vẫn có thể linh hoạt cho vay mà không cần tài sản đảm bảo.

Tin bài liên quan