Xuất khẩu thủy sản quý I/2023 giảm 27%, Vasep kiến nghị 7 vấn đề lớn

Xuất khẩu thủy sản quý I/2023 giảm 27%, Vasep kiến nghị 7 vấn đề lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quý I/2023, xuất khẩu thủy sản sụt giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 1,8 tỷ USD và giảm sâu ở tất cả các sản phẩm và thị trường chính. Vasep cho rằng, thủy sản Việt Nam chỉ có thể hồi phục dần từ quý III/2023 .

Ngày 13/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với VASEP và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất xuất khẩu lâm sản và thủy sản

Tại buổi làm việc, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho biết, số lượng thành viên của Vasep đang gần 300 doanh nghiệp, tổng doanh số xuất khẩu chiếm 80 - 83% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm của cả nước.

Hiệp hội đã đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đến 2025 là 12,5 - 14 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng đó, bên cạnh một số cơ hội, lợi thế, Hiệp hội nhận diện được nhiều khó khăn, thách thức đang ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành.

Năm 2023, lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường chính và tác động xấu đến sản xuất trong nước khiến cho lượng đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp giảm từ 20 - 50%, lượng tồn kho tăng. Thị trường khó khăn, sản xuất nguyên liệu trong nước bị chững lại, cả bà con nông ngư dân và doanh nghiệp đều thiếu vốn để duy trì nuôi trồng, khai thác và chế biến.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất nguyên liệu tăng cao cùng với sự tăng giá bao bì, vật tư, năng lượng, nhân công…, trong khi thủy sản Việt Nam đang bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán với các nước Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia tại các thị trường lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp còn gặp khó khăn để xuất khẩu được lô sản phẩm hải sản khai thác vào EU do còn nhiều bất cập theo quy định IUU.

Kết quả là quý I/2023 xuất khẩu sụt giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 1,8 tỷ USD và giảm sâu ở tất cả các sản phẩm và thị trường chính. Với diễn tiến này, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ có thể hồi phục dần từ quý III/2023. Tập trung lớn nhất hiện nay là sản xuất, chế biến trong nước phải sẵn sàng nguồn cung ứng ngay khi thị trường hồi phục.

Trước diễn biến hiện nay, Vasep thông tin rằng, các doanh nghiệp đang phải chủ động, tìm kiếm cân đối nguồn nguyên liệu và tài chính để giữ khách hàng truyền thống và sẵn sàng nguồn cung khi thị trường hồi phục trở lại; điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu và cơ cấu sản phẩm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu và gia công xuất khẩu cho các thị trường nhằm tận dụng năng lực chế biến, tăng kim ngạch xuất khẩu và duy trì việc làm ổn định cho người lao động. Đồng thời, tận dụng hơn nữa ưu đãi thuế quan của các hiệp định FTA và tích cực tham gia các hội chợ thuỷ sản quốc tế, chương trình giao thương B2B tìm kiếm đối tác, tăng đơn hàng.

Tại buổi làm việc, Vasep cùng cộng đồng doanh nghiệp đã kiến nghị 7 vấn đề lớn với nhiều điểm nổi bật để thúc đẩy ngành thủy sản.

Thứ nhất, về nguyên liệu và duy trì năng lực sản xuất nguyên liệu, Vasep đề xuất có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp (bằng với mức vay ngoại tệ) cho doanh nghiệp thủy sản vay, thu mua và trữ nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch, nếu thị trường lúc đó vẫn không tốt.

Về dài hạn, Vasep kiến nghị Chính phủ thúc đẩy việc sửa đổi Luật Đất đai, đặc biệt quan tâm đến vấn đề tích tụ ruộng đất, quy định sử dụng đất, quy hoạch đất để ngành hàng có thể phát triển được các vùng nuôi và sản xuất giống tập trung phù hợp.

Thứ hai, liên quan đến chứng nhận hải sản khai thác và khơi thông xuất khẩu, Vasep hy vọng có thể quyết liệt việc gỡ thẻ vàng IUU của EC; ưu tiên lớn nhất là không còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; cải tiến cơ sở dữ liệu quản lý tàu thuyền - khai thác; đẩy nhanh việc số hóa quy trình kiểm tra - cấp xác nhận, chứng nhận khai thác.

Về lâu dài, Vasep mong Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm, hỗ trợ để tăng đầu tư hạ tầng nghề cá và nâng cao năng lực thực thi quản lý tàu thuyền, khai thác biển.

Thứ ba, về vấn đề tín dụng và lãi suất, Vasep kỳ vọng điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4%; có chính sách hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên – bao gồm thủy sản. Đồng thời, rà soát thủ tục và xem xét có các gói tín dụng ưu đãi dành cho hộ nuôi tôm nhỏ lẻ và cho phép doanh nghiệp được giãn nợ 3 - 5 tháng cho các khoản vay đến hạn phải trả trong quý I - II/2023.

Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông – lâm - thủy sản theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ”.

Thứ tư, liên quan đến việc tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản Việt Nam, Vasep kiến nghị giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp (miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất…); đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế GTGT, nghiên cứu sửa đổi, đề xuất mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống tối đa 1% quỹ lương.

Thứ năm, liên quan đến chi phí tuân thủ xử lý môi trường, Vasep kiến nghị cần có quy chuẩn nước thải riêng và phù hợp cho nuôi trồng thuỷ sản; Chỉnh sửa các quy định về chỉ tiêu phospho cho nước thải chế biến thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng công nghệ, yếu tố đặc thù ngành và thông lệ khu vực tại các nước tương đương về kinh tế xã hội.

Thứ sáu, liên quan đến khơi thông và phát triển thị trường, Vasep kiến nghị triển khai đề án xây dựng thương hiệu cho trước hết 3 sản phẩm chủ lực của Việt Nam là tôm, cá tra và cá ngừ, bắt đầu từ quý IV/2023. Đồng thời, xây dựng một chiến lược dài hạn 10 năm với mục tiêu tăng gấp đôi thị phần xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc.

Ngoài ra, Vasep cũng lưu ý đến việc bãi bỏ quota nhập khẩu tôm từ Việt Nam hoặc có các giải pháp liên quan đến việc điều chỉnh thuế suất về 0% cho tôm Việt Nam trong hiệp định VKFTA.

Thứ bảy, về biến đổi khí hậu và hạ tầng thiết yếu cho khai thác, nuôi trồng thuỷ sản, Vasep cho rằng cần đầu tư mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống thủy sản, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ nuôi trồng, chế biến, thương mại thủy sản.

Đặc biệt là khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư hạ tầng, trang thiết bị dịch vụ hậu cần nuôi trồng thủy sản trên biển, đầu tư mới, nâng cấp các trại sản xuất giống,… Đầu tư hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi…cho các vùng thủy sản được xác định là sản phẩm chính (đồng bằng sông Cửu Long…).

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp gỗ, lâm sản, thủy sản nói riêng đã đồng hành cùng đất nước, nhân dân trong phòng chống đại dịch Covid-19. Thủ tướng lưu ý, trong quá trình phát triển, chúng ta không thể tránh khỏi có những vấn đề phát sinh, những khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh mục tiêu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thị trường, thể chế, vốn tín dụng cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Về các nhiệm vụ chung thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, giảm chi phí, cắt giảm thủ tục, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, không phiền hà, sách nhiễu...

Tin bài liên quan