Bị chậm hoàn thuế GTGT từ hàng tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp cao su lâm cảnh khốn đốn

Bị chậm hoàn thuế GTGT từ hàng tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp cao su lâm cảnh khốn đốn

Doanh nghiệp thêm kiệt quệ vì bị “giam” tiền hoàn thuế - Bài 3: Mong tiền hoàn thuế quay về để còn sống mà… đóng thuế

0:00 / 0:00
0:00
Không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu “vàng trắng” (cao su) và doanh nghiệp gỗ, kể cả doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sắn hay doanh nghiệp kinh doanh máy tính cũng đang khốn đốn vì bị chậm hoàn thuế GTGT. Đến mức, tại Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TP.HCM mới đây, một doanh nghiệp đã phải thốt lên rằng: “Chúng tôi không sản xuất, kinh doanh được nữa, thì lấy tiền đâu đóng thuế?”.

Doanh nghiệp điện tử “rên xiết”

Chờ đợi mãi cũng tới ngày diễn ra Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TP.HCM (ngày 23/12/2022), Công ty TNHH Phát triển kỹ thuật số Việt (quận 3, TP.HCM) khấp khởi cử đại diện tới dự. Hội nghị này do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp cùng Cục Thuế TP.HCM tổ chức, được kỳ vọng sẽ giải đáp những khúc mắc lớn của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Theo hướng dẫn, Công ty đã gửi câu hỏi tới Ban Tổ chức từ trước. Nhưng do Hội nghị chỉ diễn ra trong 3 giờ (trong đó đã mất gần nửa thời gian cho việc hướng dẫn chính sách thuế năm 2022), có hàng trăm câu hỏi từ các doanh nghiệp, mà câu hỏi của Công ty về vấn đề hoàn thuế lại được “xếp lịch” cuối cùng, nên gần đến lượt thì… hết giờ.

Đại diện Công ty TNHH Phát triển kỹ thuật số Việt cho biết, Công ty kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin, cung cấp máy tính và những thiết bị liên quan. Đối tượng khách hàng là những nhà máy, công ty trong khu phi thuế quan, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, Khu chế xuất Tân Thuận. Theo quy định, Công ty được hưởng thuế suất 0%, được khấu trừ thuế GTGT gần 900 triệu đồng.

Ngày 1/11/2022, Công ty TNHH Phát triển kỹ thuật số Việt gửi văn bản đề nghị được hoàn thuế GTGT và được cơ quan thuế chuyển sang diện “kiểm trước hoàn sau”, thời hạn kiểm tra là 40 ngày.

Tuy nhiên, sau đó, khi làm việc, một cán bộ thuế cho biết, phía cơ quan thuế đang có văn bản phải xác minh 100% hóa đơn đầu vào mới được hoàn thuế; nếu không xác minh đủ, sẽ yêu cầu ngừng hoàn thuế.

“Công ty chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ, hiện tại cũng rất khó khăn, thiếu nguồn tiền để hoạt động. Chúng tôi rất cần số tiền hoàn thuế GTGT quay về để có thể tạm giải quyết khó khăn trong kinh doanh”, đại diện Công ty TNHH Phát triển kỹ thuật số Việt nói.

Ngành sắn có nguy cơ thụt lùi, mất thị phần

Vấn đề hoàn thuế GTGT cho các mặt hàng xuất khẩu của ngành gỗ, cao su đang gặp nhiều trở ngại với quy trình xác minh nguồn gốc phức tạp, không nhất quán cách làm giữa các địa phương, không nhất quán giữa thời gian xác minh được công bố (40 ngày) với thời gian thực tế (có thể lên tới nhiều tháng, thậm chí cả năm), làm đọng vốn với số tiền rất lớn của doanh nghiệp. Vấn đề này đã được Ban IV báo cáo Thủ tướng tại kỳ báo cáo tháng 4 - 5/2021. Ở thời điểm hiện tại, việc chậm hoàn thuế càng tạo ra thách thức rất lớn cho doanh nghiệp vì doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền.

(Báo cáo của Ban IV gửi Thủ tướng Chính phủ)

Tại nhiều diễn đàn, hội nghị ở TP.HCM, gần đây nhất là cuộc đối thoại với cơ quan thuế, hải quan do Bộ Tài chính phối hợp cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cuối tháng 11/2022, đại diện các doanh nghiệp trong nhiều ngành hàng cũng nêu ý kiến bức xúc về vấn đề hoàn thuế GTGT.

Theo ông Phạm Vũ Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Sắn Việt Nam, Tổng cục Thuế có nhiều công văn chỉ đạo cục thuế địa phương rà soát, xác minh khách hàng mua hàng phía Trung Quốc đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế của doanh nghiệp xuất khẩu sắn, tương tự như với các doanh nghiệp cao su.

Oái oăm là, theo chính thừa nhận của lãnh đạo ngành thuế, thì ngành này không có chức năng điều tra ban đầu, nên không xác định được số lượng doanh nghiệp, nguyên liệu, nên phải nhờ cơ quan điều tra xác định giúp.

Từ đó, dẫn đến việc dừng hoàn tiền thuế GTGT của doanh nghiệp sắn, tổng cộng đến thời điểm hiện tại khoảng 1.000 tỷ đồng.

Hiệp hội Sắn Việt Nam phản ánh, việc này đã kéo dài hơn 2 năm, Hiệp hội và doanh nghiệp đã có nhiều kiến nghị, nhưng chưa có tiến triển. Ông Hà cho rằng, việc chậm hoàn thuế GTGT nếu còn kéo dài, không được tháo gỡ sẽ khiến ngành sắn có nguy cơ thụt lùi, thị phần thuộc về đối thủ cạnh tranh. Trong khi, sắn là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD mỗi năm. Hiện trên cả nước có hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu mặt hàng này, tạo việc làm cho hơn 1,2 triệu lao động.

Hiện nay, thị trường xuất khẩu sắn lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc (chiếm tới 93%). Các doanh nghiệp trong ngành đang phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ từ Thái Lan, Indonesia…

Không chỉ ngành nông sản, ông Tomoki Kawasaki, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH Điện lực Vân Phong (Khánh Hòa), cho biết, việc chậm được hoàn thuế GTGT của Công ty đã kéo dài 2 năm, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nghị định số 49/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/9/2022 đã quy định rõ về hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, cơ quan thuế địa phương vẫn chậm hoàn thuế với lý do chờ thông tư hướng dẫn của Tổng cục Thuế. Vì bị chậm hoàn thuế, nên doanh nghiệp phải huy động nguồn vốn để bù đắp, phát sinh chi phí lãi vay và thua lỗ vì chênh lệch tỷ giá.

Hàng loạt doanh nghiệp, hiệp hội ngành nông sản “kêu cứu”

Hiện cơ quan thuế áp dụng hóa đơn điện tử, tờ khai thuế điện tử…, nhưng lại kéo dài quá trình xác minh cả năm nay. Cơ quan thuế nên xem xét sớm hoàn thuế cho doanh nghiệp để chúng tôi có nguồn vốn kinh doanh, để còn đóng thuế, nếu không thì chúng tôi khó tồn tại được!.

- Bà Trần Lệ Thu, đại diện Công ty TNHH Thương mại Hòa Thuận

(doanh nghiệp xuất khẩu cao su đang bị “giam” tiền hoàn thuế GTGT lên tới hơn 50 tỷ đồng)

Đại diện Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính Việt Nam, có trách nhiệm tư vấn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các sáng kiến cải cách quy định hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh…) cho biết, gần đây, Ban nhận được văn bản “kêu cứu” của hàng loạt doanh nghiệp, hiệp hội ngành nông sản về việc chậm hoàn thuế GTGT.

Trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng, nội dung này đã được Ban IV xác minh, nhận định cùng kiến nghị khá chi tiết.

Cụ thể, Ban IV cho rằng, quy trình hoàn thuế GTGT phức tạp với doanh nghiệp nông nghiệp nói chung kéo dài, khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn trong bối cảnh cạn kiệt nguồn tiền.

Đặc biệt, mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước đang được coi là mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế, nên phải chịu sự tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp giữa các cục thuế với rất nhiều cơ quan như công an, hải quan, chính quyền địa phương… trong việc xác minh nguồn gốc gỗ, khiến thời gian kéo dài, quy trình phức tạp.

Các yêu cầu chi tiết trong việc xác minh nguồn gốc gỗ nguyên liệu của cơ quan thuế đang không nhất quán với các quy định có liên quan theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng không sát với thực trạng của chuỗi cung hiện tại.

Không những vậy, biện pháp xác minh không nhất quán giữa các địa phương và nhiều biện pháp vận dụng không đúng hoặc không được nêu trong quy trình. Ví dụ, ở Thanh Hóa sử dụng camera giao thông để đánh giá các chuyến xe có ra vào khu vực rừng hay không, nhưng không cho doanh nghiệp tiếp cận dữ liệu và giải trình hoặc phản biện; ở các tỉnh khác lại sử dụng các biện pháp khác khiến doanh nghiệp rất khó khăn trong quá trình làm việc với cơ quan nhà nước.

Ban IV cho rằng, đây chính là một trong những rào cản từ quá trình thực thi các quy định pháp lý liên quan làm ảnh hưởng tới môi trường đầu tư và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh. Việc hoàn lại thuế GTGT cho doanh nghiệp cần phải xem là trọng tâm để tháo gỡ.

Theo phản ánh của một doanh nghiệp tại Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TP.HCM (ngày 23/12/2022), nguyên nhân dẫn đến việc chậm hoàn thuế GTGT, ngoài quy trình xác minh quá phức tạp và mất nhiều thời gian, thì còn do những điều kiện mà doanh nghiệp không thể đáp ứng được.

Cụ thể, ngành thuế quy định: “Công ty phải đề nghị khách hàng nước ngoài yêu cầu ngân hàng (nơi khách hàng đề nghị chuyển tiền thanh toán) cung cấp cho ngân hàng ở Việt Nam về thông tin tài khoản ngân hàng đã chuyển tiền thanh toán có liên quan. Khi có xác nhận của ngân hàng ở Việt Nam, cơ quan thuế tiếp tục xem xét hoàn thuế theo quy định”.

Đại diện doanh nghiệp này cho biết, theo thông lệ quốc tế, chứng từ thanh toán qua ngân hàng (giấy báo có) không bao giờ thể hiện số hiệu tài khoản thanh toán của người trả (hoặc chuyển) tiền, nên doanh nghiệp không thể đáp ứng được.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan