Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tính kế vượt khó

Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tính kế vượt khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù các đối thủ cạnh tranh đang không ngừng đẩy mạnh thị phần và toàn ngành phải tiếp tục giải quyết những khó khăn chung, các doanh nghiệp thủy sản vẫn lạc quan sản xuất trong quý cuối của năm. 

Gia tăng cạnh tranh của đối thủ nước ngoài

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 9, xuất khẩu thủy sản ước đạt trên 850 triệu USD, cao hơn 36% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung quý III, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 8,5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù xuất khẩu tháng 9 tăng, song đây là lần đầu tiên sau 7 tháng, xuất khẩu thủy sản rơi xuống dưới mức 900 triệu USD. Nguyên nhân do lạm phát tác động làm giảm nhu cầu nhập khẩu của các thị trường xuất khẩu chính.

Những tháng cuối năm, toàn ngành phải tiếp tục đối mặt với các vấn đề về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và áp lực cạnh tranh của đối thủ từ các nước Ấn Độ, Indonesia, đặc biệt là Ecuador về giá. Nguyên nhân do giá thành tôm nguyên liệu trong nước luôn cao hơn các nước từ 20 - 30%.

Đáng lo ngại là dù đã có sức cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam, các đối thủ này vẫn chưa dừng lại mục tiêu mở rộng thị trường bằng các kế hoạch mới.

Mới đây, Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Sản phẩm thủy sản Ấn Độ (MPEDA) cho biết, nước này đang đặt mục tiêu đa dạng hóa hơn nữa sản lượng thủy sản nuôi trồng trong những năm tới. Trước đó, Ấn Độ cũng đẩy mạnh phát triển các thị trường mới cho ngành tôm. Trong đó, tôm chân trắng vẫn sẽ chiếm phần lớn nhất trong xuất khẩu của nước này.

MPEDA dự kiến, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Ấn Độ sẽ tăng trưởng 15%, đạt 8,8 tỷ USD trong năm 2022/2023 và cán mốc 14 tỷ USD trong năm 2025/2026. Bên cạnh đó, nhiều nông dân Ấn Độ có thể sẽ chuyển dần sang sản xuất tôm sú, vì đây là loại có nguồn gốc trong nước và có giá bán tốt hơn.

Indonesia cũng không ngừng gia tăng hợp tác với Nga trong lĩnh vực thủy sản nhằm tăng cường xuất khẩu các sản phẩm sang Nga. Trong Diễn đàn Thủy sản và Triển lãm Toàn cầu lần thứ năm tại Nga, Bộ hàng hải và Nghề cá Indonesia (KKP) đã yêu cầu một thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác thương mại các sản phẩm thủy sản giữa hai nước.

Nếu thỏa thuận này được ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11/2022, Nga sẽ trở thành một trong những thị trường mục tiêu tiềm năng tiếp theo của Indonesia.

Về tiêu thụ, EU - thị trường chính của Việt Nam có thể sẽ giảm tiêu thụ 7% so với năm ngoái, xuống chỉ còn 9,42 triệu tấn (Hiệp hội Thương nhân và Chế biến Cá EU). Tiêu thụ thủy sản ở 27 nước thành viên EU có thể sẽ giảm xuống dưới 10 triệu tấn vào năm 2022, trong bối cảnh nguồn cung từ Nga gặp vấn đề do xung đột với Ukraine.

Trong đó, tiêu thụ bình quân đầu người trong khối đã giảm từ 23,6kg của năm 2020 xuống 22,6kg vào năm 2021 và dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống 21,1kg vào năm 2022.

Nguồn: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP).

Nguồn: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP).

Doanh nghiệp nỗ lực hoàn thành mục tiêu

Ở trong nước, CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) mới đây cho biết, tình hình nuôi tôm không tốt, khiến giá tôm thương phẩm duy trì ở mức khá cao, thêm bất lợi cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Từ tháng 9 đến cuối năm 2022, ban lãnh đạo FMC dự báo kim ngạch xuất khẩu tôm sẽ giảm mạnh so những tháng trước đây.

CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã MPC) cũng nhận định nửa cuối năm là giai đoạn khó khăn với thị trường tôm vì lạm phát, dịch bệnh và thời tiết. Năm nay, tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp hơn mọi năm, mưa nhiều khiến bà con phải thu hoạch tôm sớm và hạn chế thả giống. Đồng thời, lạm phát cũng khiến thị trường tiêu thụ khó khăn. Do đó, năm 2022, lượng và giá trị xuất khẩu của MPC có thể thấp hơn so với kế hoạch, song lợi nhuận vẫn sẽ đạt.

Giai đoạn 2021 - 2025, MPC sẽ tập trung xây dựng chuỗi giá trị tôm Việt Nam xanh, sạch, bền vững có giá thành cạnh tranh so với Ấn Độ, Indonesia và Ecuador, cùng với đó là nâng cao năng suất chế biến và giảm giá vốn hàng bán. Thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục mục tiêu xây dựng hệ sinh thái bền vững, hướng thiện với chuỗi giá trị tôm có trách nhiệm và đầu cuối.

Đến nay, FMC cũng đã đạt 3/4 chỉ tiêu doanh số và lợi nhuận, ban lãnh đạo cho biết sẽ hoàn thành lời hứa với cổ đông ở đại hội thường niên. Sắp tới, Công ty sẽ tập trung bán thị trường gần để giá bán không tăng ảo do chi phí thuê tàu vận chuyển quá cao (giá thuê container có giảm, nhưng mức giảm chưa như mong muốn). Trong hoàn cảnh tôm nguyên liệu không nhiều và giá cao, FMC tập trung vào khách hàng tiêu thụ sản phẩm tinh chế, bởi đây cũng là thế mạnh của FMC. Sách lược này đã thực thi từ đầu năm 2021, đến nay có kết quả khả quan.

Song song, FMC đã nỗ lực tổ chức nuôi tôm mùa nghịch như mọi năm. Việc này, ngoài ý nghĩa tăng sự chủ động nguyên liệu, tăng sức thuyết phục khách hàng về khả năng kiểm soát cả tiến trình tạo ra sản phẩm của mình, còn có ý nghĩa nếu kết quả nuôi khả quan sẽ góp phần làm giảm giá thành sản phẩm cuối cùng của mình, tăng lợi nhuận chung cả FMC.

Các doanh nghiệp cũng mong rằng, nhu cầu mặt hàng thủy sản từ các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Nhật Bản,.. sẽ tăng từ tháng 10/2022 để phục vụ mùa lễ hội cuối năm.

Một điểm sáng với toàn ngành là thị trường Trung Quốc đang có dấu hiệu mở cửa trở lại sau chính sách zero Covid. Nhờ đó, nhu cầu có thể tăng nhanh vì người tiêu dùng Trung Quốc đã có sự tín nhiệm các mặt hàng thủy sản của Việt Nam như: tôm, mực, cá tra... Trong 9 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc cũng là thị trường có tăng trưởng cao nhất của Việt Nam với mức tăng 76%, đạt 1,35 tỷ USD.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đang xuất khẩu thủy sản bằng đồng USD sẽ càng có thêm lợi thế, bởi đồng NDT đang mất giá và chạm mức thấp nhất trong 28 tháng qua. USD tăng giá cùng với sự gia tăng tích trữ nguồn hàng cho các kỳ nghỉ lễ trong quý IV, dự kiến sẽ thúc đẩy giá cả tại Trung Quốc tăng bất chấp các hạn chế của Covid-19 tại nước này.

Tin bài liên quan