Lãi vay giảm, tín dụng được kỳ vọng sẽ cải thiện mạnh mẽ

Lãi vay giảm, tín dụng được kỳ vọng sẽ cải thiện mạnh mẽ

Lãi suất cho vay sẽ giảm nhanh hơn lãi suất huy động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Bùi Thành Trung, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Kinh doanh tiền tệ và đầu tư, Ngân hàng Phương Đông (OCB) nhận định, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm và nhu cầu tín dụng gia tăng trở lại trong những tháng cuối năm nay.

Ông có nhận định như thế nào về xu hướng lãi suất từ nay cho tới cuối năm 2023?

Những tháng còn lại của năm 2023, chúng tôi dự đoán, lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục giảm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cơ sở của dự đoán này là lạm phát được kiểm soát cách biệt so với mục tiêu (3,5% so với 4,5%). Bên cạnh đó, sức cầu còn yếu, khu vực sản xuất - kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cán cân thanh toán cân bằng và có thặng dư nên việc duy trì lãi suất thấp không tạo ra áp lực quá lớn lên tỷ giá (mức biến động của tỷ giá trong biên độ +/3% là chấp nhận được). Ngoài ra, lãi suất giảm và giữ ở mặt bằng thấp là điều kiện cần thiết và hợp lý để cân bằng lợi ích giữa các chủ thể trên thị trường tài chính xét trên tương quan cung cầu về tín dụng

Theo ông, lãi suất cho vay liệu có giảm mạnh trong thời gian tới?

Ông Bùi Thành Trung, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Kinh doanh tiền tệ và đầu tư, Ngân hàng Phương Đông (OCB)

Ông Bùi Thành Trung, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Kinh doanh tiền tệ và đầu tư, Ngân hàng Phương Đông (OCB)

Tương quan lãi suất giữa huy động và cho vay thường có độ trễ khoảng 3 - 6 tháng. Đỉnh điểm lãi suất huy động tăng cao là tháng 11 - 12 năm ngoái và bắt đầu hạ nhiệt nhanh từ cuối quý I/2023. Theo đó, lãi suất cho vay giảm rõ nét kể từ quý III/2023.

Chúng tôi nhận định, trong những tháng cuối năm 2023, lãi suất cho vay sẽ giảm nhanh hơn lãi suất huy động do 2 yếu tố: tác động của việc giảm chi phí vốn được chuyển hóa đầy đủ hơn sang lãi suất cho vay tới khách hàng; yêu cầu hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước và nhu cầu cạnh tranh tự thân của các tổ chức tín dụng nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tốt hơn so với giai đoạn đầu năm. Dự báo, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên sẽ về mặt bằng 5 - 6%/năm, lãi suất cho vay ngắn, trung và dài hạn bình quân trong vùng 7 - 10%/năm.

Tăng trưởng tín dụng hiện ở mức thấp, vậy có thể kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trở lại trong những tháng cuối năm nay?

Theo dự báo của chúng tôi, tín dụng toàn ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng 8 - 10% trong những tháng cuối năm 2023.

Tổng cầu của thế giới đang dần hồi phục, đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc, giúp hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam được cải thiện. Ngoài ra, thị trường bất động sản - khu vực thu hút nguồn vốn tín dụng rất lớn, cũng được kỳ vọng phục hồi dần. Lãi suất giảm sẽ tạo động lực tăng nhu cầu tín dụng để tiêu dùng (mua nhà, mua xe, đầu tư tài sản) hoặc mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Chúng tôi nhận định, nhóm ngành tạo động lực tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm và cả năm 2023 là bán buôn, bán lẻ; xuất nhập khẩu; sản xuất hàng tiêu dùng; cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và hy vọng ngành bất động sản cũng sẽ có sự đảo chiều mạnh mẽ.

Riêng tại OCB, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong việc hỗ trợ khách hàng phục hồi kinh doanh, chúng tôi xác định mục tiêu tập trung triển khai từ nay đến hết năm 2023 các chương trình hỗ trợ lãi, phí; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính; đơn giản hóa, rút ngắn quy trình, thủ tục cho vay...

Có nghĩa, cầu vốn của doanh nghiệp và cá nhân sẽ cải thiện khi các kênh đầu tư đang hồi phục dần, thưa ông?

Tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong nửa cuối năm nay, tổng cầu của thị trường tăng nhanh. Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán là những thị trường thu hút rất nhiều nguồn vốn của nền kinh tế cũng dần hồi phục và sôi động trở lại. Cộng thêm lãi suất giảm, chắc chắn nhu cầu tín dụng của khách hàng doanh nghiệp trong dịp cuối năm sẽ tăng cao. Đây là cơ hội để ngành ngân hàng đẩy mạnh tín dụng, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng được triển khai đồng bộ ở hầu hết tổ chức tín dụng, chúng tôi nhận định, nhu cầu tiếp cận vốn vay sẽ tăng đáng kể và các doanh nghiệp có cơ hội hồi phục mạnh mẽ trong giai đoạn cuối năm 2023.

Với khách hàng cá nhân, thanh khoản ngân hàng dồi dào, mặt bằng lãi suất cho vay mới đang ở mức thấp. Do đó, nhu cầu tín dụng sẽ tập trung vào nhóm ngành bán buôn, bán lẻ; xuất nhập khẩu; sản xuất hàng tiêu dùng; cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay mua nhà để ở.

Theo ông, cái khó đối với doanh nghiệp và cá nhân khi vay vốn hiện nay là gì? Hiện OCB áp dụng mức lãi suất cho vay đối với cá nhân ở mức bao nhiêu?

Vấn đề của doanh nghiệp hiện nay là sức mua yếu trước bối cảnh thị trường khó khăn nên họ cũng chưa mặn mà với việc vay vốn kinh doanh. Còn với khách hàng cá nhân, kinh tế khó khăn tác động lên thu nhập và chi tiêu, song cầu vốn mua nhà của cá nhân vẫn có. Đồng hành cùng khách hàng cá nhân, OCB đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 1 - 2,5%/năm và triển khai 8 gói lãi suất kích cầu cùng nhiều lựa chọn ưu đãi tùy vào nhu cầu của từng đối tượng khách hàng, mức lãi suất chỉ từ 6,5%/năm cho sản xuất - kinh doanh, 7,5%/năm cho vay mua nhà. Với ưu đãi lãi suất, kỳ vọng tín dụng cá nhân sẽ tăng mạnh hơn trong những tháng còn lại của năm 2023.

Với phân khúc khách hàng doanh nghiệp, OCB liên tục triển khai các gói hỗ trợ lãi suất như giảm đến 2,5%/năm khi vay USD; gần đây nhất là gói ưu đãi lãi suất VND chỉ từ 6,99%/năm cho các khoản vay có kỳ hạn ngắn từ 3 tháng trở xuống và từ 7,99%/năm cho các khoản vay từ 6 tháng trở lên, với tổng hạn mức chương trình đến 2.400 tỷ đồng, triển khai từ nay đến hết 31/10/2023.

Nợ xấu ngành ngân hàng nói chung và tại OCB thời gian qua có xu hướng tăng. Làm thế nào để giảm áp lực này?

Nợ xấu tăng là tình hình chung của toàn hệ thống ngân hàng bởi những biến động từ thị trường, nền kinh tế khiến doanh nghiệp các ngành đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, tại OCB, công tác này đang được kiểm soát tốt và nhiều khoản nợ xấu đã được xử lý thu hồi nợ. Chúng tôi đặc biệt chú trọng công tác quản trị nợ, xem xét và đưa ra các cảnh báo từ rất sớm nhằm ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn thành nợ quá hạn, nợ xấu mới, tập trung nguồn lực để xử lý những tồn đọng cũ.

Bên cạnh đó, đối với khách hàng doanh nghiệp, công tác cơ cấu nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, chúng tôi cũng đang triển khai và tuân thủ theo tinh thần của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ khách hàng. Về cơ bản, nếu khách hàng đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, chúng tôi sẽ hỗ trợ cơ cấu nợ một cách kịp thời. Với các khách hàng cá nhân, chúng tôi cũng thực hiện cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng có phương án cơ cấu lại sản xuất - kinh doanh; triển khai các chương trình miễn, giảm lãi suất, áp dụng các gói lãi suất ưu đãi.

Tin bài liên quan