Nhiều doanh nghiệp thủy sản đang vào thị trường nội địa và đa dạng thị trường xuất khẩu, nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm.

Nhiều doanh nghiệp thủy sản đang vào thị trường nội địa và đa dạng thị trường xuất khẩu, nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm.

Doanh nghiệp xuất khẩu thích ứng trước biến động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng chậm lại trong năm 2023, buộc các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước phải tìm cách thích ứng để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Dự báo tăng trưởng chậm năm 2023

Việc các ngân hàng trung ương lớn nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát, cũng như tác động từ các biến cố khó lường từ xung đột Nga - Ukraine và chính sách bảo hộ lên ngôi…, đã khiến triển vọng kinh tế thế giới bước vào giai đoạn khó lường.

Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, năm 2023 còn khó khăn hơn năm 2022, bởi cả 3 nền kinh tế lớn là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều đang đồng thời giảm tốc.

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 là 2,7% so với ước tính thực hiện năm 2022 là 3,2%, dự báo này thấp hơn nhiều so với mức dự báo đầu năm 2022, khi tổ chức này dự báo năm 2023 tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 3,8% (giảm 1,1% so với báo cáo trước đó).

Tương tự, phát biểu tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington, Chủ tịch WB David Malpass cho biết: "Chúng tôi đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 từ 3% xuống 1,9%, mức có thể khiến nền kinh tế toàn cầu suy thoái”.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào tháng 9/2022, tăng trưởng toàn cầu năm 2022 vẫn được kỳ vọng ở mức 3%, nhưng sẽ tăng trưởng chậm lại, còn 2,2% vào năm 2023, điều chỉnh giảm so với mức dự báo hồi tháng 6 là 2,8%.

Bên cạnh đó, nhóm các nhà kinh tế của Oxford Economics cũng dự đoán, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại, dự kiến năm 2023 chỉ là 1,5%.

Nhìn chung, kinh tế toàn cầu được dự báo còn tiếp tục gặp khó khăn cho tới khi lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất ổn định và có thể bắt đầu giảm trở lại.

Với việc nền kinh tế Việt Nam có tính mở cửa cao, khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và gặp khó khăn, ngay lập tức sẽ ảnh hưởng tới sức tiêu thụ của hàng hoá Việt Nam. Trong đó, nổi bật lên câu chuyện thiếu đơn hàng giai đoạn cuối năm 2022 ở nhiều lĩnh vực như may mặc, da giày…

Việc cắt giảm đơn hàng đột xuất đã khiến CTCP Sản xuất kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã GIL) kiện đối tác Amazon để đòi bồi thường 280 triệu USD và dự báo việc thiếu đơn hàng đối với lĩnh vực may mặc, da giày có thể kéo dài hơn nữa, khi mà sức mua suy giảm ở các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc…

Để thích ứng với điều kiện thiếu đơn hàng, nhiều công ty may mặc, da giày đã cắt giảm giờ làm của công nhân, không thực hiện tăng ca và đồng thời sản xuất cầm chừng để chờ đơn hàng.

Tìm cách thích ứng

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát đang khiến cho nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản của các thị trường giảm mạnh. Vasep dự báo, xuất khẩu trong quý I/2023 sẽ không thể giữ được kết quả tích cực như năm 2022 và thị trường chỉ có thể hồi phục vào nửa cuối năm 2023. Do vậy, dự báo năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản có thể giảm nhẹ còn khoảng 10 tỷ USD so với mức khoảng 11 tỷ USD của năm 2022.

Để thích ứng với những biến động của thị trường thế giới, doanh nghiệp Việt Nam đang phải nỗ lực giữ các thị trường đang có, cũng như đánh giá lại điểm mạnh, điểm yếu của mình để chọn thị trường, phân khúc và sản phẩm phù hợp với thế mạnh của mình.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) chia sẻ, trong bối cảnh nhu cầu đang ở mức trung bình, lãi suất cao, tồn kho lớn, Công ty sẽ duy trì giá tôm xuất khẩu ở mức trung bình cho tới cuối quý II/2023 để giải phóng tồn kho ở các thị trường lớn.

Bên cạnh đó, Công ty sẽ đẩy mạnh nuôi tôm nhằm giảm giá thành sản phẩm cuối cùng, tăng sức cạnh tranh; tiếp tục thực hiện sách lược thị trường, sản phẩm, khách hàng từ năm 2020 đến nay để giữ vững kết quả kinh doanh khả quan, giữ được sức cạnh tranh của sản phẩm Sao Ta, đồng thời với việc nhà máy mới đã hoàn thiện, Công ty đang sẵn sàng bứt phá khi thời cơ đến.

Trong khi đó, lãnh đạo CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC), doanh nghiệp dẫn đầu xuất khẩu cá tra, cho biết, trong tháng 11/2022, doanh thu đã giảm 10% so với cùng kỳ, về 893 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu xuất khẩu cá tra giảm 22% so với cùng kỳ, về 480 tỷ đồng. Các thị trường lớn đều giảm như Mỹ giảm 13%, châu Âu giảm 20%, Trung Quốc giảm 60%... Để ứng phó, Công ty chuyển hướng sang thị trường nội địa và các thị trường xuất khẩu khác, giúp thị trường trong nước tăng 17% và các thị trường khác tăng 47%.

Ngoài ra, vào tháng 10/2022, Nhà máy Surimi có công suất 1.000 tấn mỗi năm tại Cao Lãnh, Đồng Tháp của Vĩnh Hoàn đã bắt đầu hoạt động. Chiến lược phát triển của Vĩnh Hoàn là giảm thiểu phát thải và tạo giá trị từ các sản phẩm phụ, sản phẩm dưới tiêu chuẩn. Theo phía Vĩnh Hoàn, đây là một dự án tiềm năng và tham vọng của Công ty để theo đuổi mục tiêu trên.

Trong lĩnh vực vận tải biển, sau khi giá cước vận tải tàu biển lao dốc giai đoạn cuối năm 2022, triển vọng ngành của nhóm doanh nghiệp vận tải biển cũng ảnh hưởng đáng kể.

Đơn cử, tại CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã HAH), ước tính trong năm 2022, Công ty ghi nhận doanh thu 3.145,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận 835,16 tỷ đồng, lần lượt vượt 31,7% và 51,8% so với kế hoạch đặt ra. Trong đó, tổng sản lượng ước đạt 1.001.473 TEU, bao gồm 419.261 TEU khai thác cảng, 388.981 TEU khai thác tàu, còn lại 193.231 TEU là sản lượng Depot.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, Vận tải và Xếp dỡ Hải An đặt kế hoạch tổng doanh thu giảm 16,4% so với ước tính thực hiện trong năm 2022, tương ứng giảm 514,3 tỷ đồng về 2.631 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm 64,1% so với ước tính thực hiện trong năm 2022, tương ứng giảm 535,16 tỷ đồng, về 300 tỷ đồng.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Chủ tịch HĐQT Hải An, giá cước tuyến nội địa năm 2021 và nửa năm 2022 tăng khoảng 30% so với thời gian trước đại dịch, nhưng từ quý III/2022 đến nay, đã giảm khoảng 20%, dự đoán sẽ tiếp tục giảm khoảng 10 - 15% cho năm 2023.

Tuy nhiên, Công ty đang áp dụng cho thuê tàu và tự khai thác, trong đó một số hợp đồng thuê được ký năm 2021 và đầu năm 2022, thời điểm giá cho thuê rất cao, kỳ hạn thuê dài từ 2 đến 3 năm. Do vậy, ông Sơn nhấn mạnh, Công ty sẽ có nguồn thu ngoại tệ ổn định cho cả năm 2023 và một phần năm 2024, điều này sẽ giảm áp lực giá cước vận tải giảm trong thời gian qua.

Có thể thấy, việc kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại đã ảnh hưởng tới nhóm doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày, vận tải biển… Tuy nhiên, thay vì nằm im chờ đợi, các doanh nghiệp này đang nỗ lực tái cấu trúc để vượt qua những thách thức ngoại cảnh.

Tin bài liên quan