Doanh nghiệp thêm kiệt quệ vì bị “giam” tiền hoàn thuế - Bài 4: Xác minh, bao giờ cho tới… bao giờ?

0:00 / 0:00
0:00
Mong chờ mãi mới tới buổi đối thoại với ngành thuế, hàng loạt doanh nghiệp lại thất vọng khi vấn đề nóng nhất là việc chậm hoàn thuế liên quan đến sinh tồn của mình thì bị Cục Thuế TP.HCM… bỏ lại.
Sản phẩm gỗ là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, nhưng nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ đang lao đao vì bị chậm hoàn thuế.

Sản phẩm gỗ là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, nhưng nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ đang lao đao vì bị chậm hoàn thuế.

Bài 4: Xác minh, bao giờ cho tới… bao giờ?

Giám đốc điều hành một công ty cay đắng nói rằng, doanh nghiệp chậm nộp thuế liền bị phạt ngay, còn cơ quan thuế chậm trễ trong việc xét hoàn thuế chậm cả năm thì ai phạt? Hết “đường lùi”, có doanh nghiệp đang tính tới phương án khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại.

“Chúng tôi đã phải trả lãi vay 4 tỷ đồng rồi”

Tại cuộc đối thoại giữa Cục Thuế TP.HCM và doanh nghiệp mới đây, dù đã làm hồ sơ kiến nghị gửi Ban Tổ chức từ sớm, nhưng do… hết giờ nên không nói được gì, bà Trần Lệ Thu, đại diện Công ty TNHH Thương mại Hòa Thuận (TP.HCM) vội chạy ngay ra chỗ ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cố nói vớt vát: “Nay hết giờ sớm quá, doanh nghiệp bức xúc xin hỏi anh về hoàn thuế GTGT khi nào trả cho doanh nghiệp? Mình đã có luật pháp hết rồi! Cơ quan thuế đã áp dụng hóa đơn điện tử, tờ khai thuế điện tử hết rồi! Tại sao doanh nghiệp chậm nộp thuế, chậm khai hóa đơn thì bị phạt, tính lãi tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày, trong khi doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế thì… Chúng tôi yêu cầu là, làm sao để trả tiền cho các doanh nghiệp kinh doanh, chứ doanh nghiệp đã không có tiền kinh doanh, lại phải đóng lãi vay. Vậy doanh nghiệp phá sản hay nước ngoài họ kiện (do vỡ hợp đồng - PV), các doanh nghiệp chúng tôi ra tòa án quốc tế, thì… chúng tôi cứ chỉ lên “ông” Cục Thuế…!”.

Ông Dũng chỉ biết đáp lại là… “sẽ ghi nhận và sẽ trả lời sau”.

Theo bà Trần Lê Thu, Công ty TNHH Thương mại Hòa Thuận là doanh nghiệp xuất khẩu cao su hàng đầu Việt Nam. Công ty đang bị “giam” tiền hoàn thuế GTGT lên tới hơn 50 tỷ đồng, trong khi phải trả lãi vay đến nay đã gần 4 tỷ đồng.

Không riêng bà Thu, do buổi đối thoại hết giờ nên không được trả lời, đại điện Công ty TNHH TM Hoàng Dũng (doanh nghiệp mua bán, sản xuất, chế biến mủ cao su, đang bị chậm hoàn thuế gần 23 tỷ đồng) cũng “chen” tới gần ông Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM năn nỉ: “Các doanh nghiệp chúng tôi bị chậm hoàn thuế 50 tỷ đồng đến cả 100 tỷ đồng. Các anh nghiên cứu chỉ đạo giúp. Hồ sơ của Công ty chúng tôi nằm trên bàn anh rồi đấy”.

Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cũng chỉ… cười, hỏi lại tên doanh nghiệp rồi... “hôm nào anh em mình sẽ gặp nhau!”.

Công ty TNHH TM Hoàng Dũng mang đến buổi đối thoại thực trạng nóng bỏng, nhức nhối: Từ năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp cao su vẫn chưa được Cục Thuế TP.HCM giải quyết hoàn thuế GTGT, doanh nghiệp nhiều nhất khoảng 100 tỷ đồng, doanh nghiệp ít cũng khoảng 20 - 30 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến ách tắc xuất phát từ việc Cục Thuế TP.HCM tiến hành xác minh chứng từ hóa đơn nguồn gốc của mặt hàng cao su mua vào đến khâu cuối cùng (tức là xác minh các khâu trung gian F1, F2, F3, F4... đến Fn). Trên thực tế, việc xác minh hết tất cả các khâu trung gian mất rất nhiều thời gian và có khả năng không thể thực hiện được, kéo dài thời gian được hoàn thuế của các doanh nghiệp. Trong khi đó, quy định hiện hành có giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp bằng cách hoàn thuế trước, kiểm tra sau, thì không được áp dụng. Ngoài ra, cơ quan thuế cũng yêu cầu chứng từ thanh toán tiền hàng xuất khẩu phải thể hiện thông tin của người trả hoặc người chuyển tiền. Trong khi theo quy định tại Thông tư số 46 đối với thanh toán quốc tế không yêu cầu vấn đề này.

“Do đó, đề nghị lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM trả lời căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật nào để đưa ra các yêu cầu trên?” là câu hỏi của đại diện Công ty TNHH TM Hoàng Dũng. Tuy nhiên, sự việc liên quan đến sự tồn vong của doanh nghiệp này được Ban Tổ chức xếp… cuối và vì hết giờ sớm, nên không được trả lời.

Sẽ… vẫn tích cực xác minh

Trả lời báo chí về vấn đề chậm hoàn thuế, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM nói: “Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh công tác xác minh, rà soát theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế. Đối với doanh nghiệp, sau khi rà soát mà làm theo đúng quy định, thì chúng tôi sẽ tiến hành hoàn thuế”.

Theo phản ánh của một doanh nghiệp (xin không nêu tên), thực tế không hẳn vậy. Bằng chứng, sau khi hoàn tất bổ sung hồ sơ giải trình theo yêu cầu, giữa doanh nghiệp này và cơ quan thuế đã ký biên bản hoàn thành kiểm tra từ tháng 9/2022, song đến nay vẫn chưa nhận được quyết định hoàn thuế kỳ hoàn tháng 3/2022.

Do kỳ hoàn thuế tháng 3/2022 xử lý chưa xong, dẫn tới các kỳ tiếp theo ách tắc, khiến tổng tiền hoàn thuế của doanh nghiệp này bị chậm tới nay gần 50 tỷ đồng.

Và, không phải chỉ mới đây Cục Thuế TP.HCM mới “nợ” trả lời việc hoàn thuế, mà đã nhiều lần trước đó. Cụ thể, như lời ông Võ Hoàng An, Phó chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, thì 10 doanh nghiệp cao su bị chậm hoàn thuế GTGT đã nhiều lần làm đơn kêu cứu gửi Hiệp hội và các cơ quan chức năng, nhưng chưa có kết quả. Thậm chí, tại Hội nghị Đối thoại giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp do Hiệp hội Cao su Việt Nam tổ chức, có cả Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện Cục Thuế TP.HCM tham dự và đối thoại, vấn đề đã được nêu ra, nhưng đến nay vẫn chưa được Cục Thuế TP.HCM giải quyết.

Sau Hội nghị Tổng kết Hệ thống đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền Thành phố TP.HCM với chủ đề “20 năm - Một chặng đường đồng hành cùng doanh nghiệp” (tổ chức ngày 5/12/2022), Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Võ Văn Hoan đã ký Văn bản khẩn số 4692/UBND-KT, có yêu cầu Cục Thuế TP.HCM trả lời kiến nghị của một doanh nghiệp cao su bị chậm hoàn thuế GTGT gần 50 tỷ đồng và báo cáo kết quả cho UBND TP.HCM trước ngày 10/12/2022. Thế nhưng, tới tận giờ này, bức xúc của doanh nghiệp nêu trên vẫn… y nguyên, bởi chưa hề nhận được hồi đáp.

Doanh nghiệp đang tính tới biện pháp pháp lý

Một giám đốc điều hành doanh nghiệp (xin không nêu tên) chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư rằng, hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp đã đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền hoàn (gần 50 tỷ đồng), gây ra những tổn thất nặng nề, thậm chí có thể khiến doanh nghiệp này mất khả năng thanh khoản, dẫn tới phá sản.

“Đến nay, chúng tôi đã rất nhiều lần gửi đơn yêu cầu hoàn thuế đúng thời hạn, nhưng cơ quan thuế vẫn chưa thực hiện việc ban hành quyết định hoàn thuế cho Công ty theo quy định, không xem xét đến tình trạng kiệt quệ của doanh nghiệp và không có bất kỳ phản hồi gì nêu rõ lý do vì sao chưa hoàn thuế cho Công ty chúng tôi”, vị giám đốc này bức xúc. Ông cũng cho hay, doanh nghiệp đang tính tới các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, tức là không chỉ yêu cầu các đơn vị có liên quan phải thực hiện hoàn thuế theo đúng quy định, mà còn phải bồi thường mọi thiệt hại, tổn thất đã gây ra vì việc kéo dài thời gian hoàn thuế trật luật đã định.

Bởi theo quy định tại khoản 2, Điều 75, Luật Thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019, thì “đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế, chậm nhất là 40 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý thuế có thông báo bằng văn bản về việc chấp nhận hồ sơ và thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế cho người nộp thuế hoặc không hoàn thuế cho người nộp thuế nếu hồ sơ không đủ điều kiện hoàn thuế”.

Với việc chậm hoàn thuế vượt quá quy định, thì áp dụng khoản 3, Điều 75, Luật Thuế: “Quá thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nếu việc chậm ban hành quyết định hoàn thuế do lỗi của cơ quan quản lý thuế, thì ngoài số tiền thuế phải hoàn trả, cơ quan quản lý thuế còn phải trả tiền lãi với mức 0,03%/ngày tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn trả. Nguồn tiền trả lãi được chi từ ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước”.

Thực ra, không doanh nghiệp nào muốn kiện tụng hay “đụng độ” với cơ quan nhà nước liên quan. Nhưng, theo một luật sư, với các quy định trên, doanh nghiệp hoàn toàn có cơ sở khởi kiện người hoặc cơ quan thuế liên quan. Đến lúc, cũng cần “cởi bỏ” tư duy “ngại ngần”, phải xem việc kiện là sòng phẳng, là văn minh.

Xin đừng vì Thuduc House mà làm cả cộng đồng khổ

Đó là lời bức xúc công khai với lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM của một doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế. Doanh nghiệp này cho rằng, họ bị vạ lây từ câu chuyện Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House), dẫn đến bị ách tiền hoàn thuế.

Trước đó, cơ quan chức năng phát hiện nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là Thuduc House mua linh kiện điện tử để xuất khẩu, nhưng sử dụng 16 công ty “ma”, xuất hóa đơn GTGT khống để được hoàn thuế hơn 538 tỷ đồng. Từ đó, ngành thuế yêu cầu tăng cường xác minh siết chặt việc hoàn thuế.

Tới ngày 12/11/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM vì biết rõ hồ sơ hoàn thuế của Thuduc House có rủi ro, nhưng không chờ kết quả kiểm tra, mà duyệt ký nhiều quyết định hoàn thuế trái quy định cho doanh nghiệp.

Tin bài liên quan