Doanh nghiệp mía đường bị hàng lậu "ép" sân

Doanh nghiệp mía đường bị hàng lậu "ép" sân

Có công ty mở tờ khai tạm nhập tái xuất đường sang Trung Quốc nhưng lại bán trong nội địa. Như vậy, đây là hàng lậu tiêu thụ trong nước với giá rẻ vì không phải chịu thuế.

Đó là những lo lắng của các doanh nghiệp mía đường tại buổi ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác chống buôn lậu, gian lận thương mại ngành hàng đường ngày hôm 7/9.

 

Tại miền Bắc, cảng Hải Phòng là nơi tập kết đường lậu “nóng” nhất. Trong đó, các đối tượng buôn lậu thường sử dụng hình thức đường tạm nhập tái xuất. Theo ông Nguyễn Văn Ba, Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc, tại cảng Hải Phòng hiện có 199 container đường, tương đương khoảng 5.000 tấn quá thời hạn nằm tại cảng để chờ thời cơ tạm nhập tái xuất. “Còn 82 container đường đang lang thang ngoài cảng Hải Phòng, không biết sẽ được vận chuyển đi đâu và về đâu”, ông Ba lo ngại.

 

Riêng tại dòng sông Sê Pôn, chạy qua Khu Kinh tế thương mại Lao Bảo-Quảng Trị cũng ngày đêm “sốt xình xịch” với buôn lậu đường. Trung bình mỗi ngày, người dân có thể vác qua từ 20-30 tấn hàng lậu, trong đó đường cũng là mặt hàng “nóng” của các đối tượng buôn lậu này.

 

Theo ông Nguyễn Văn Tho, đại diện Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Trung, mới đây, lực lượng chức năng đã phát hiện trường hợp Công ty Vĩnh Phúc Cường có trụ sở tại Lao Bảo mở tờ khai tạm nhập tái xuất đường sang Trung Quốc nhưng rồi lại bán ngay trong nội địa. Như vậy, có thể thấy đường tạm nhập tái xuất là đường nhập lậu để tiêu thụ trong nước với giá rẻ vì không phải chịu thuế.

 

Tại các tỉnh phía Nam , đường lậu cũng đang “nóng” trên sông Châu Đốc-An Giang. “Khu vực sông Châu Đốc được ví như chi nhánh thứ 2 của Bộ Công thương điều tiết đường trong nước. Trung bình 1 ngày mỗi 1 điểm kho vận chuyển khoảng 70-80 tấn mà dọc điểm Châu Đốc đã có tới 4 kho. Cứ như vậy, không biết một ngày lượng đường lậu đi trên sông Châu đốc sẽ không kể xiết. Nhất là tại thời điểm này khi Tết Trung thu đang đến gần, nhà làm bánh cần một lượng đường lớn, mà giá đường trong nước đang cao hơn giá đường Thái Lan”, ông Nguyễn Đỗ Kim, Đội phó Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam nói.

 

Đường nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam đang “giết” chết đường trong nước một cách không thương tiếc. Bởi theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, mỗi năm, cả nước có khoảng 300.000-400.000 tấn đường nhập lậu từ Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ… chiếm 1/3 sản lượng mía đường cả nước. Đó là chưa kể, số đường nhập lậu này khiến ngân sách bị thất thu 3 lần thuế.

 

Cụ thể là 5% thuế nhập khẩu, tương đương vớ 250 tỷ đồng; 5% thuế VAT, tương đương với 250 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp cũng bị thất thoát khoảng 150 tỷ đồng. Như vậy, mỗi năm ngân sách thất thu khoảng 650 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Diệp Kỉnh Tần, cả nước có hơn 30 nhà máy đường, mà các sản phẩm từ các nhà máy này hoàn toàn khác biệt nhau vì vậy rất khó để cán bộ chống buôn lậu phân biệt đâu là đường sản xuất trong nước, đâu là đường lậu. Vì vậy, chỉ có thể bằng cách là các doanh nghiệp sử dụng các loại bao bì, nhãn mác có những nhận biết đặc trưng sau đó gửi cho cơ quan phòng chống buôn lậu giúp công tác nhận diện được dễ dàng hơn.

 

Tuy nhiên ông Tần khuyến cáo, các doanh nghiệp trong nước cần tính tới các giải pháp hạ chi phí giá thành sản xuất vì không lâu nữa thuế suất nhập khẩu đường giữa các nước Asean sẽ về 0, lúc đó không còn đường lậu nhưng các doanh nghiệp cũng chịu sức ép lớn hơn.

 

Bên cạnh đó, để giải quyết trước mắt tình trạng đường lậu này, Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục hải quan) và Hiệp hội mía đường Việt Nam đã thống nhất ký biên bản về trao đổi, cung cấp thông tin, hỗ trợ kỹ thuật phục vụ cho công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.