Giá mủ cao su đang neo ở mức thấp.

Giá mủ cao su đang neo ở mức thấp.

Doanh nghiệp xuất khẩu cao su thận trọng lên kế hoạch 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh nghiệp xuất khẩu cao su vừa có một quý kinh doanh kém thuận lợi khi giá bán và sản lượng đều suy giảm. Giá cao su trong năm 2023 vẫn là ẩn số trước những biến động khó lường của nền kinh tế thế giới.

Giá cao su chịu nhiều sức ép

Số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho thấy, trong quý I, ước tính, Việt Nam xuất khẩu khoảng 396.000 tấn mủ cao su, đạt 552 triệu USD, giảm 2,6% về lượng và giảm 22,9% về giá trị so với cùng kỳ. Xuất khẩu cao su sang các thị trường lớn đều giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng theo cơ quan này, giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm đều giảm so với cùng kỳ 2022.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận xét, giá cao su trên thị trường thế giới trải qua quý đầu năm với những biến động mạnh. Giai đoạn cuối tháng 1, giá cao su RSS3 ghi nhận những phiên tăng rất mạnh, có thời điểm tăng tới 13% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, kết thúc quý I/2023, giá cao su thế giới lại quay về vùng cuối năm ngoái.

Biến động giá cao su RSS3 trong 1 năm trở lại đây. Nguồn: Wichart.

Biến động giá cao su RSS3 trong 1 năm trở lại đây. Nguồn: Wichart.

Theo ông Dũng, biến động của giá cao su chủ yếu đến từ những rung lắc trên thị trường tài chính thời gian vừa qua. Khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ và châu Âu phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu. Điều này làm dấy lên lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm lại và làm yếu đi nhu cầu tiêu thụ cao su trong ngành sản xuất và tiêu dùng, từ đó gây sức ép đáng kể lên giá mặt hàng này. Cùng với đó, hoạt động sản xuất tại các nước tiêu thụ chính như Trung Quốc hay Nhật Bản vẫn chưa thực sự hồi phục mạnh mẽ khiến giá cao su nhìn chung chưa bước vào một xu hướng ổn định.

Ông Dũng cho biết thêm, diễn biến giá cao su trong nước cùng chiều với xu hướng giá thế giới, tuy nhiên xu hướng giá yếu hơn khá nhiều so với giá niêm yết trên các sở giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, giá dầu thô cũng trong xu hướng tăng, hiện dầu WTI và Brent đều đã vượt mức 80 USD/thùng. Giá năng lượng tăng kéo theo chi phí logistics tăng cũng là một yếu tố gây sức ép lên xuất khẩu cao su giai đoạn đầu năm.

Dự báo về xu hướng giá cao su trong các quý còn lại của năm, ông Dũng cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cao su của nước này, tạo điều kiện để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Bởi đây là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của nước ta, với 1,6 triệu tấn trong năm 2022, tương đương gần 80% kim ngạch xuất khẩu cao su Việt Nam; đồng thời, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới, với 22% thị phần toàn cầu.

Thực tế cho thấy, 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 292.600 tấn, tăng hơn 4% so với cùng kỳ.

“Theo dự báo của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), trong năm 2023, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu đạt 14,69 triệu tấn, trong khi tiêu thụ dự kiến đạt 14,73 triệu tấn. Các dữ liệu đều cho thấy, cán cân cung - cầu trên thị trường cao su thế giới nhiều khả năng sẽ nghiêng về thiếu hụt nguồn cung. Đây sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy đà tăng cho giá cao su ngay trong quý II năm nay”, ông Dũng nhận định.

Tuy vậy, theo ông Dũng, xét trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế thế giới vẫn cần thêm thời gian để ổn định trở lại sau cú sốc của ngành ngân hàng hồi tháng 3. Thêm vào đó, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc chưa thực sự hồi phục sau thời gian dài ngưng trệ do thực hiện chính sách Zero-Covid. Do đó, nhìn chung, giá cao su thế giới sẽ đối mặt những sức ép nhất định.

Doanh nghiệp thận trọng

Lãnh đạo một doanh nghiệp cao su thiên nhiên nhận định, năm nay, việc xuất khẩu gặp khó khăn hơn, bởi ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu đang chịu ảnh hưởng bởi lạm phát cao, sức cầu tiêu dùng suy yếu. Theo ông này, kim ngạch xuất khẩu một số công ty cùng ngành trong quý I giảm từ 10 - 12% so với cùng kỳ và dự kiến xuất khẩu trong quý II cũng chỉ tương đương với quý I.

Giá cao su bấp bênh và tình hình xuất khẩu kém tích cực trong quý đầu năm khiến các doanh nghiệp trong ngành thận trọng hơn khi xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2023.

Tại Hội nghị giao kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2023, diễn ra hôm 7/4, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR) cho biết, giá bán mủ cao su - sản phẩm cốt lõi của Tập đoàn - tới nay chỉ đạt mức bình quân 33 triệu đồng/tấn, giảm 6 - 6,5 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ, nên kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm giảm mạnh.

Năm nay, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh khá thận trọng, với mục tiêu doanh thu đạt 3.792 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.395 tỷ đồng, giảm tới 85% về doanh thu và 71% về lợi nhuận so với mức thực hiện năm 2022.

Ông Nguyễn Thái Bình, người công bố thông tin của Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (mã TRC) cho biết, giá cao su đang có chiều hướng giảm gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp trong ngành. Tại TRC, lợi nhuận sau thuế quý I/2023 chỉ đạt hơn 2,5 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2022, do giá bán mủ cao su bình quân trong quý I/2023 chỉ đạt 33,3 triệu đồng/tấn, giảm 8,2 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2023, TRC đặt mục tiêu hơn 373 tỷ đồng tổng doanh thu và hơn 77 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt giảm 34% và 13% so với thực hiện năm 2022. Kế hoạch này được xây dựng dựa trên kỳ vọng giá bán mủ cao su ở mức 38 triệu đồng/tấn. Nếu giá cao su tiếp tục điều chỉnh thì Công ty rất khó khăn để hoàn thành kế hoạch này. Quý đầu năm, Công ty mới thực hiện được 4% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (mã PHR) cũng khá dè dặt với kế hoạch kinh doanh năm 2023. Cụ thể, Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất đạt 549 tỷ đồng, giảm 51% so với năm 2022. Trong năm 2023, PHR đạt mục tiêu đạt 34.300 tấn mủ quy khô tiêu thụ, với giá bán bình quân đạt 37,96 triệu đồng/tấn. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Công ty là 549,14 tỷ đồng, giảm 51% so với năm 2022.

Tin bài liên quan