Mía trong vùng nguyên liệu của SOSUCO bị thương lái thu mua, vận chuyển đi bán… ở nơi khác

Mía trong vùng nguyên liệu của SOSUCO bị thương lái thu mua, vận chuyển đi bán… ở nơi khác

Doanh nghiệp mía đường "khóc ròng" do bị tranh cướp vùng nguyên liệu

0:00 / 0:00
0:00
Đổ tiền tỷ vào vùng nguyên liệu và ký kết hợp đồng bao tiêu với người dân, nhưng Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng (SOSUCO) đang phải “khóc ròng”, kêu cứu vì bị tranh cướp vùng nguyên liệu.

Đầu tư tiền tỷ để bao tiêu

SOSUCO là công ty cổ phần và là doanh nghiệp duy nhất sản xuất đường ở Sóc Trăng với công suất ép bình quân 2.700 tấn mía cây/ngày, sản lượng đường hàng năm khoảng 35.000 tấn. Với thâm niên trên 10 năm và ngành nghề chính là sản xuất đường, SASUCO là thương hiệu nổi tiếng tại thị trường Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM.

Theo SOSUCO, doanh nghiệp đang bước vào chính vụ sản xuất mía đường 2021 - 2022 và buộc phải làm đơn kêu cứu khắp nơi bởi nguy cơ tan hoang vùng mía nguyên liệu, mất trắng tiền đầu tư và vỡ kế hoạch sản xuất do vùng nguyên liệu bị tranh cướp.

Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng giám đốc SASUCO cho biết, thương lái tổ chức thu mua mía trong vùng nguyên liệu của SOSUCO để bán cho nhà máy đường ở Tây Ninh gây nhiễu loạn vùng nguyên liệu, ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động của SOSUCO nói riêng và thị trường mía đường trong nước nói chung.

SOSUCO có nguy cơ phải dừng sản xuất sớm do thiếu mía và mất vốn đầu tư do không thu hồi được từ việc thu mua mía. Việc này không chỉ thiệt hại cho doanh nghiệp, mà còn tạo bất lợi cho các chính sách phòng vệ của Việt Nam, đặc biệt là việc điều tra chống lẩn tránh mà Bộ Công thương đang thực hiện.

Cụ thể, để chuẩn bị cho vụ sản xuất 2021 - 2022, trước đó, SOSUCO đã ký hợp đồng đầu tư trực tiếp với người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng với gần 2.000 ha mía. Toàn bộ diện tích này, Công ty đã đầu tư giống, phân bón, chi phí nhân công… với tổng giá trị đầu tư đến thời điểm này là trên 15 tỷ đồng. Thậm chí, Công ty còn hỗ trợ toàn bộ lãi vay đầu tư để người dân có điều kiện chăm sóc mía và cải thiện thu nhập từ việc trồng mía.

Theo hợp đồng đã ký, thì người dân nhận đầu tư, cam kết bán toàn bộ sản lượng mía trên diện tích mà SOSUCO đã đầu tư và Công ty cam kết thu mua hết sản lượng này.

Từ cuối năm 2021, để chuẩn bị cho công tác thu mua mía theo hợp đồng đầu tư đã ký với các hộ dân, SOSUCO đã thông báo chính sách thu mua mía vụ 2021 - 2022 đến tất cả các địa bàn trong vùng nguyên liệu. Công ty còn phối hợp với các địa phương vùng mía triển khai các hội nghị phổ biến chính sách thu mua mía vụ 2021 - 2022 và chính sách đầu tư thu mua mía vụ 2022 - 2023 để người dân yên tâm mở rộng diện tích.

Theo đó, giá mua mía vụ 2021 - 2022 được SOSUCO công bố công khai ở mức 1,1 triệu đồng/tấn mía sạch 10 CCS (giá mua tại ruộng bốc lên phương tiện vận chuyển của bên mua, chi phí vận chuyển mía về nhà máy đường Sóc Trăng do Công ty chịu). Ngoài ra, các hộ thực hiện đúng cam kết của hợp đồng đầu tư thu mua mía, thì Công ty sẽ hỗ trợ thêm từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/tấn mía sạch.

“Chết đứng” đúng thời điểm quan trọng

Thời điểm được SASUCO xác định thu mua mía để sản xuất là cuối năm 2021. Nhưng cũng ngay từ tháng 12/2021 đến nay, thương lái từ nhiều nơi ồ ạt đến thu mua mía trong vùng nguyên liệu của Công ty để đưa đi Tây Ninh bán cho các nhà máy đường khác. Thậm chí, các thương lái còn tổ chức lập điểm thu mua, lắp đặt cẩu mía tại huyện Long Phú ngay giữa vùng nguyên liệu của SASUCO.

Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng giám đốc SOSUCO cho biết, trung bình mỗi ngày, vùng nguyên liệu của Công ty “bốc hơi” khoảng 500 đến 600 tấn mía do thương lái thu mua. Nhiều hộ dân đã… thản nhiên phá hợp đồng với SOSUCO, tự ý thu hoạch mía bán cho thương lái vận chuyển ra ngoài vùng.

“Việc các thương lái tranh mua mía ở vùng nguyên liệu mà SOSUCO đã đầu tư đưa đi bán cho các nhà máy đường khác gây mất ổn định ở địa phương, nhiễu loạn vùng nguyên liệu và ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động của Công ty nói riêng và thị trường mía đường trong nước nói chung. Công ty có nguy cơ phải dừng sản xuất sớm do thiếu mía và mất vốn đầu tư do không thu hồi được từ việc thu mua mía”, ông Hiếu nói.

Ở vào thế ngặt ngèo, ngoài đơn kêu cứu gửi tới các bộ, ngành, Hiệp hội Mía đường Việt Nam, SASUCO còn đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, chính quyền địa phương các cấp hỗ trợ Công ty trong việc bảo vệ vùng nguyên liệu, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp đóng trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thậm chí, SASUCO còn đề nghị cả Công an tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các đơn vị của ngành phối hợp với các cơ quan liên quan, kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển mía mua tranh trong vùng nguyên liệu của Công ty đưa ra ngoài tỉnh, gây thiệt hại cho sản xuất của Công ty và thất thu thuế cho địa phương; đề nghị Cục Thuế tỉnh Sóc Trăng thu thuế đối với các thương lái tổ chức thu mua mía trong vùng nguyên liệu mà Công ty đã đầu tư để bán ra ngoài vùng.

Bao giờ hết vấn nạn?

Không riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, tại các vùng nguyên liệu mía ở các địa phương khác cũng xảy ra tình trạng doanh nghiệp thông qua “bàn tay thương lái” để tranh cướp vùng nguyên liệu của nhau.

Đơn cử, Nhà máy Đường An Khê (Gia Lai) đã liên kết với hàng trăm hộ dân tiến hành xây dựng vùng nguyên liệu mía với tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Khi nhà máy đang xây dựng kế hoạch thu mua nguồn nguyên liệu mía trên diện tích đã đầu tư để chuẩn bị bước vào vụ ép 2021 - 2022, thì thương lái ồ ạt tới thu mua rồi vận chuyển đi các nhà máy ở Kon Tum, Phú Yên.

Nhìn lại bức tranh ngành mía đường thời gian gần đây, có thể thấy, sau khi mở cửa cho thị trường ASEAN từ ngày 1/1/2020, đường giá rẻ Thái Lan tràn vào Việt Nam đã khiến ngành sản xuất mía đường trong nước lao đao. Tổng diện tích trồng mía vụ 2020 - 2021 giảm 16,27% so với vụ trước. Trong vụ ép 2020 - 2021, sản lượng mía nguyên liệu đưa vào các nhà máy đường chỉ đạt 6.739.417 tấn mía (so với dự kiến đầu vụ là 7.498.060 tấn), là vụ có sản lượng mía tiêu thụ, đưa vào chế biến thấp nhất trong 20 vụ gần đây. Trong số 41 nhà máy của ngành mía đường, đến nay chỉ còn 24 nhà máy đang hoạt động, 17 nhà máy còn lại đã ngừng sản xuất hoặc phá sản.

Tuy nhiên, đến tháng 2/2021, Bộ Công thương quyết định đánh thuế tạm thời và đến tháng 6/2021, đánh thuế đường nhập khẩu chính thức ở mức 47,64%. Đến tháng 9/2021, Bộ Công thương đã khởi động điều tra chống lẩn tránh với đường Thái Lan đi qua các nước ASEAN để vào Việt Nam. Các động thái này nhằm mục tiêu cao nhất là tiêu thụ hết mía cho nông dân, bảo đảm vụ mùa có lời.

Oái oăm là, dù giải pháp kịp thời, nhưng vùng nguyên liệu lại chưa kịp hồi phục. Đó là chưa nói, còn quá nhiều nhà máy đường không hoặc đầu tư rất ít vùng nguyên liệu, mà dùng “bàn tay” thương lái để “tranh cướp”. Trong khi đó, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá đường thế giới đang ở mức cao nhất trong 4 năm gần đây, chi phí vận chuyển quốc tế cũng đang ở mức cao.

Thế nên, khả năng tình trạng tranh cướp nguyên liệu mía đường sẽ “đến hẹn lại lên”. Cần lưu ý rằng, tình trạng tranh mua mía nguyên liệu không lành mạnh giữa các nhà máy đường thông qua chính sách “ngầm” đã xuất hiện từ rất lâu, đã được đề cập rất nhiều và có thể dễ dàng nhận thấy, việc làm này sẽ phá vỡ mối liên kết giữa các nhà máy đường và nông dân trồng mía, gây bất ổn định cho sự phát triển của các vùng mía tập trung.

Đáng tiếc là, đến nay, vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng này.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, việc đưa ra các giải pháp để đối phó với tình trạng cạnh tranh mua vùng nguyên liệu là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội niên vụ 2021 - 2022. Cụ thể, 5 nhiệm vụ của Hiệp hội bao gồm:

Một là, củng cố phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường. Trong đó, quan trọng nhất là nông dân và nhà máy đường phải cùng nhau thỏa thuận, thiết lập được hệ thống chia sẻ tỷ lệ lợi nhuận từ việc sản xuất 1 tấn đường, theo một tỷ lệ nhất định (70:30 hoặc 65:35), nhằm đảm bảo được vị thế bình đẳng của nông dân và nhà máy đường trong mối liên kết.

Hai là, cần phải minh bạch hóa khâu phân tích chữ đường (CCS) và đánh giá tỷ lệ trừ tạp chất của các nhà máy đường, tạo sự tin tưởng của nông dân để yên tâm đầu tư thâm canh tăng năng suất mía.

Ba là, tăng cường liên kết ngang giữa các hộ nông dân với hộ nông dân, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, nông trường trồng mía tập trung, áp dụng giống mía mới, cơ giới hóa đồng bộ và biện pháp thâm canh tiên tiến để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả trồng mía và chế biến đường.

Bốn là, xây dựng các nguyên tắc để thống nhất trong Hiệp hội Mía đường Việt Nam về các biện pháp đối phó với hiện tượng các nhà máy tranh mua mía được đầu tư bởi nhà máy khác. Bên cạnh đó, cần xây dựng thị trường đường lành mạnh, phát triển hài hòa, áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Năm là, phòng chống các hành vi gian lận thương mại đường. Trong bối cảnh Việt Nam đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành đường, giá đường trong nước tăng cao hơn so với trước đây, các hành vi gian lận thương mại đường càng có nguy cơ xảy ra với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.

Tin bài liên quan