Doanh nghiệp tuần qua: VinFast và Marubeni hợp tác tái sử dụng pin xe điện; Him Lam Land đổi tên; Savico lấn sân mảng giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
FPT cán mốc doanh thu 1 tỷ USD xuất khẩu phần mềm; VinFast và Marubeni hợp tác tái sử dụng pin xe điện; Him Lam Land đổi tên; Savico lấn sân mảng giáo dục; DXG phát hành cổ phiếu ESOP.

Him Lam Land bất ngờ đổi tên

Đơn vị phụ trách mảng bất động sản của CTCP Him Lam – CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) bất ngờ được đổi đổi tên thành CTCP Bất động sản Trường Sơn.

Theo thông báo của Him Lam Land, việc đổi tên nằm trong kế hoạch tái định vị thương hiệu của Công ty, do đó sẽ không ảnh hưởng đến các mối quan hệ, giao dịch, nghĩa vụ dân sự cũng như việc thực hiện hợp đồng, thỏa thuận mà các bên đã ký kết trước đây. Toàn bộ quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của Công ty sẽ tiếp tục được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Thực tế, ngoài việc đổi tên thì địa chỉ trụ sở chính lẫn người đại diện pháp luật của Him Lam Land vẫn được giữ nguyên. Người đại diện pháp luật vẫn là Tổng giám đốc ông Nguyễn Ngọc Thủy, người đảm nhiệm chức vụ từ những ngày đầu thành lập Công ty.

Him Lam Land được thành lập vào tháng 1/2008. Vốn điều lệ của Công ty ghi nhận vào thời điểm cuối năm 2017 là 1.700 tỷ đồng. Được biết, Him Lam Land là chủ đầu tư của nhiều dự án bất động của Him Lam như Him Lam Tân Hưng, Him Lam Riverside, Him Lam Chợ Lớn, Him Lam Phú An,… tại TPHCM; Him Lam Vạn Phúc, Him Lam Vĩnh Tuy tại Hà Nội; cùng các dự án tại nhiều tỉnh, thành khác.

Theo công bố thông tin, Him Lam Land lãi sau thuế gần 2.380 tỷ đồng trong năm 2022, gấp gần 14 lần năm trước, trong bối cảnh thị trường bất động sản có nhiều biến động.

Tuy nhiên, tổng tài sản của Công ty tại thời điểm 31/12/2022 lại chỉ ghi nhận gần 16.943 tỷ đồng, giảm đến 30% so với đầu năm. Mặt khác, nợ phải trả cũng giảm hơn 32%, còn 14.798 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là doanh nghiệp đã đưa dư nợ trái phiếu về 0 tại thời điểm cuối năm 2022.

Savico lấn sân mảng giáo dục

HĐQT CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico) thống nhất chủ trương góp vốn thành lập công ty để thực hiện dự án trường Mầm Non Hiệp Bình Phước.

Công ty mới thành lập có tên CTCP Đầu tư Tri thức Tương lai, kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản và giáo dục, trụ sở chính đặt tại tầng 6 tòa nhà Tasco, HH2 02 Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Thông qua việc góp vốn thành lập công ty để thực hiện dự án mở trường mầm non, SVC chính thức lấn sân sang hoạt động giáo dục.

Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật của CTCP Đầu tư Tri thức Tương lai là ông Vũ Hoàng Linh. Ngoài ra, ông Linh còn đang là người đại diện pháp luật của nhiều công ty khác như CTCP Dịch vụ và Phát triển Công nghệ Việt, Công ty TNHH Tasco Land, CTCP Đầu tư Phát triển Savico Miền Nam.

Công ty có vốn điều lệ 80 tỷ đồng, trong đó SVC góp 47,13%, tương đương hơn 37,7 tỷ đồng, toàn bộ bằng quyền sử dụng đất tại thửa đất số 168, tờ bản đồ số 106, phường Tam Bình, TP. Thủ Đức, TPHCM. Còn lại, CTCP VII Land sở hữu 30% và CTCP VII sở hữu 22.87%.

HĐQT Savico giao Tổng giám đốc Công ty chủ động triển khai các thủ tục để thực hiện các nội dung nêu trên theo đúng quy định của pháp luật và quy chế nội bộ của Công ty.

Trước đó, ngày 08/12, HĐQT SVC thông qua chủ trương giải thể công ty con là CTCP Dịch vụ Ô tô Cần Thơ (MG Cần Thơ), chuyên kinh doanh xe ô tô mang nhãn hiệu MG và phụ tùng thay thế, cung cấp dịch vụ bảo trì. MG Cần Thơ đóng cửa chỉ sau chưa đầy hai năm thành lập.

Việc đóng cửa một cửa hàng ô tô diễn ra trong bối cảnh kết hình kinh doanh gần đây của SVC gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do thị trường xe ô tô không thuận lợi, các chi phí kinh doanh tăng cao để đảm bảo việc duy trì bán hàng trong khi khoản thu từ bán xe không tăng. Kết thúc 9 tháng đầu năm, SVC chỉ lãi ròng hơn 11 tỷ đồng, giảm 95% cùng kỳ.

Tập đoàn Đất Xanh phát hành cổ phiếu ESOP

CTCP Tập đoàn Đất Xanh sẽ phát hành 9 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP), tương đương 1,48% số cổ phiếu đang lưu hành, với giá 0 đồng.

DXG cho biết, việc phát hành cổ phiếu ESOP nhằm khuyến khích, động viên và tạo sự gắn bó giữa cán bộ công nhân viên với Công ty.

Nguồn vốn phát hành cổ phiếu được trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, căn cứ BCTC hợp nhất được kiểm toán năm 2022. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng từ 1-4 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành, tiến độ giải tỏa là 25% mỗi năm.

Trước đó, 5/12, DXG thông báo chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền chào bán gần 102 triệu cổ phiếu ra công chúng, tương ứng tỷ lệ 6:1 (sở hữu 6 cổ phiếu được mua 1 cổ phiếu mới). Số cổ phiếu này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời gian nhận tiền mua cổ phiếu từ 21/12/2023 - 15/01/2024.

Với giá chào bán là 12.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị huy động vốn dự kiến 1.220 tỷ đồng và vốn điều lệ của DXG sẽ được nâng lên gần 7.338 tỷ đồng.

Toàn bộ số tiền thu về từ đợt chào bán, DXG sẽ dùng gần 1.119 tỷ đồng để góp vốn vào CTCP Đầu tư kinh doanh Bất động sản Hà An (công ty con do DXG nắm 99,99% vốn với giá trị đầu tư gần 8.800 tỷ đồng). Phần còn lại sẽ được dùng để thanh toán thuế và các khoản phải nộp Nhà nước và chi phí hoạt động của Công ty.

Kế hoạch chào bán ra công chúng và phát hành ESOP là 2 trong 3 phương án huy động vốn được ĐHĐCĐ thường niên 2023 của DXG thông qua vào hồi tháng 5 vừa qua. Phương án còn lại là chào bán riêng lẻ 57 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp với giá 15.000 đồng/cổ phiếu.

VinFast và Marubeni hợp tác tái sử dụng pin xe điện

Theo thỏa thuận, VinFast và Marubeni sẽ hợp tác nghiên cứu, sản xuất các hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) từ pin xe điện đã qua sử dụng. Trong đó, VinFast sẽ là đơn vị cung ứng pin xe điện; Marubeni đảm nhiệm việc đánh giá khả thi, tư vấn kỹ thuật và triển khai lắp đặt BESS. Hai bên cũng đồng thời hợp tác thúc đẩy các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực pin xe điện đã qua sử dụng, nhằm hướng tới mục tiêu thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn.

Dự kiến, Marubeni sẽ ứng dụng công nghệ độc quyền từ đối tác chiến lược để tái sử dụng pin xe điện VinFast, phát triển thành BESS với giá cả phải chăng, sản xuất dễ dàng mà không cần tháo dỡ, xử lý và đóng gói lại pin.

Ông Phạm Nhật Quân Anh, Phó tổng giám đốc khối sản xuất VinFast chia sẻ: “Việc ký kết MOU với Marubeni đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược thiết lập nền kinh tế tuần hoàn của VinFast. Tối ưu hóa giá trị vòng đời của pin xe điện không chỉ đưa di chuyển điện hóa thông minh dễ dàng tiếp cận hơn, mà còn thúc đẩy mục tiêu vì một tương lai xanh cho mọi người”.

Trước đó, vào tháng 5/2023, Công ty TNHH Marubeni Green Power Việt Nam, công ty con của Tập đoàn Marubeni, đã ký kết thỏa thuận với Công ty cổ phần Giải pháp Năng lượng VinES, nhà sản xuất pin xe điện và các sản phẩm BESS, thuộc sở hữu của VinFast.

Thông qua việc tái sử dụng nguồn pin xe điện, VinFast không chỉ tạo ra những giá trị đáng kể trong mô hình kinh tế tuần hoàn, mà còn đóng góp những cách tiếp cận sáng tạo nhằm thúc đẩy sự phát triển giao thông bền vững và nền kinh tế không phát thải tại Việt Nam và trong khu vực.

FPT cán mốc doanh thu 1 tỷ USD xuất khẩu phần mềm

Việt Nam đã có thêm 1 mặt hàng xuất khẩu doanh thu tỷ USD sau khi Tập đoàn FPT mang về 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) từ thị trường nước ngoài.

FPT cho biết, doanh thu 1 tỷ USD dịch vụ CNTT từ nước ngoài đến chủ yếu từ ba thị trường trọng điểm là Nhật Bản, châu Mỹ và châu Á Thái Bình Dương. Hiện, các thị trường này đều tăng trưởng trên 30%. Riêng Nhật Bản tăng 54%, thúc đẩy bởi nhu cầu chi tiêu cho CNTT lớn tại thị trường này, đặc biệt là chi tiêu cho chuyển đổi số.

Chiếm 50% tổng doanh thu từ nước ngoài đến từ dịch vụ chuyển đổi số, con số này tăng gấp gần 6 lần trong 5 năm qua. Công ty tập trung vào các công nghệ mới như Cloud chiếm 40% doanh thu dịch vụ chuyển đổi số, các công nghệ khác như AI, phân tích dữ liệu chiếm 12%; RPA & Lowcode chiếm 10%...

Trong 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài có 21% đến từ các khách hàng trong lĩnh vực công nghệ phần mềm ô tô và sản xuất, 11% đến từ lĩnh vực Tài chính ngân hàng, 11% đến từ năng lượng…. Doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần mềm ô tô và sản xuất duy trì tăng trưởng trên 30%.

Ông Phạm Minh Tuấn, CEO FPT Software - đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài của FPT cho biết, chi tiêu cho CNTT thế giới được dự báo đạt 5.100 tỷ USD trong năm 2024, tăng 8% so với năm 2023. Trong đó, chi tiêu cho dịch vụ CNTT và phần mềm chiếm 51% và có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tương đương 11,6% và 14,1%. Các khoản đầu tư vào lĩnh vực AI được xem là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng chi tiêu cho CNTT tổng thể.

"Thời gian tới, FPT Software có kế hoạch hợp tác và triển khai các thương vụ M&A mới với các công ty hàng đầu trên thế giới", ông Tuấn cho hay.

Trong 1 năm qua, FPT thực hiện 4 thương vụ M&A và đầu tư vào các công ty công nghệ tại Mỹ, Pháp như Intertec International, Cardinal Peak, AOSIS, Landing AI. Công ty cũng mở rộng và nâng tầm hợp tác với nhiều đối tác trên thế giới như SAP, Microsoft, AWS, Salesforce, Adobe, gia nhập Liên minh AI do IBM và Meta khởi xướng...

Tin bài liên quan