Vì những lý do khác nhau, nhiều tàu cá ở Đà Nẵng không ra khơi, khiến sản lượng khai thác giảm mạnh Ảnh: H.A

Vì những lý do khác nhau, nhiều tàu cá ở Đà Nẵng không ra khơi, khiến sản lượng khai thác giảm mạnh Ảnh: H.A

Doanh nghiệp thủy sản Đà Nẵng đối mặt khó khăn kép

0:00 / 0:00
0:00
Đơn hàng giảm sút, nhân lực mỏng, nguyên liệu thiếu hụt, giá đầu vào tăng mạnh… Thực trạng này khiến nhiều doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn TP. Đà Nẵng lao đao.

Hoạt động cầm chừng

Từ đầu năm đến nay, hoạt động của doanh nghiệp chế biến thủy sản Đà Nẵng đối mặt với nhiều khó khăn. Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đà Nẵng trong nhiều năm qua, nên việc ngành hàng này gặp khó đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu nói chung của Đà Nẵng.

Cụ thể, giá trị hàng hóa xuất khẩu của Đà Nẵng trong quý I/2023 chỉ đạt hơn 247 triệu USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng tháng 3/2023, lượng thủy sản khai thác chỉ được khoảng 2.673 tấn, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Đinh Hiền, Phó giám đốc Công ty TNHH Chế biến thủy sản Sơn Trà cho biết, từ đầu năm đến nay, công ty mới xuất khẩu được khoảng 9 tấn hàng, giảm đến 70% so với cùng thời điểm năm trước. Nguyên nhân một phần là do thiếu nguyên liệu, vì nguyên liệu sản xuất chủ yếu của Công ty là cá tự nhiên, nhưng hoạt động khai thác trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, nhu cầu thị trường cũng sụt giảm.

“Trước đây, Công ty có 250 lao động, nhưng hiện đã cắt giảm khoảng 50%. Chúng tôi đang cố gắng để chờ thị trường phục hồi”, ông Hiền chia sẻ.

Tương tự Công ty TNHH Chế biến thủy sản Sơn Trà, Công ty Thủy sản Thuận Phước - một trong những doanh nghiệp chế biến thủy sản lớn của Đà Nẵng - cũng không tránh khỏi thách thức.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thuận Phước, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng cho hay, thời gian qua, đơn hàng xuất đi các thị trường trọng điểm như EU, Nhật Bản giảm 30%. Theo ông Lĩnh, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại Đà Nẵng đang phải đối mặt với khó khăn kép ở cả đầu ra lẫn đầu vào: nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm sau hơn 2 năm đại dịch; cước vận tải, giá nguyên - nhiên - phụ liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là tình trạng thiếu nguyên liệu.

“Nuôi trồng thủy sản gặp khó vì giá thức ăn chăn nuôi và con giống tăng 20 - 30%; đánh bắt hải sản cũng rất khó, bởi ngư trường cạn kiệt, thời tiết bất thường, nên ngư dân không thể ra khơi. Đà Nẵng là chợ cá lớn nhất miền Trung, nhưng vẫn thiếu nguyên liệu. Giá đầu vào tăng, song giá bán không thể tăng, khi sức mua yếu. Đà Nẵng có gần 20 doanh nghiệp thủy sản, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang phải hoạt động cầm chừng, cố gắng bảo tồn lực lượng”, ông Lĩnh trăn trở.

Báo động nguồn lao động

Ngành công nghiệp khai thác, đánh bắt thủy sản không chỉ đòi hỏi công cụ, phương tiện sản xuất hiện đại, mà còn cần nguồn nhân lực được đào tạo chất lượng.

- Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thuận Phước, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng

Trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược Phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3 - 4%/năm; tổng sản lượng thủy sản toàn Thành phố đạt 38.000 tấn, trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm 3 - 5%, sản lượng khai thác thủy sản chiếm 95 - 97%; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 250 triệu USD. Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững…

Ngoài ra, Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án Chuyển đổi ngành nghề các dự án chế biến thủy sản sang thương mại dịch vụ tại Khu công nghiệp Thủy sản Thọ Quang với 2 phân khu.

Phân khu 1 quy hoạch sản xuất, là khu vực nằm xa khu dân cư, tiếp giáp với âu thuyền, cảng cá Thọ Quang, quy mô khoảng 16,2 ha, hiện có 9 dự án.

Phân khu 2 quy hoạch thương mại dịch vụ, quy mô 24,6 ha, 38 dự án; trong đó có 9 dự án có mong muốn tiếp tục sản xuất thủy sản với tổng diện tích 6,7 ha và 29 dự án đang hoạt động trong ngành thương mại dịch vụ, tổng diện tích hơn 17 ha.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang để hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm hậu cần nghề cá của miền Trung. Tuy nhiên, mục tiêu này không dễ thực hiện

Theo ông Trần Văn Lĩnh, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành thủy sản là thiếu nhân lực. Những người trẻ không mặn mà với công việc đánh bắt hải sản, vì nghề đi biển thường xuyên đối mặt với nguy hiểm, thu nhập lại không ổn định, trong khi những ngành nghề khác có điều kiện tốt hơn, dễ lựa chọn hơn.

Một nghịch lý khác, kinh tế biển được xác định là mũi nhọn tăng trưởng của Thành phố, nhưng lực lượng lao động đi biển lại không được đào tạo, chủ yếu theo truyền thống “cha truyền con nối”. Hiện nay, nguồn lao động khai thác hải sản của Đà Nẵng chỉ đáp ứng khoảng 50 - 60% nhu cầu, số còn lại đến từ các địa phương khác. Tính đến năm 2022, tổng số lao động khai thác thủy sản trên địa bàn Thành phố ước khoảng 6.815 lao động/1.222 tàu cá.

“Ngành công nghiệp khai thác, đánh bắt thủy sản không chỉ đòi hỏi công cụ, phương tiện sản xuất hiện đại, mà còn cần nguồn nhân lực được đào tạo chất lượng, nhưng trên thực tế, hầu như không có trường nào đào tạo. Vì thế, lao động đi biển ngày càng ít đi. Điều này rất đáng báo động. Chúng ta cần có chiến lược, quy hoạch đầy đủ và toàn diện để phát triển ngành công nghiệp khai thác, đánh bắt thủy sản; có những chính sách hợp lý về đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng phương tiện, kỹ thuật khai thác… Như vậy, mới có thể phát triển lĩnh vực thủy sản một cách bền vững”, ông Lĩnh nhấn mạnh.

Không riêng Đà Nẵng, hầu hết các địa phương khác ở ven biển miền Trung đều đang đối mặt với việc thiếu hụt lao động chất lượng cho ngành khai thác, đánh bắt thủy sản. Thực trạng này cần sớm được giải quyết, nếu không, doanh nghiệp thủy sản sẽ còn tiếp tục thiếu nguyên liệu; đóng góp cho tăng trưởng của lĩnh vực thủy sản ở các địa phương sẽ giảm sút.

Tin bài liên quan