Đối thoại thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh Việt Nam - EU

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam và châu Âu đang tìm cách xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp và chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư.
EuroCham công bố Sách Trắng 2021 tại sự kiện “Gặp gỡ châu Âu: Đối tác EU - Việt Nam sau đại dịch”, tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 11/2021

EuroCham công bố Sách Trắng 2021 tại sự kiện “Gặp gỡ châu Âu: Đối tác EU - Việt Nam sau đại dịch”, tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 11/2021

Công bố Sách Trắng 2021

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố Sách Trắng 2021 tại sự kiện “Gặp gỡ châu Âu: Đối tác EU - Việt Nam sau đại dịch”. Không giống như các ấn bản trước, Sách Trắng 2021 được đưa ra trong thời điểm chưa từng có khi Việt Nam đang nỗ lực chống đại dịch Covid-19, trong đó, nhiều công ty phải ngừng hoạt động và người dân phải ở nhà để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Ấn phẩm là tập hợp kinh nghiệm quốc tế và tại Việt Nam của 1.200 thành viên EuroCham thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề ở các tỉnh, thành phố trên khắp Việt Nam. 18 tiểu ban ngành nghề chia sẻ các đề xuất thực tiễn theo từng lĩnh vực cụ thể về cách làm cho các ngành riêng lẻ của họ và môi trường kinh doanh của Việt Nam cởi mở hơn, cạnh tranh hơn và hấp dẫn hơn đối với đầu tư nước ngoài.

Đối thoại tập trung vào 3 lĩnh vực chính: phát triển hạ tầng chăm sóc sức khỏe hiện đại và cải thiện khả năng tiếp cận với dược phẩm phát minh; giải quyết các vấn đề về thương mại hiện nay, đặc biệt tập trung vào ngành thực phẩm và đồ uống, cũng như các sản phẩm nông nghiệp; làm thế nào để phát triển kinh tế bền vững thông qua tăng trưởng xanh, hậu cần và các giải pháp kỹ thuật số.

Ngoài ra, Hội nghị cũng thảo luận về cách thức thúc đẩy mối quan hệ đối tác trong đầu tư với các nhà đầu tư châu Âu và các khu vực khác, đặc biệt là các cơ hội đầu tư vào các tỉnh của Việt Nam.

Với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực trong gần 18 tháng, triển vọng thương mại và đầu tư giữa hai bên đang rộng mở hơn bao giờ hết. Do đó, cả cộng đồng doanh nghiệp ở nước ngoài và trong nước - cũng như các bộ, ban, ngành - cần phối hợp cùng nhau để đảm bảo rằng, tất cả mọi người không chỉ tồn tại sau đại dịch, mà còn phát triển sau đó.

Do đó, mối quan tâm cụ thể của các thành viên EuroCham vẫn là các yêu cầu về giấy phép lao động hiện tại đối với người lao động nước ngoài - vốn là rào cản đối với việc đưa người lao động có kinh nghiệm từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam. Hơn nữa, các nhà đầu tư châu Âu tiếp tục đấu tranh để bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, trong khi đại dịch làm gia tăng các vụ việc tồn đọng hiện nay.

Trong khi đó, một số tiểu ban ngành nghề đã nêu vấn đề hàng giả được bán trực tuyến, thúc giục Chính phủ giải quyết sự lây lan của hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng. Và với việc du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch, các thành viên EuroCham khuyến khích Chính phủ thực hiện kế hoạch phục hồi để hỗ trợ ngành này.

“Các thành viên của chúng tôi không chỉ quan tâm đến việc tăng trưởng thương mại và đầu tư, mà còn giúp hiện đại hóa khung pháp lý của Việt Nam, hợp lý hóa thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh. Cả cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế đều được hưởng lợi từ môi trường đầu tư và thương mại tự do hơn, chưa kể những người tiêu dùng được tiếp cận nhiều hơn với hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới”, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham chia sẻ.

Kỳ vọng mở rộng hợp tác đầu tư, kinh doanh

Theo EuroCham, các vấn đề mà các thành viên nêu ra trong ấn bản mới nhất của Sách Trắng là những vấn đề khác với ấn bản đầu tiên năm 2008, khi Việt Nam mới gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã hội nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế và chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là thông qua các hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA.

Tuy nhiên, ông Cany cho biết, mặc dù các thách thức là khác nhau, song các giải pháp vẫn giống nhau, như thương mại tự do, công bằng, và dựa trên quy tắc là lộ trình để phục hồi sau đại dịch. “Nếu những ý tưởng trong Sách Trắng được hiện thực hóa, chúng tôi tin rằng, nó sẽ giúp Chính phủ tiến xa hơn và nhanh hơn trên con đường cải cách tích cực và giúp Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế chưa từng có trong tương lai”, ông Cany nói.

Để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, các cơ quan chính phủ của Việt Nam đang nỗ lực giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp châu Âu. Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, EU là một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam trong hợp tác phát triển, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6 của Việt Nam.

Bà Hồng cho biết thêm, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để các thành viên EuroCham đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, như công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp thông minh, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và các lĩnh vực khác. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng tin tưởng rằng, Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), sau khi được phê chuẩn, sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU.

Ý kiến - nhận định

"Vốn đầu tư nước ngoài sẽ giúp đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”

- Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham

Việt Nam đang đi đúng hướng. Đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính, các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, logistics và đầu tư hạ tầng, đồng thời đẩy mạnh số hóa và các thủ tục chính phủ điện tử sẽ giúp thu hút vốn đầu tư nước ngoài mới.

Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vào năm 2022 và phát huy hết tiềm năng như một điểm đến thương mại và đầu tư hàng đầu ở châu Á. Chúng tôi hy vọng, các đề xuất trong Sách Trắng sẽ góp phần đưa ra quyết định đúng đắn.

"Hy vọng chia sẻ được kinh nghiệm quốc tế”

- Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó chủ tịch EuroCham, phụ trách Vận động chính sách

Sách Trắng hàng năm thu thập thông tin chi tiết và khuyến nghị của các tiểu ban ngành nghề của chúng tôi, với chủ đề trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong ấn phẩm quan trọng này, các thành viên chia sẻ đề xuất với các cơ quan chức năng của Việt Nam về cách họ có thể khuyến khích thương mại và đầu tư nước ngoài nhiều hơn trong các lĩnh vực tương ứng. Làm như vậy, chúng tôi hy vọng chia sẻ được kinh nghiệm quốc tế của các thành viên để đóng góp vào sự thành công, phát triển và lớn mạnh của Việt Nam.

"Cam kết cải thiện dinh dưỡng cho người dân Việt Nam”

- Bà Trần Ngọc Anh, đại diện Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng, EuroCham

Chúng tôi cam kết cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân Việt Nam thông qua việc giới thiệu các giải pháp dinh dưỡng dựa trên cơ sở khoa học. Trong ấn phẩm Sách Trắng mới nhất, chúng tôi khuyến nghị Bộ Y tế cập nhật danh sách các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng hàng năm và bãi bỏ các thủ tục phê duyệt trước đối với các quảng cáo thực phẩm.

Chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi dự thảo nghị định thi hành Luật Bảo vệ môi trường để tạo điều kiện cho cả bảo vệ môi trường và tăng trưởng kinh tế.

"Mong muốn chứng kiến những cải thiện cụ thể trong môi trường kinh doanh”

- Ông John Paul Pullicino, Chủ tịch Tiểu ban Dược phẩm, EuroCham

Sách Trắng là một cơ hội quý giá để ngành dược phẩm nêu bật niềm tin vào tiềm năng của Việt Nam trong việc tạo ra giá trị kinh tế và xã hội đáng kể từ sự đầu tư của các công ty dược phẩm hàng đầu thế giới. Để điều này xảy ra, ngành cần có môi trường có thể dự đoán được và bền vững. Những chỉ đạo gần đây của Thủ tướng Chính phủ đang gửi đi những tín hiệu tích cực cho ngành dược phẩm.

Chúng tôi mong muốn được chứng kiến những cải thiện cụ thể trong môi trường kinh doanh.

"Hoàn toàn có thể đạt được những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại COP26”

- Ông Tomaso Andreatta, Tiểu ban Tăng trưởng xanh, EuroCham

Chúng ta hoàn toàn có thể đạt được những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại COP26 nhằm đạt được mức độ trung tính carbon vào năm 2050 và từ bỏ than đá như một nguồn điện năng.

Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có một lộ trình thực hiện và chúng ta phải hành động ngay. Các công ty và tổ chức châu Âu có thể trợ giúp bằng cách cung cấp vốn, công nghệ, chuyên môn và đặc biệt là hiểu cách thức hoạt động và mang lại kết quả của các mô hình khác nhau.

Tin bài liên quan