Ngành công nghiệp của Việt Nam có thể tiến rất nhanh nếu khắc phục được các hạn chế

Ngành công nghiệp của Việt Nam có thể tiến rất nhanh nếu khắc phục được các hạn chế

Đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp cơ khí mạnh tay rót vốn

(ĐTCK) Mặc dù còn non trẻ, nhưng ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam được dự báo có nhiều tiềm năng để lớn mạnh và tham gia vào chuỗi sản xuất có giá trị lớn của nền công nghiệp thế giới trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, nếu các doanh nghiệp trong lĩnh vực này biết tận dụng các cơ hội và được tạo điều kiện để phát triển.

Theo đánh giá của ông Isara Burintramart, Tổng giám đốc Công ty Reed Tradex, một đơn vị xúc tiến thương mại và đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp Thái Lan, hiện nay, trong khi thế giới đang tiến đến kỷ nguyên công nghiệp 4.0, thì trình độ sản xuất của ngành công nghiệp Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu do thiếu hụt các công nghệ mới, thông tin, kỹ năng và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ngành công nghiệp của Việt Nam không bắt kịp được xu thế này, mà ngược lại, có thể tiến rất nhanh nếu khắc phục được các hạn chế.

Cần đẩy mạnh hợp tác sản xuất giữa các doanh nghiệp cơ khí trong nước, tránh đầu tư trùng lặp để chống lãng phí, tăng cường đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất…

“Cách tốt nhất để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là phải bắt đầu từ những bước nhỏ nhất như lập chiến lược, dự án thí điểm…, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước về phân tích dữ liệu, cung cấp thông tin, đào tạo nguồn nhân lực và tăng năng lực quản trị, sẽ giúp các nhà sản xuất đi tiên phong trong cuộc cách mạng này”, ông Isara chia sẻ.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) Nguyễn Văn Thụ cho rằng, tính khả thi của Công nghiệp 4.0 nên bắt đầu bằng những bước nhỏ và đơn giản, nhưng cần được thực hiện ngay. Theo ông Thụ, bản thân các nhà sản xuất nên mạnh dạn đổi mới công nghệ, tránh đầu tư chồng chéo và không thể thiếu sự hợp tác chặt chẽ với nhau để tối đa hóa hiệu quả.

“Cần đẩy mạnh hợp tác sản xuất giữa các doanh nghiệp cơ khí trong nước, tránh đầu tư trùng lặp để chống lãng phí, tăng cường đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất…”, ông Thụ khuyến nghị.

Một dự án điển hình là kế hoạch kinh doanh phức hợp được ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Ô tô Trường Hải hé lộ gần đây trong việc xây dựng Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải, dự kiến đi vào hoạt động năm 2018. Trong đó, nhà máy được đầu tư công nghệ hàn lazer và công nghệ sơn tiên tiến nhất, công suất 100.000 xe hơi, 100.000 xe tải, 5.000 xe buýt. Kế hoạch mạnh dạn này đi kèm giải pháp kết nối các DN sản xuất linh kiện trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa, phát triển Chu Lai trở thành trung tâm cơ khí đa dạng miền Trung.

Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) dự kiến đầu tư 5.695 tỷ đồng cho giai đoạn 2016-2020 nhằm đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất, trong đó tập trung vào mục tiêu xuất khẩu, tiến đến có doanh thu xuất khẩu bằng doanh thu thị trường trong nước sau 5-10 năm.

Lãnh đạo VEAM cho biết, các dự án trọng điểm như: dự án di dời và xây mới Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo tại Khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh); dự án đầu tư sản xuất máy kéo 4 bánh hạng trung tại Khu công nghiệp Bỉm Sơn (Thanh Hóa)…

Ngoài ra, hàng loạt dự án liên kết hợp tác của nhiều doanh nghiệp khác về lắp đặt, nâng cấp dây chuyền sản xuất để nâng cao năng suất lao động và tăng giá trị của sản phẩm như CTCP Cơ khí Phổ Yên đầu tư dây chuyền sản xuất bằng các dòng máy mới từ Nhật Bản; Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo đầu tư hệ thống dây chuyền sơn tĩnh điện tự động để vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất của Nhà máy, vừa liên kết hợp tác với VYKINO;  Công ty Cơ khí Hà Nội đầu tư trang thiết bị dây chuyền đúc để cung cấp sản phẩm cho Trường Hải Auto, VEAM…

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực đầu tư, theo Chủ tịch VAMI Nguyễn Văn Thụ, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam thực sự bứt phá, cũng như xây dựng và đưa ra một chính sách phát triển công nghiệp cơ khí mang tính khả thi trong thời kỳ công nghiệp mới, cần giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại như: nhanh chóng cổ phần hóa doanh nghiệp cơ khí vốn nhà nước, xóa bỏ hình thức “chủ quản” trong lĩnh vực này; khuyến khích đầu tư vào ngành cơ khí chế tạo theo hướng lựa chọn áp dụng công nghệ 3.0 và 4.0 để chế tạo các sản phẩm cơ khí có chất lượng, giá thành hợp lý, thay thế cho nhập khẩu; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hơn nữa trong việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao, lành nghề…

“Đặc biệt, đối với các dự án đầu tư lớn về năng lượng, thủy điện, phân bón, thức ăn gia súc, công nghiệp chế biến thực phẩm, khai thác khoáng sản, xây dựng hạ tầng cơ sở (giao thông đường bộ, đường thủy), xây dựng dân dụng, công nghiệp quốc phòng… cần quy định ưu tiên sử dụng sản phẩm cơ khí Việt Nam đã đạt chất lượng và tương đương về giá”, ông Thụ nhấn mạnh.

Tin bài liên quan